Trần Quí Thanh
—–
Ngành kinh doanh vận tải đường sắt của Việt Nam là ngành kinh doanh độc quyền, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là “cục cưng” của nhà nước. Phàm ở đời, mấy ông con một, cục cưng thì thường dễ hư hơn con đàn con đống.
Tui nhớ chừng năm bảy năm trước, mỗi dịp Tết đến, sân ga tàu lửa đông đen người, bán vé chợ đen chợ đỏ sôi động. Còn mấy năm gần đây, sân bay lại chen chân không lọt, còn ga xe lửa hoang vắng đìu hiu.
Vì sao vậy? Vì ngành hàng không đã phá vỡ thế độc quyền khi Vietjet tham gia thị trường. Tư nhân vào cuộc, giá vé rẻ hơn nhiều, buộc hãng hàng không quốc gia phải thay đổi để tồn tại. Cạnh tranh làm cho thị trường lành mạnh, đưa giá vé về đúng với quy luật của thị trường, người dân được hưởng lợi. Cho đến nay thì bà con đi máy bay thoải mái, không còn là mơ ước như năm xưa khi Vietnam Airlines còn độc quyền.
Cạnh tranh đã làm cho giá vé máy bay đôi khi rẻ hơn của xe đò.
Còn ngành đường sắt, một mình một đường ray, chạy bao nhiêu năm nay vẫn tốc độ cũ. Cũng thật khó hiểu, từ ngày thống nhất đất nước đến nay đã 43 năm, nhưng không có gì mới hơn, vẫn những toa xe cũ chỉ thay màu sơn, vẫn đường ray tuổi hơn trăm năm, và vẫn dịch vụ mang cái vía dật dờ của thời bao cấp.
Thời buổi này mà lên tàu lửa nằm vật vờ, ăn uống thì không ra gì, thì hành khách đương nhiên chọn máy bay.
Không chỉ hành khách, đường sắt mạnh về vận tải hàng hóa, nếu như khai thác tốt, hàng hóa hai miền Nam Bắc thông thương, giảm áp lực rất lớn cho đường bộ. Nhưng doanh nghiệp chán không muốn gửi tàu lửa, bởi vì các vị kinh doanh theo não trạng độc quyền, coi khách hàng như đi xin và mình là ông chủ ban phát. Dịch vụ thì lạc hậu, chậm chạp và giá thành cao, rốt cuộc thì vác toa tàu chạy không, lỗ chỏng gọng năm này qua tháng khác.
Làm cách nào để ngành đường sắt Việt Nam phát triển, câu trả lời vẫn là phá thế độc quyền, tạo điều kiện tối đa cho tư nhân tin tưởng đầu tư. Kinh doanh ngành hàng không là rất khó, nhưng tư nhân đã làm được, vậy thì đường sắt không phải là vấn đề. Nhưng để thu hút được tư nhân tham gia, nhà nước phải có những chính sách thông thoáng, cởi mở và phải xem các nhà đầu tư là thượng khách, không phải là những người đi xin xỏ.
Còn độc quyền, ngành đường sắt còn thua lỗ.
Sài Gòn ngày 09/07/2018
TQT
Đọc thêm bài, Link: Ngành đường sắt yếu kém do tư duy ‘độc quyền, không muốn cải tổ’
(https://theleader.vn/nganh-duong-sat-yeu-kem-do-tu-duy-doc-quyen-khong-muon-cai-to-1530864084981.htm)