Hàng tiêu dùng nhanh: Theo đuổi chiến lược đổi kênh phân phối

Hải Minh/ ĐTCK

 

Doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trên toàn quốc được thể hiện qua 6 nhóm hàng đang có sự thay đổi theo chiều hướng giảm sút. Bên cạnh đó, kênh phân phối thương mại truyền thống tiếp tục sụt giảm và kênh phân phối hiện đại lên ngôi. Vì thế, các doanh nghiệp FMCG cũng thay đổi chiến lược tiếp thị, bán hàng cho phù hợp với xu hướng mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Cải tiến sản phẩm
Báo cáo mới nhất của Market Pulse được công bố hàng quý bởi Nielsen cho thấy, trong quý I/2018, có 4 trong tổng 6 ngành hàng của FMCG sụt giảm doanh số, chỉ có nhóm thuốc lá và đồ uống có tăng trưởng doanh thu, đều đạt 0,6%.
 
Đáng chú ý, quý I rơi vào thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm tiêu dùng nhanh thường tăng cao. Diễn biến sụt giảm năm nay cho thấy đang có sự thay đổi lớn về nhu cầu và quan điểm mua sắm của người tiêu dùng, mà biểu hiện rõ nhất ở nhóm hàng thực phẩm và đồ uống, khi quý I/2017, cả hai mặt hàng này đều tăng trưởng rất mạnh, lần lượt đạt 8,8% và 9,9%.
 
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc điều hành bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ, Nielsen Việt Nam nhìn nhận, sự thay đổi quan niệm của người tiêu dùng về dịp lễ tết kéo theo những thay đổi trong hành vi mua sắm được cho là giả thuyết lớn nhất dẫn đến sự sụt giảm trong quý này.
 
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.399,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,5% (cùng kỳ năm 2017 tăng 7,0%).   

Tuy nhiên, về mức tiêu thụ của ngành hàng FMCG trong dịp Tết năm 2018, theo quan sát của Nielsen, đã đạt mức tương đương so với cùng kỳ năm 2017- vốn được ghi nhận là đạt đỉnh tiêu thụ cao nhất trong lịch sử.

 
Nhu cầu người tiêu dùng thay đổi buộc các nhà sản xuất phải nghiên cứu, tìm hiểu, thích nghi với xu hướng mới. Trong đó, theo ông Dũng, 2018 được mong đợi sẽ là năm của những sản phẩm mang tính đổi mới/cải tiến, bởi đây cũng là vấn đề nhà sản xuất cần lưu tâm để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
 
Cùng quan điểm, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, trong chiến dịch marketing của mình, Công ty chú trọng đặc biệt vào sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp này xác định giá trị cốt lõi là chất lượng sản phẩm tốt mang lại cho người tiêu dùng.
 
Trong khi đó, Coca Cola cũng tập trung đưa ra các sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt như sản phẩm Coca Cola thêm cà phê nguyên chất mới lạ.
 
Bà Phạm Nhã Uyên, Giám đốc Tiếp thị Coca Cola khu vực Đông Dương cho biết: “Việc ra mắt sản phẩm Coca Cola thêm cà phê nguyên chất tại thị trường Việt Nam đã thể hiện sự thấu hiểu mong muốn và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng”.
 
Kênh phân phối hiện đại lên ngôi
 
Doanh số của ngành hàng FMCG đo lường trên toàn quốc tiếp tục có sự thay đổi khi kênh thương mại truyền thống bị chậm lại ở cả khu vực thành thị và nông thôn, trong khi các kênh thương mại hiện đại có chuyển biến tích cực. Cụ thể, theo Nielsen, tốc độ tăng trưởng FMCG tại kênh hiện đại ở khu vực thành thị tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tốc độ của kênh truyền thống tại thành thị giảm 2,6%.
 
Nhìn vào con số này, các doanh nghiệp có thêm động lực để đẩy mạnh chiến lược tiếp thị tại các kênh thương mại hiện đại. Theo lý giải của các nhà nghiên cứu, với sự tăng trưởng nhanh chóng của số lượng cửa tiệm, kênh thương mại hiện đại có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các kênh truyền thống trong 3 năm trở lại đây. Và sự tăng trưởng này sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong năm 2018.
 
Hiện tại, có thể điểm qua những tên tuổi bán lẻ lớn đang không ngừng mở rộng hệ thống cửa hàng như Vinmart, Vinmart+ của Vingroup với khoảng 1.000 cửa hàng, Circle K Việt Nam đã phát triển chóng mặt với 259 cửa hàng tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu; 7-Eleven hiện có 11 cửa hàng tại TP. HCM và dự tính mở 1.000 cửa hàng tại thị trường Việt Nam trong 10 năm tới…
 
“Theo thống kê của chúng tôi, số lượng cửa hàng tiện lợi đã tăng gần gấp bốn lần kể từ năm 2012. Số lượng cửa hàng chuyên về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và các cửa hàng thuốc hiện đại cũng tăng gấp đôi trong 2 năm qua. Đáng chú ý hơn, các siêu thị mini (minimart) là kênh bán hàng phát triển số 1 trong các chuỗi cửa hàng được mở ra trong năm 2016 và 2017.
 
Các nhà bán lẻ hiện đại sẽ tiếp tục mở rộng và đầu tư vào các cửa hàng để thu hút nhiều người mua sắm hơn. Vì vậy, tương lai của các cửa hàng hiện đại với định dạng nhỏ này sẽ rất lạc quan và sự tăng trưởng của kênh này sẽ còn tiếp tục, thậm chí vượt trội trong tương lai”, ông Dũng chia sẻ. 

 

Nguồn: Theo Báo Đầu tư chứng khoán

Link bài: Hàng tiêu dùng nhanh….

(http://tinnhanhchungkhoan.vn/thuong-truong/hang-tieu-dung-nhanh-theo-duoi-chien-luoc-doi-kenh-phan-phoi-229115.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *