Lê Đình Lâm/ Tin THP
Hiện nay Tân Hiệp Phát đang là một trong những doanh nghiệp Việt Nam thực hiện công tác triển khai hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa dịch vụ thỏa mãn khách hàng. Vậy hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM là gì? Tại Tân Hiệp Phát nó đã được triển khai như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giải đáp những thắc mắc trên.
Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM là gì?
TQM là viết tắt của cụm từ Total Quality Management, là hệ thống quản lý tập trung vào chất lượng, dựa vào sự tham gia của tất cả thành viên của tổ chức, nhằm đạt tới sự thành công lâu dài nhờ thỏa mãn khách hàng và đem lại lợi ích cho các thành viên đó và cho xã hội.
TQM trở thành mối quan tâm trên toàn nước Mỹ vào những năm 1980 như là sự phản ứng với sự vượt trội về chất lượng của Nhật trong sản xuất ô tô và các sản phẩm khác như máy điều hòa. Do đó, Bộ thương mại Mỹ đã thành lập Giải thưởng chất lượng Malcolm Baldrige National Quality Award vào năm 1987 để giúp các công ty xem xét và thiết kế các chương trình chất lượng theo tiêu chuẩn của TQM.
TQM áp dụng cách thức quản lý tạo thuận lợi cho tăng trưởng bền vững thông qua việc huy động hết tâm trí của tất cả mọi thành viên nhằm tạo ra chất lượng một cách kinh tế theo yêu cầu khách hàng.
Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM sẽ giúp các doanh nghiệp kiểm soát chất lượng ngay tại nguồn thông qua việc thúc đẩy nhận thức về chất lượng và kêu gọi sự tham gia của mọi người, do đó sẽ làm giảm sự sai hỏng trong cả quá trình. Nếu xuất hiện lỗi sai sẽ nhận diện thông qua các công cụ kỹ thuật như thống kê, kỹ thuật phân tích sai hỏng và giải quyết nó.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM còn giúp cải tiến liên tục các quá trình và sản phẩm, từ đó nâng cao hiệu suất sử dụng thiết bị và năng suất của lực lượng lao động.
Một trong những đặc điểm nổi bật của hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM là tập trung vào chất lượng sản phẩm và nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng. Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM còn giúp tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận.
Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM đã được triển khai tại Tân Hiệp Phát như thế nào?
Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM có hai đặc điểm chính là coi khách hàng là tiêu điểm số 1 thông qua thực hành PDCA (Plan – Do – Check – Action) và chất lượng được tạo bởi sự tự giác, ý thức tự quản, chia sẻ, hợp tác tích cực, cùng có lợi. Điều đó phù hợp với Giá trị cốt lõi mà Tân Hiệp Phát hướng tới.
Tại Tân Hiệp Phát, dự án TQM được triển khai vào ngày 18/4/2018 và nhận được sự tham gia tích cực của toàn thể CB CNV. Chỉ trong cuối tháng 4 và đầu tháng 5, ban tư vấn dự án đã nhanh chóng được thành lập với sự trợ giúp của trung tâm Tư vấn Trần Đình Cửu để khảo sát 17 khối phòng ban toàn công ty.
Sau khi khảo sát, các cấp quản lý tại Tân Hiệp Phát đã được đào tạo về 7 tiêu chí giải thưởng chất lượng Việt Nam dựa trên phiên bản Malcolm Baldrige vào các ngày 10,15,17 tháng 5. Tiếp theo, 17 khối phòng ban sẽ tiếp tục làm việc với ban tư vấn để xác định các điểm cần cải tiến và lập kế hoạch thực hiện cải tiến các điểm đã thống nhất với ban tư vấn. Sau khi hoàn tất các điểm cải tiến sẽ viết báo cáo gửi hội đồng giải thưởng vào tháng 8/2018.
Việc triển khai dự án TQM được đánh giá là một trong những bước đột phá của Tân Hiệp Phát nhằm khẳng định về chất lượng sản phẩm của công ty khi đến tay người tiêu dùng, đồng thời nâng cao hơn nữa dịch vụ thỏa mãn khách hàng, từng bước đưa Tân Hiệp Phát đi lên thực hiện tầm nhìn của mình.
Lịch sử của TQC・TQM
Bước vào đầu thế kỷ 20, chất lượng các sản phẩm công nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào việc kiểm tra của những người thợ có tay nghề cao. Năm 1924, tiến sỹ Shewhart thuộc phòng nghiên cứu Bell của Mỹ đã phát minh ra biểu đồ quản lý được xem là phương pháp đảm bảo tính thống nhất trong chất lượng sản phẩm của những sản phẩm được sản xuất hàng loạt. Kể từ đây, quản lý chất lượng mang tính thống kê chính thức được bắt đầu. Cùng với sự tiến bộ của kỹ thuật đo lường, biểu đồ quản lý sản xuất được áp dụng tại Mỹ từ năm 1930, sau đó lan sang nước Anh và nhờ những ảnh hưởng của chiến tranh thế giới thứ 2 biểu đồ quản lý được phát triển rộng rãi trong lĩnh vực sản xuất. Dưới sự chỉ đạo của quân đội, để cơ sở sản xuất có thể sản xuất được những mặt hàng rẻ và có chất lượng tốt phục vụ quân nhu, một bộ phận cơ sở sản xuất đã được áp dụng biểu đồ quản lý này. Năm 1942, biểu đồ quản lý đã được công bố rộng rãi và được sử dụng như một công cụ mang tính chiến lược trong hoạt động quản lý kinh doanh và quản lý chất lượng. Nhờ đó, trong thời chiến, nền sản xuất của Mỹ luôn duy trì được trạng thái sản xuất mạnh về cả chất và lượng. Quản lý chất lượng mang tính thống kê được du nhập vào Nhật ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ 2. Sau chiến tranh, theo thỉnh cầu của GHQ (Tổng bộ tư lệnh tối cao của quân đội liên hợp quốc), GE (General Electric) và WE (Western Electric) phái cử hai kỹ sư tới Nhật trực tiếp chỉ đạo quản lý chất lượng của hệ thống truyền thông (đặc biệt là ống chân không), kể từ đó, khái niệm quản lý chất lượng tại Nhật chính thức được bắt đầu. Vào thời gian này, chất lượng của thiết bị truyền thông rất kém, đường truyền thường xuyên gặp trục trặc và việc gọi điện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Việc sử dụng đường truyền không dây lại luôn có những mối lo rình rập từ hệ thống trinh thám của Mỹ và Nga, vì lý do đó, GHQ đã khẩn trương áp dụng những biện pháp quản lý chất lượng mang tính thống kê để nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống liên lạc trong nước Nhật. Quản lý chất lượng mang tính thống kê đã cung cấp những biện pháp ưu việt giúp những nhà kinh doanh có những phán đoán mang tính khách quan dựa trên những vấn đề thực tế, và được giới sản xuất kỳ vọng là biện pháp để quản lý và phân tích các công đoạn sản xuất. Trong năm 1949, hiệp hội tiêu chuẩn Nhật Bản và tổ chức liên minh khoa học kỹ thuật Nhật Bản đã tổ chức những buổi hội thảo về quản lý chất lượng, từ đó quản lý chất lượng tại Nhật được phát triển một cách rộng rãi. Giới sản xuất của Nhật đã cho rằng, thất bại của Nhật trong thế chiến thứ 2 là do sự yếu kém về khoa học kỹ thuật. Năm 1950 Nhật mời tiến sỹ William Deming tới phát biểu trong những buổi hội thảo về quản lý chất lượng mang tính thống kê. Deming đã tham gia vào khóa đào tạo 8 ngày về quản lý chất lượng mang tính thống kê, ông đã đi sâu vào nội dung về biểu đồ quản lý và mẫu thử. Ông cũng đã mở khóa quản lý chất lượng dành cho những nhà kinh doanh tại Hakone, trong buổi hội thảo, ông đã vẽ vòng tròn Deming sau đó sơ đồ này được trừu tượng hóa và ngày nay nó được biết tới như vòng tròn PDCA. Đối với những nhà kinh doanh, sau khi tham gia những buổi hội thảo này, họ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý chất lượng trong toàn bộ công ty. Tiến sỹ Deming đã nhấn mạnh, chất lượng nếu được xem xét mang tính thống kê, bắt buộc phải có sự chỉ đạo của những người kinh doanh. “Tôi tới đây, không đơn thuần chỉ để nói chuyện về chất lượng mà tôi đã giải thích với những người làm kinh doanh về trách nhiệm của họ. Trách nhiệm của người kinh doanh là gì? Trước hết người làm kinh doanh phải biết được điều này, hãy học thật nhiều về trách nhiệm, rồi đi tới hành động”. Những học giả, những người hoạt động kinh doanh, kỹ sư tham gia buổi hội thảo này sau này đã trở thành nền tảng cho việc phát triển quản lý sản xuất của Nhật. Việc vận dùng biểu đồ quản lý và lấy mẫu thử từ đó đã được những người tham gia buổi hội thảo vận dụng và phát triển trong hoạt động sản xuất. Những nội dung trong khóa đào tạo 8 ngày đã được ghi chép lại và được in thành cuốn sách mang tên “Deming’ Lectures on Statistical Control of Quality”, số tiền thu được từ những cuốn sách này đã được quyên tặng cho hội liên minh khoa học kỹ thuật Nhật Bản để thành lập giải thưởng Deming. Năm 1954 tiến sỹ Jullan đã được mời tới Nhật để tham gia vào buổi hội thảo dành cho những nhà kinh doanh và nhà quản lý, buổi hội thảo này đã sau này được biết tới là công cụ dành cho những nhà kinh doanh trong hoạt động quản lý chất lượng. Sau này, quản lý chất lượng đã được lan rộng trong ngành sản xuất, cũng từ đó, chất lượng hàng hóa của Nhật được cả thế giới biết tới như danh từ chỉ chất lượng cao. Trước những thành quả này của Nhật, Mỹ đã quay trở lại để học TQC của Nhật và thêm vào những yếu tố quản lý phù hợp với tình hình thực tế trong nước để cho ra đời TQM. Với cách làm đó, Mỹ đã lấy lại được năng lực cạnh tranh và TQM cũng đã được giới sản xuất kinh doanh trên toàn thế giới biết tới. Tại Nhật, thời vận cho sự chuyển đổi khái niệm TQC thành TQM cũng đã tới, năm 1996 tổ chức liên minh khoa học kỹ thuật Nhật Bản đã chuyển tên TQC thành TQM, sau đó các hoạt động quản lý chất lượng cho toàn bộ công ty được gọi chung là TQM, và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực sản xuất kể cả trong Toyota Group, hướng tới những hoạt động nâng cao sự hài lòng của khách hàng. Nguồn: Wikipedia
|