AI mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp

Mạnh Tùng – Hà An/ Báo VnExpress

Nguồn hình: FPT shop

—–

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thâm nhập sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, không chỉ ở các ngành mới, tiên tiến mà cả các ngành truyền thống.

Trong khuôn khổ ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2020 (AI4VN) chiều 27/11 đã diễn ra hội thảo “Ứng dụng AI trong doanh nghiệp để thích nghi, phục hồi và bứt phá”.

Ông Phạm Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc khối công nghệ thông tin Tập đoàn Tân Hiệp Phát nói, Covid-19 dù ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, các doanh nghiệp nhưng cũng chứa nhiều cơ hội phát triển. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số là một trong những thách thức và cơ hội của doanh nghiệp.

Ông Phạm Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc khối Công nghệ thông tin Tân Hiệp Phát tại hội thảo chiều 27/11. Ảnh: Mạnh Tùng.

Theo ông Tuấn, phương châm chuyển đổi số của tập đoàn ông là “công nghệ là nền tảng, con người là trọng tâm, trải nghiệm khách hàng là mục tiêu”. Với công nghệ, doanh nghiệp sẽ giải các bài toán về sự xung đột thông tin và dữ liệu, tạo sự thuận tiện cho người dùng thông qua các đối tác chiến lược và các công nghệ nền tảng từ SAP, Amazon, Deloitte, các công nghệ xử lý dữ liệu.

Ngoài ra, họ còn có các ứng dụng giúp cho việc tự động và cắt bớt các quy trình trùng lắp trong tổ chức, tăng mức độ kiểm soát thông qua công nghệ đang tạo ra một sự đột phá cho việc chuyển đổi số tại doanh nghiệp.

Ông cho rằng, sự thành bại của việc chuyển đổi số phụ thuộc vào con người. Doanh nghiệp này đầu tư lớn vào con người với rất nhiều chương trình đào tạo, tái cấu trúc với mục tiêu có được một sự phối hợp giữa các thành viên trong nội tại từng phòng ban cũng như ngoài phòng ban. Mỗi một phòng ban sẽ được xem như một mô hình trung tâm dịch vụ, nơi mà việc tạo giá trị cho khách hàng luôn là một ưu tiên hàng đầu.

“Chúng tôi đang hướng tới một mô hình chuỗi giá trị gia tăng khi khách hàng và cộng đồng bên ngoài sẽ là đối tượng cuối cùng nhận được giá trị cuối cùng lớn nhất. Chính vì điều này mà mỗi khối phòng ban luôn phải có sự cải tiến dịch vụ không ngừng để tạo nhiều giá trị cho khách hàng nội bộ và khách hàng bên ngoài”, ông cho biết.

Với phương châm là ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua và không bằng ngày mai, mỗi thành viên trong công ty phải có sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc tạo ra giá trị dịch vụ cho người khác và công nghệ chính là yếu tố then chốt giúp truyền tải các giá trị được tạo ra đến với khách hàng.

Năm 2019, doanh thu của Tân Hiệp Phát khoảng 9.200 tỷ đồng, trong đó việc chi cho ứng dụng công nghệ 2-3%. Trong bài toán đầu tư cho công nghệ, AI, doanh nghiệp phải cân đối yếu tố lợi nhuận mang lại, hiệu quả cho khách hàng.

Ông Đỗ Văn Hải, chuyên gia tại Trung tâm Không gian mạng, Tập đoàn Viettel. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ông Đỗ Văn Hải, chuyên gia tại Trung tâm Không gian mạng, Tập đoàn Viettel phân tích cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp trong việc phát triển các ứng dụng xử lý tiếng nói cho doanh nghiệp. Công nghệ này đã giúp Viettel xử lý được khối lượng công việc khổng lồ một cách chính xác, hiệu quả.

Mỗi ngày, Viettel có gần 500.000 cuộc gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng. Trước đây doanh nghiệp phải dùng hàng nghìn người để giám sát các cuộc gọi này nhưng không thể triệt để, không kiểm soát được tất cả cuộc gọi, việc đánh giá cũng thiếu khách quan.

Hiện nay, bằng việc đưa cuộc gọi sang văn bản, sử dụng một số keyword có thể phân tích được cuộc gọi, từ đó đánh giá được chất lượng chăm sóc khách hàng của tổng đài viên, ghi nhận những phản ánh từ khách hàng.

Theo ông Hải, muốn áp dụng AI trong doanh nghiệp, người lãnh đạo cần chấp nhận sự đổi mới, áp dụng công nghệ mới. Doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau, cùng tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết các vấn đề.

“Không chỉ các doanh nghiệp ở các ngành mới mà các doanh nghiệp ngành truyền thống như dệt may, da giày, nông nghiệp cũng có thể áp dụng”, ông nói.

Ở góc nhìn tích cực, ông Nguyễn Việt Bằng, Phó tổng giám đốc VNPT Technology cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để ứng dụng AI, khó khăn có nhưng không quá lớn.

Theo ông, lãnh đạo doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để quyết định ứng dụng AI hay không. Họ không cần phải biết hết công nghệ nhưng cần có tư duy đổi mới, có được một cấp dưới đáng tin cậy, có óc phân tích, tổng hợp để ra quyết định đúng đắn.

Ông Jesse Arlen Smith tham luận tại hội thảo, chiều 27/11. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ông Jesse Arlen Smith, Chủ tịch AlforGood châu Á, Giám đốc điều hành “The Robot of the Year” trong bài tham luận chủ đề AI toàn cầu tác động tích cực đến xã hội và kinh doanh đã nêu bật nhiều giá trị của AI trong đời sống hiện nay.

Ông đánh giá, tiềm năng AI ở Việt Nam là khổng lồ, có thể nhảy vọt. AI ở Việt Nam đang ở giai đoạn triển khai, lại không tốn quá nhiều chi phí vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Chưa kể, Việt Nam có sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ và khối tư nhân.

Tuy nhiên, AI không phải là chìa khoá vạn năng để tháo gỡ mọi vấn đề. AI cần được nhìn nhận ở một góc hẹp lại, từ những dữ liệu và chiến lược mà doanh nghiệp đang có. Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp cũng cần tìm đúng đối tác.

“AIforGood sẽ tìm những dự án có ích cho sự phát triển xã hội, làm việc với chính phủ và công ty địa phương, cuối cùng kiến thức sẽ được chuyển giao và trở thành miễn phí cho tất cả mọi người”, ông chia sẻ.

 

NGUỒN:  Theo Báo VnExpress

Link bài: AI mang lại…

https://vnexpress.net/ai-mang-lai-co-hoi-lon-cho-doanh-nghiep-4198268.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *