Ba mũi giáp công để tạo ra nguồn nhân lực kỹ thuật cao

Trần Quí Thanh 

Sáng 5-5, đúng vào dịp Tháng công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ với 90 công nhân lao động kỹ thuật cao đến từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực thuộc 23 tỉnh, thành trong cả nước. (Nguồn ảnh: Thư viện tỉnh Bình Phước)

—–

Theo dõi các cuộc gặp gỡ công nhân lao động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mấy năm qua, tui thấy mỗi lần gặp tập trung một chủ đề cụ thể. Lần gặp ngày 5.5 vừa qua tại TPHCM, chủ đề đặt ra là “công nhân, lao động kỹ thuật cao”.

Đã đến lúc Việt Nam không thể không đối diện với sự thật rằng, nguồn nhân lực của chúng ta thuộc loại thấp và rất thấp. Trong tổng số hơn 53 triệu lao động thì chỉ chưa đầy 19% công nhân có trình độ kỹ thuật cao, còn lại là lao động phổ thông.

Giáo sư Trương Nguyện Thành, cựu Hiệu phó điều hành Trường Đại học Hoa Sen từng đưa ra thông tin mang tính cảnh báo về chất lượng nguồn nhân lực, đó là robot thế hệ mới, sản phẩm trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế gần như toàn bộ các hoạt động sản xuất trong nhà máy, cho nên các vị trí lao động phổ thông đảm nhận công việc “thủ công”, “cơ bắp” gần như bị loại trừ, chỉ những công nhân có tay nghề cao, công nhân kỹ thuật mới tồn tại.

Không chỉ GS Trương Nguyện Thành, nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề như vậy, nhiều hội thảo khẳng định đòi hỏi về nguồn nhân lực kỹ thuật cao là cấp bách, là yếu tố sống còn của nền kinh tế, của phát triển. Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta khá dửng dưng về lời cảnh báo này.

Thời gian vật lý như nhau, nhưng một năm của thời đại công nghệ 4.0 khác trước rất nhiều. Cũng trong một năm, nhưng mọi sự sẽ thay đổi rất nhanh, công nghệ mới ra đời sẽ dẩy tất cả những dây chuyền cũ vào kho phế liệu. Lúc đó, người lao động thời vụ, giản đơn đi đâu, về đâu?

Trong khi chúng ta chưa hiểu kịp trí tuệ nhân tạo là gì và chưa có được sản phẩm nào tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì các quốc gia tiên tiến đã bước tiếp vào công nghệ “bảo mật trí tuệ nhân tạo”. Thế giới đang đi rất nhanh và ngày càng bỏ xa chúng ta, rất đáng lo ngại.

Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định thương mại và ngày càng hội nhập sâu vào các nền kinh tế thế giới và xem đó là cơ hội, nhưng nó thực sự là cơ hội khi có được một nền sản xuất mạnh, tạo ra được hàng hóa cạnh tranh được trên thị trường khu vực và thế giới. Và muốn có được điều đó, đầu tiên vẫn là sở hữu được nguồn nhân lực kỹ thuật cao.

Làm sao để có được công nhân, lao động kỹ thuật cao, theo tui có “ba mũi giáp công”.

Một là chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và các chính sách hiệu quả, thiết thực của nhà nước.

Hai là mỗi doanh nghiệp phải có chiến lược tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực cao cho đơn vị mình.

Ba là mỗi công dân, công nhân, người lao động phải ý thức tự đào tạo mình. Cuộc đời này không có chỗ thành công cho những ai lười biếng, không chịu học hành để vươn lên. Ai không tự cứu mình thì đừng mong trời cứu.

 

Sài Gòn ngày 08/05/2019

TQT

Bài đọc thêm, Link: Không thể đi theo con đường lao động giá rẻ nữa

(https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khong-the-di-theo-con-duong-lao-dong-gia-re-nua-731579.ldo)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *