Bác sĩ bệnh viện Việt Đức tiết lộ 8 điều ai cũng có thể làm để cứu mình khỏi tử thần

Minh Anh/ Báo Tri Thức Trẻ

Bác sĩ bệnh viện Việt Đức tiết lộ 8 điều ai cũng có thể làm để cứu mình khỏi tử thần: Con số bệnh nhân ung thư đáng giật mình, các anh chị ạ!

Những con số giật mình về bệnh ung thư sẽ khiến tất cả chúng ta lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình. Tạo thói quen sống lành mạnh và khoa học là tự bảo vệ cuộc sống của chính mình, ngăn ngừa nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Mới đây, bác sĩ Trần Quốc Khánh, bệnh viện Việt Đức, Hà Nội đã chia sẻ trên trang cá nhân những con số “giật mình” về căn bệnh ung thư. Theo chia sẻ của một người bạn của bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện K trung ương, riêng một khoa đã có 1.300 bệnh nhân ung thư đang điều trị, trong đó có 1.200 bệnh nhân ngoại trụ. Đó là con số khiến tất cả chúng ta đều giật mình.

Bệnh ung thư đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Bất kỳ ai cũng lo ngại nguy cơ mắc bệnh đối với bản thân và gia đình. Mặc dù đã có nhiều tài liệu, bài viết chia sẻ về cách phòng chống và ngăn ngừa ung thư được lan truyền nhưng không phải ai cũng thực hiện đúng, đủ để bảo vệ sức khỏe.

Vì vậy bác sĩ Trần Quốc Khánh vẫn muốn gửi đến tất cả mọi người những lưu ý giúp dự phòng bệnh ung thư. Vị bác sĩ “nghìn like” nhấn mạnh rằng mọi người hãy “Lưu ý” và “Thay đổi” thói quen sống trước khi quá muộn.

Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Trần Quốc Khánh trên trang cá nhân:

1. Ăn uống và chất bảo quản thực phẩm: Vô cùng quan trọng

– Đừng dễ dàng đưa miếng ăn vào miệng. Ung thư thực quản, dạ dày, gan, đường tiêu hóa là những loại ung thư có liên quan trực tiếp đến thói quen ăn uống của chúng ta. Ngoài ra, rất nhiều những bệnh lý và ung thư khác cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những gì chúng ta đưa vào miệng.

– Mọi người cần tránh sử dụng thực phẩm chứa độc tố Aflatoxin (gây ung thư gan) như nấm mốc, các loại tương lên men, hắc xì dầu, thực phẩm đã mốc, mọc mầm… cũng như các loại cà muối, dưa muối, củ cải muối lâu ngày. Anh chị cũng nên hạn chế ăn uống vỉa hè, trà trân châu các kiểu. Vì nguồn gốc thực phẩm và độ an toàn vệ sinh là điều nhức nhối.

– Tránh ăn các loại thức ăn bị cháy khét, tạo than bao quanh vì các loại thực phẩm này chứa rất nhiều độc tố liên quan bệnh lý ung thư, đặc biệt là các loại ung thư đường tiêu hoá. Hạn chế chiên, nướng, xào, rán. Hạn chế sử dụng nhiệt độ quá cao trong quá trình chế biến thực phẩm. Nếu được anh chị nên ưu tiên sử dụng rau củ quả sống, salad, hấp… các loại thịt cá nên luộc, kho nhạt, nấu canh, ăn lẩu và hấp.

– Hạn chế ăn các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, hot dog, pa-tê, các thực phẩm có nhiều chất bảo quản, hàm lượng muối quá cao, chất tạo hương, chất tạo mùi, phụ gia, hoặc phẩm màu.

– Tạo thói quen sử dụng các loại rau, củ, quả, chất xơ và các loại hạt (lạc, vừng, điều, ô liu, hạnh nhân, hướng dương…) trong chế độ ăn hàng ngày. Tăng cường sử dụng các thực phẩm chống oxi hoá, nhiều vitamin A, C như cà-rốt, cam, chanh, đu đủ, cà chua, trà xanh, xúp lơ… và đặc biệt là các loại đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ..) và các loại bầu, bí (bí đỏ, bí xanh..). Nên ưu tiên các loại thịt trắng (gà, vịt, chim..) và hải sản, các loài cá.

– Bổ sung đủ Vitamin D hằng ngày: Vitamin D rất quan trọng cho cơ thể. Tuy nhiên chỉ 10% nhu cầu lượng Vitamin D hằng ngày được cung cấp qua ăn uống.

Vì vậy để đảm bảo cơ thể không thiếu hụt Vitamin D, ngoài việc mọi người cần vận động thể dục đều đặn hằng ngày dưới điều kiện ánh sáng tự nhiên (cần tránh khoảng thời gian 10 giờ – 16giờ), chúng ta cũng cần chủ động uống bổ sung viên canxi và Vitamin D.

– Hạn chế thực phẩm để quá lâu, thực phẩm đã có mùi, thực phẩm đã chế biến quá 24 giờ, thực phẩm quá mặn, quá ngọt hoặc quá nóng, quá lạnh… Thức ăn nóng và có dầu mỡ không nên đựng trong các vật dụng có nguồn gốc từ nhựa, xốp, nylon. Thủy tinh, sứ là những vật liệu an toàn đối với việc lưu trữ thực phẩm.

2. Xây dựng lối sống lành mạnh và biết cách cân bằng chúng: Vô cùng quan trọng

– Luôn biết cách cân bằng một cách hợp lý giữa công việc và nghỉ ngơi, thư giãn giúp giải tỏa stress. Sự kết hợp chế độ ăn uống khoa học, chế độ tập luyện và một giấc ngủ đủ giấc là cách phục hồi năng lượng tốt nhất sau một ngày làm việc căng thẳng, từ đó tăng cường hệ miễn dịch chống lại sự nhen nhóm phát triển của tế bào ung thư.

– Hút thuốc lá và uống quá nhiều rượu là hai thói quen “chết người” hiện nay của thanh niên chúng ta. Nhiều người “ngây thơ” nghĩ rằng hút thuốc chỉ ảnh hưởng đến phổi, uống rượu chỉ bị dạ dày và gan. Thực tế sự tàn phá của thuốc lá & rượu vô cùng khủng khiếp và xảy ra ở hầu hết cá cơ quan, bộ phận trong cơ thể chúng ta. Thậm chí còn góp phần gây thai nhi dị dạng, thai non hoặc yếu sinh lý, vô sinh.

– Tiêm phòng đầy đủ để ngăn ngừa những căn bệnh truyền nhiễm như viêm gan virus, human papilloma virus (HPV) bởi đây là các nguyên nhân gây ung thư gan và cổ tử cung rất phổ biến ở Việt Nam.

– Luôn lắng nghe cơ thể mình! Khi chúng ta thấy mệt mỏi, nhức xương về sáng, chóng mặt, ăn không ngon miệng, mất ngủ…Bác sĩ khuyên nên chủ động đi kiểm tra sức khỏe sớm. Tránh để xảy ra nhưng dấu hiệu muộn như gầy sút cân, thiếu máu, sốt kéo dài…

3. Thể thao tăng cường chuyển hóa và sức đề kháng: Vô cùng quan trọng

Bác sĩ Trần Quốc Khánh là một người rất yêu thể thao và thường xuyên khuyên mọi người hãy tăng cường luyện tập thể thao hàng ngày. Ảnh: FBNV.

– Đây là giải pháp nâng cao sức khỏe và cải thiện hệ thống miễn dịch rất tốt và ai cũng có thể thực hiện được. Thật buồn khi theo tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam được xếp vào nhóm những nước lười vận động nhất.

– Một nghiên cứu của Viện ung thư Hoa Kỳ thực hiện trên 14 triệu người thường xuyên vận động thể chất cho thấy những đối tượng này giảm nguy cơ mắc 13 các loại bệnh ung thư thường gặp so với những người ít vận động thể chất. Nghiên cứu cũng ước tính mỗi năm có hơn 500 nghìn ca ung thư được chẩn đoán liên quá đến béo phì.

4. Hóa chất, thuốc tây và các tia bức xạ

– Một số hóa chất sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm, công nghiệp chăm sóc sắc đẹp, in ấn, da giày, thuốc nhuộm tóc, sơn móng tay, mực in, chất tạo màu… có chứa nhiều yếu tố tăng nguy cơ ung thư. Do đó, chúng ta cần mang bao tay, khẩu trang, tăng cường thông thoáng khí, sử dụng các hệ thống lọc khi tiếp xúc.

 

– Hạn chế tác hại của tia tử ngoại (đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, lúc cường độ tia tử ngoại cao nhất trong ngày) bằng cách sử dụng kem chống nắng, dùng mũ, dù che nắng khi tiếp xúc với tia tử ngoại và hạn chế tối đa xuất hiện ngoài trời trong khung giờ trên. Những tia xạ này chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư da (hay gặp hơn ở người da trắng), ung thư bạch cầu, ung thư giáp…

– Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, các hóa chất bảo vệ và kích thích tăng trưởng, đặc biệt là ông bà chú bác mình ở quê. Hiện nay thói quen sử dụng các sản phẩm thuốc trừ sâu trừ cỏ còn rất nhiều. Và đáng ngại hơn nữa là mọi người chưa có ý thức sử dụng các phương tiện bảo hộ cần thiết như mũ, khẩu trang, găng tay, áo chống thấm nước… Các bạn trẻ sử dụng những chất kích thích tổng hợp, thuốc lắc, ma túy đá..cũng không tránh khỏi những nguy cơ bệnh lý nguy hiểm về sau.

– Một số nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng việc lạm dụng một số thuốc tây (thuốc tránh thai, thuốc điều chỉnh nội tiết tố…) cũng có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ ung thư vú, buồng trứng, phổi, đa u tủy xương và u lympho.

5. Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Mỗi người đều nên xây dựng thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ cho mình và người thân, ít nhất 6 tháng một lần. Và mỗi gia đình nên có “Quỹ tài chính cho sức khoẻ” để hằng năm cả nhà đi kiểm tra sức khoẻ. Vì với tất cả các loại ung thư, việc phát hiện sớm đóng vai trò quyết định trong điều trị & tiên lượng.

6. Ô nhiễm không khí: Vấn đề nhức nhối hiện nay

Tình trạng ô nhiễm không khí tại các trung tâm thành phố lớn đang ngày càng trở nên trầm trọng. Mong chờ một giải pháp vĩ mô với nước ta hiện nay thực sự là hơi xa vời, bác sĩ mạnh dạn nói như vậy. Mỗi chúng ta cần tự “cứu” lấy mình trước.

Những giải pháp bác sĩ gợi ý bao gồm:

– Lựa chọn sống nơi thoáng nhất có thể, càng nhiều cây xanh càng tốt. Nếu vì làm ăn, kinh tế hay chưa thể đủ tiềm lực để lựa chọn nổi nơi đáng sống thì việc sống sâu trong những ngõ ngách ở trung tâm những thành phố lớn, chúng ta phải chấp nhận việc được-mất này. Hiện nay có hệ thống các loại máy lọc không khí, các gia đình có thể cân nhắc lắp đặt.

– Cuối tuần nên tạo thói quen cho cả nhà ra ngoại ô, vùng biển hoặc lên núi-đồi, nơi nhiều cây xanh để “thanh lọc” hệ hô hấp. Cả tuần ở điều hoà, hít bụi đường phố rồi thì cuối tuần, chúng ta hãy rời nơi đó, cho cơ thể thêm chút thời gian tái tạo năng lượng.

– Nên đeo kính và khẩu trang khi ra đường, để bảo vệ mắt và đường hô hấp, tránh khói và những hạt bụi vô cùng nhỏ.

– Những người sống gần các khu công nghiệp, các nhà máy…hoặc làm việc trong những môi trường nguy cơ cao như hầm mỏ, đan dệt, xi măng cán thép, các cửa hàng xăng-dầu… luôn cần có bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn và cũng nên tích cực đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu được, xin hãy sống càng xa các khu công nghiệp càng tốt.

– Yoga, thiền…là những bộ môn luyện tập giúp cải thiện đường hô hấp rất tốt. Mỗi nhịp thở chúng ta thực hiện, luôn chỉ có một lượng nhất định khí ra-vào, còn có một lượng khí rất lớn hầu như “nằm yên” trong phổi chúng ta, gọi là khí cặn. Nếu ai chăm chỉ tập luyện thể thao, lượng khí cặn này sẽ ít đi, lượng khí trao đổi sẽ nhiều lên trong mỗi lần thở. Chính điều đó sẽ giúp chúng ta thấy dồi dào ô-xi hơn cũng như tránh được tình trạng thở nông, hụt hơi, đuối sức và cảm giác thiếu ô-xi mạn tính.

7. Vấn đề nguồn nước

Cùng chung cảnh ngộ với không khí, nguồn nước ngầm tại những thành phố lớn trên đất nước ta cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là bị nhiễm những kim loại nặng.

– Việc lựa chọn lắp đặt thêm những hệ thống lọc nước trong nhà nên được thực hiện sớm. Nếu có thể, sau 1 khoảng thời gian nhất định, các gia đình nên lấy vài mẫu nước đang sử dụng đi kiểm tra chất lượng và các thành phần.

– Mỗi cục pin chúng ta thải ra môi trường là thêm một lần ô nhiễm nghiêm trọng nguồn đất-nước và tương lai con em chúng ta sẽ là người gánh chịu. Vậy nên bác sĩ đề nghị một việc làm rất nhỏ thôi: Hãy gom những cục pin đã qua sử dụng và gửi về các địa chỉ thu gom để xử lý tập trung.

8. Hạn chế tiếp xúc với A-mi-ăng

– Hiện nay trong khi nhiều quốc gia phát triển đã cấm sử dụng và tiêu thụ Amiăng dưới mọi hình thức thì một số quốc gia đặc biệt là các nước đang phát triển và ở Việt Nam, Amiăng vẫn tiếp tục được sử dụng.

– Sau 40 năm nghiên cứu, từ năm 1973 Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại Amiăng vào nhóm 1 là các chất gây ung thư ở người.

– Tác hại của Amiăng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng được biết đến là gây bệnh bụi phổi–Amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính (màng phổi, màng bụng, màng tim), mảng màng phổi, tràn dịch và dày màng phổi, ung thư thực quản, buồng trứng. Người tiếp xúc với Amiăng thường phát bệnh sau khi tiếp xúc rất lâu (từ 20-30 năm) nên thường đến khi người lao động nghỉ hưu mới mắc bệnh.

– Cách dự phòng các bệnh có liên quan đến Amiăng tốt nhất đó chính là không sử dụng các sản phẩm được làm từ Amiăng, đặc biệt là các loại tấm lợp nhà cửa, anh chị nhé!

 

NGUỒN:  Báo Cafef dẫn theo Báo Tri Thức Trẻ
Link bài: Bác sĩ bệnh viện Việt Đức tiết lộ…
(http://cafef.vn/bac-si-benh-vien-viet-duc-tiet-lo-8-dieu-ai-cung-co-the-lam-de-cuu-minh-khoi-tu-than-con-so-benh-nhan-ung-thu-dang-giat-minh-cac-anh-chi-a-20190401121125148.chn)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *