Thùy Vân / Trung tâm Truyền thông
Trong Diễn đàn quản lý quí 2/2017 với chủ đề “Quản trị con người”, Tổng Giám đốc Trần Quí Thanh đã có những chia sẻ về tầm quan trọng của Ownership với công việc của từng nhân viên. Lấy ví dụ về bài học thành công của tinh thần tự chủ trong công việc, Tổng Giám đốc không giấu niềm tự hào khi nhắc đến từ công tác TPM (Bảo trì tự quản) tại Khối Sản xuất – “Gần như 3 năm nay tôi chưa phải xuống nhà máy để kiểm soát vấn đề sản xuất. Việc thực hiện thành công mô hình TPM đã giúp hình thành trong nhân viên tâm lý “Yêu máy như yêu con”, làm chủ công việc, thiết bị và công nghệ, đến nỗi chỉ cần nghe tiếng động lạ là xử lý ngay, đúng cách và hiệu quả”. Gần 5 năm triển khai, chương trình TPM đã và đang mang lại những thay đổi tích cực không chỉ trong hoạt động sản xuất mà còn trong việc thay đổi tư duy và phương pháp làm việc của đội ngũ theo hướng chủ động, chia sẻ và cộng tác.
Vượt qua những khó khăn ngày đầu
TPM là tên viết tắt của từ Total Productive Maintenance – Bảo trì tự quản. Đây là một hệ thống quản lý được áp dụng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là sản xuất theo dây chuyền, nhằm khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có giúp doanh nghiệp giải quyết các yếu tố quyết định trong công cuộc cạnh tranh như: Năng suất, Chất lượng, Chi phí, Giao hàng, Tinh thần làm việc và An toàn sức khoẻ – môi trường. Việc THP triển khai chương trình TPM vào năm 2013 được xem là một bước cải tiến vượt trội của Tập đoàn khi mô hình này còn khá mới mẻ tại Việt Nam, và không nhiều công ty trên thế giới áp dụng thành công.
Tham gia dự án TPM ngay từ những ngày đầu, anh Huỳnh Nguyễn Hiền Nhơn – Trưởng bộ phận Bảo trì phòng ngừa: “Thời gian đầu gặp không ít khó khăn, khi khối Sản xuất vừa phải đảm bảo tiến độ theo kế hoạch vừa phải triển khai TPM. Thách thức nhất là làm thế nào để các anh em vận hành có được tư duy “làm chủ thiết bị” khi ngoài việc thao thác điều khiển máy thì cần phải trao dồi thêm các kỹ năng về vệ sinh, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị mà nhiệm vụ này trước đây là của đội ngũ bảo trì. Việc này là đòi hỏi cần thiết khi mức độ tự động hóa ngày càng cao, hoạt động bảo dưỡng phòng ngừa là ưu tiên, nên nếu người công nhân vận hành đảm nhiệm được công việc này sẽ không chỉ giảm thiểu sự hư hỏng của máy móc và chi phí sửa chữa mà còn giúp nâng cao năng suất, sản lượng.’’
Bắt đầu với hoạt động siêu 5S – nền tảng của TPM, người nhân viên cảm thấy bị áp lực khi phải tiếp nhận thêm nhiệm vụ mới, họ phải dành nhiều thời gian hơn để “quan tâm, chăm sóc” các thiết bị. Tuy khối Sản xuất lúc ấy đã duy trì tốt 5S nhưng để tạo ra môi trường làm việc theo tiêu chuẩn và yêu cầu khắt khe của siêu 5S thì không hề đơn giản tí nào. Theo đó, trong quá trình triển khai và đánh giá việc thực hiện siêu 5S, nhân viên phải đảm bảo tìm và triệt tiêu được “8 con virut” gây nguy hại cho máy móc, thiết bị gồm: Mòn, nứt, sứt mẻ, cong vênh, rác, rỉ sét, rung lắc, vết bẩn. Việc này đòi hỏi nhân viên vận hành phải chăm sóc toàn diện máy móc, thiết bị theo đúng nghĩa “yêu máy như yêu con”.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tổ chức các lớp đào tạo, đội dự án TPM và các cấp quản lý cũng theo sát, thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn các anh em thực hiện đúng cách và hiệu quả. Với sự mạnh dạn đầu tư cho chương trình của Ban lãnh đạo, cùng quyết tâm cao của từng thành viên tham gia, hoạt động siêu 5S đã thành công sau hơn 1 năm thực hiện. Thành quả này cũng tạo động lực cho đội dự án và khối Sản xuất vững tin tiếp nhận các nhiệm vụ mới.
Xây dựng được tinh thần làm chủ trong công việc
Từ 1 năm để hoàn thành giai đoạn siêu 5S, thời gian triển khai các giai đoạn tiếp theo của AM1, 2, 3 (Tự chủ bảo dưỡng) đã được rút ngắn từ 6 tháng đến 3 tháng. Để có được thành quả đó, khối sản xuất đã thực hiện nghiêm túc những yêu cầu tiêu chuẩn mà TPM đã đặt ra. Trong đó, người nhân viên vận hành đã nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc làm chủ công việc. Với TPM, mọi người cùng hợp lực và tương tác với nhau để nâng cao hiệu suất hoạt động của thiết bị một cách hiệu quả nhất.. Suy nghĩ trách nhiệm của tôi (công nhân vận hành thiết bị) là vận hành thiết bị, trách nhiệm của anh (công nhân bảo trì) là sửa chữa thiết bị đã được thay bằng tôi và anh cùng chịu trách nhiệm về thiết bị của chúng ta, nhà máy của chúng ta, tương lai của chúng ta.
Vận dụng TPM vào thực tiễn đã tạo ra được những giá trị lâu dài trong công tác quản trị và phát triển nhân lực. Giờ đây, nhân viên vận hành của THP không còn tắt máy khi thiết bị gặp sự cố và chờ đội bảo trì đến mà đã có thể tự sửa chữa máy ở một mức độ nhất định. Với những kiến thức và kinh nghiệm của mình, họ có thể tự đánh giá được mức độ hiệu quả công việc của chính mình và nhân viên bảo trì. Chăm sóc kỹ càng máy móc cũng giúp các thành viên đội vận hành phát hiện được những hiện tượng bất thường và đo lường được sự xuống cấp của thiết bị trước khi có ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và dẫn đến hư hỏng. Khi máy móc hoạt động ổn định, ít hư hỏng, cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao cũng giúp tinh thần làm việc của mọi người thoải mái hơn.
Khi đã “yêu”, người nhân viên vận hành càng mong muốn “các con mình luôn trong tình trạng tốt nhất”, và chính vì vậy họ không ngừng học hỏi và cải tiến, sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp những bài học, kinh nghiệm thực tế về vận hành, bảo dưỡng, bảo trì, vệ sinh… để máy móc hoạt động ổn định. Nhờ vậy mà tiến độ thực hiện TPM tại THP cũng thực hiện nhanh hơn các công ty khác rất nhiều.
Anh Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Khối các nhà máy chia sẻ: “Việc thực hiện thành công TPM không chỉ giúp nâng cao hiệu suất máy móc và năng suất công việc mà còn giúp nhân viên tại bộ phận Sản xuất nâng cao kiến thức chuyên môn, tinh thần làm chủ và lãnh đạo trong công việc tại THP. Một trong những điển hình thành công trong việc thực hiện TPM hiệu quả là bộ phận Floor 3 – Nhà máy NGK. Trong năm 2016, các anh em đã luôn đạt năng suất đường chuyền vượt mong đợi, máy móc hoạt động ổn định và luôn đáp ứng tốt kế hoạch sản xuất. Vì vậy, kết quả đánh giá thành tích của Floor 3 trong năm 2016 có 74 nhân viên thành tích 2A và 15 nhân viên đạt 1B trong tổng số 120 nhân viên thật sự rất xứng đáng.”
Điều đáng tự hào là quá trình triển khai TPM tại THP đã đạt đến giai đoạn AM 4.3, 4.4 và AM 4.5, là những giai đoạn không phải công ty nào cũng có thể thực hiện được. Tuy đạt được những thành tựu quan trọng nhưng không phải vì thế mà khối Sản xuất “ngủ quên trên chiến thắng”. Cho đến nay, khối sản xuất vẫn thường xuyên duy trì công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện TPM hằng tuần. Theo đó, mỗi cá nhân đã luôn ý thức được việc tự đánh giá kết quả công việc của mình, duy trì các thói quen vệ sinh và bảo dưỡng máy móc, luôn nhìn thấy vai trò trách nhiệm của bản thân trong kết quả của bộ phận, nhà máy mà lớn hơn là công ty. Với tinh thần đó, khối Sản xuất sẽ vững tin để chinh phục những chặng đường còn lại của TPM với những thành công mới.
Thùy Vân