Tôi là cô giáo già đã về hưu, tuổi cũng gần bằng Dr. Thanh. Nghề nghiệp chẳng liên quan gì đến ngành nước giải khát,nên tôi hầu như không biết gì về ông Thanh cả. Chỉ vì “vụ con ruồi” mà tôi biết Dr. Thanh là ai và ghét luôn ông. Ghét đến nỗi tờ báo nào có hình ông là tui không mua, có lỡ mua cũng không đọc.
Rất may Nguyệt Hằng ở Cali về ghé qua thăm. Nó là bạn học cùng lớp thời phổ thông. Chúng tôi vẫn mày tao với nhau. Nguyệt Hằng khoe với tôi nó đang làm việc ở THP và Dr. Thanh cho bộ phim tài liệu 30 phút của nó. Tôi giãy nãy: “Trời đất ơi mày hết chỗ quay phim rồi à?” Nguyệt Hằng cười. Nó bảo: “Lúc đầu tao cũng nghĩ như mày vậy đó nhưng khi tiếp xúc thì mới thấy mình lầm, THP và Dr. Thanh hoàn toàn khác những gì mình đọc ở facebook.”
Nguyệt Hằng lôi tôi đi vào THP “làm phim”, tôi đi theo cho vui, rảnh quá cũng buồn. Và tôi đã gặp Dr. Thanh trong chục ngày qua tại THP, đôi khi ngồi nhậu với anh, tranh cãi với anh. Đôi bữa cùng ăn cơm với vợ chồng anh. Cũng như Nguyệt Hằng dần dần tôi đã nhận ra một chân dung hoàn toàn khác ở Dr. Thanh. Nói ra thiệt xấu hổ, tôi còn nghĩ bụng: hồi trẻ mình gặp cha này chắc mình dễ chết với chả quá. Hi hi…
Sau đây là những gì tôi ấn tượng về người đàn ông “đáng ghét”.
Sinh hoạt rất lè phè..
Tôi chưa bao giờ tiếp xúc nhà giàu cỡ triệu đô, đừng nói tỉ đô. Tôi cứ nghĩ chắc họ ăn chơi xa hoa, trác táng, phè phỡn lắm. Nên khi gặp Dr. Thanh tôi hết sức ngạc nhiên. Ông hết sức bình dân, đơn giản, tiết kiệm. Dr. Thanh là người như vậy, sinh hoạt rất lè phè, gặp chăng hay chớ.
Gia đình ông thường xuyên phải bay đi các nước để tổ chức bán hàng, ký kết hợp đồng làm ăn. Nhưng từ tổng giám đốc đến mấy cô con gái rượu của ông không có thói quen mơ mộng thả hồn trên hạng ghế vip thương gia, mà ngồi ghế hạng phổ thông như bao người khác. Ông luôn dạy các con ý thức sống tiết kiệm, biết quý trọng đồng tiền làm ra và chính bản thân ông còn lơ ngơ không biết xài tiền.
Dường như Dr. Thanh mang dáng dấp của nhiều địa chủ giầu có đất Sài Gòn xưa. Bình dân lè phè, không có thời gian và không quá quan tâm đến vẻ bên ngoài. Quanh năm Dr. Thanh khoác trên người duy nhất một kiểu quần áo, nhiều tông màu khác nhau, luôn bỏ áo ngoài quần, chân lẹp xẹp dép lê.. Chỉ khi nào phải đi dự những hội nghị quan trọng, bước lên sân khấu đọc diễn văn, hay ngồi trước ống kính máy quay.. Người ta mới thấy ông tinh tươm, chải chuốt.
Trong công ty cũng như tại phòng riêng ở nhà, tất cả chỗ đặt tay trên các bộ ghế Dr. Thanh ngồi đều được khoét hai lỗ sâu hoắm để ông tiện thể đặt vào ly nước, hay gạt tàn luôn vào đó. Việc hút thuốc liên tục, hết điếu này sang điếu khác của ông không hẳn là thưởng thức vị ngon, mà như một hành động tâm lý vô thức để cân bằng những suy nghĩ luôn bất chợt hiện lên trong đầu. Ông hút thuốc lá như cái đầu máy xe lửa cổ chạy bằng hơi nước, ngày vài ba gói. Tất cả các phòng ban làm việc trong công ty có gắn máy lạnh đều treo biển cấm hút thuốc, chỉ riêng phòng tổng giám đốc được thiết kế thêm hệ thống quạt thông gió, chủ và khách có thể thi nhau phì phèo nhả khói.
Có lẽ đây là đặc quyền đặc lợi duy nhất trong công ty mà ông chủ Dr. Thanh tự cho mình cái quyền được hưởng. Ngoài ra ông cũng làm quần quật ngày đêm, có khi họp hành mỗi người chỉ nhai một ổ bánh mỳ, từ sáng sớm tới 12 giờ khuya. Để rồi đúng đầu giờ ngày mai bậu sậu lãnh đạo trong ban tổng giám đốc lại lục tục có mặt tại công ty như những nhân viên dưới quyền.
Dr. Thanh có thói quen ăn uống rất chểnh mảng, không giờ giấc cố định. Người mang số vất vả, đa đoan công việc thường hay ưu tư, suy nghĩ ngay cả trong bữa ăn. Tôi cảm giác Dr. Thanh ăn uống chỉ như cách người ta thực hiện cho xong nghĩa vụ. Ông thường dùng bữa rất nhanh, rồi đứng ngay dậy. Nhiều khi không để ý mình đang ăn gì. Có đêm tôi bắt gặp ông ngồi thừ ra, lặng lẽ một mình cô đơn trong căn phòng riêng quá rộng. Ông cố gắng tỏ ra trầm tĩnh để che dấu khoảnh khắc yếu lòng. Nhà ông mỗi người ở một phòng và ai cũng quá bận rộn, đa đoan công việc. Phải chăng, sự cô đơn lớn nhất ở một người như ông là không có ai tri âm, đối ẩm? Một ai đó đủ cấp độ chia sẻ, cảm thông những trống vắng và cả những phát kiến tư tưởng mang tính đột phá luôn trỗi dậy trong mình. Đó cũng là nỗi cô đơn thường thấy ở những con người luôn mơ ước và khát khao vượt lên trên những ham muốn bình thường như bao người khác.
Tôi từng buột miệng :Anh Thanh. Nhiều khi thấy anh khổ quá.. Lắm tiền quá để làm gì.. Ông hơi ngơ ngác :Khổ gì đâu. Mọi thú vui của cuộc đời tôi đều dành cho công việc…
Tôi định hỏi tiếp một câu, nhưng suy nghĩ thế nào lại thôi. Vậy phía sau công việc, sau bao cuộc vật lộn bể dâu, dư vị cả một đời người không có thú vui tận hưởng bao giá trị mà mình làm ra, cuối cùng sẽ được gì ?.
Lè phè.. Nhưng sống tình cảm
Đằng sau sự cứng rắn, quyết đoán đến mức cuồng tín, với vẻ mặt hơi ngầu và lạnh của một người từng trải qua tuổi thơ dữ dội, những thăng trầm trong sự nghiệp kinh doanh.. Dr. Thanh là một con người có đời sống nội tâm khá tình cảm, thậm chí dễ tin người. Có thể tỏ ra dè chừng trong lúc sơ giao, nhưng khi đã quen ai ông lại thành tâm, hỉ hả bất kể tuổi tác, hay nghề nghiệp. Cái bắt tay của ông luôn chặt và nồng ấm. Bàn tay thô ráp của người tập võ, không ơ hờ, nhão nhợt như những người thường ẩn giấu cơ mưu.
Ông luôn thẳng thắn bộc lộ, không giấu giếm những quan điểm của riêng mình trong kinh doanh và đối nhân xử thế. Hơi kiệm lời và biết lắng nghe, nhưng khi tâm đắc điều gì ông có thể say sưa thuyết giáo hàng giờ không biết chán.
Với bản tính nóng nẩy, mạnh mẽ, trọng tín nghĩa, ánh mắt chứa đầy nội lực, thấp thoáng trong đó cả sự ngang tàng.. Dr. Thanh gợi lên một hình ảnh bỗ bã bình dân, như tác phong quen thuộc của vị tướng cả đời xông pha giữa trận tiền, hơn là sự chỉnh chu, đạo mạo của một nhà ngoại giao, chính trị. Trong từng câu chuyện, ông không bao giờ rào trước đón sau và luôn mang đến cảm giác an toàn cho người đối diện. Người ta tin rằng một Dr. Thanh đang ngồi trước mặt sẽ bao giờ không lừa dối, phản bội mình. Cho dù cách nói và những điều ông nói không phải lúc nào cũng dễ nghe.
Ông sẵn sàng nói toạc móng heo, không quanh co, đúng bản chất sự việc. Chính ông cũng nhiều lần thừa nhận, ông rất kém trong những quan hệ ngoại giao đưa đẩy. Khi ký kết hợp đồng làm ăn cùng đối tác, ông luôn ngửa bài đặt thẳng mọi thứ lên bàn, với câu hỏi đột ngột đúng thời điểm, trước khi đưa ra quyết định: Vậy thì tôi được gì ? Bởi ông quan niệm bạn hàng, đối tác trong kinh doanh là cùng nhau chia sẻ lợi ích, vì tương lai lâu dài, chứ không phải xuất phát từ lòng tham, nhất thời chụp giật.
Ông rất ghét thói làm ăn gian dối lừa gạt, chỉ thừa cơ hội giật miếng bánh trên tay người khác. Có lẽ cũng vì sống quá ngay thẳng, quá kiêu hãnh với những đột phá sáng tạo, không biết tự che dấu bản thân, nên cuộc đời và sự nghiệp kinh doanh của ông luôn gặp nhiều thị phi, sóng gió? Tôi cảm giác, ẩn sau vẻ phong trần và chất thép trong từng lời của Dr. Thanh còn có cả sự chua xót về những bất công mà cuộc đời bắt ông phải chịu.
Nguyệt Hằng quay xong phim cũng là lúc chúng tôi phải nói lời chia tay với Dr. Thanh, lúc này đây với rất nhiều thương mến. Tôi chào ông, nói đâu câu âu yếm thực lòng. Ông đưa tay ra bắt. Không giữ quá lâu, nói một câu cụt ngủn: Xin lỗi vì những ngày ở đây đã bắt cô ngửi nhiều khói thuốc.
Dr. Thanh là như vậy. Bộc bạch, đơn giản. Với phụ nữ là hơi quê. Không khéo nói lấy lòng và không tỏ ra màu mè khi quan tâm người khác… Tôi thích tip đàn ông như thế.
Hồng Minh.