Covid-19, một đại dịch hiếm thấy, đang khiến nhiều hoạ sĩ biếm quốc tế “triệu hồi” cả những tác phẩm mỹ thuật kinh điển để tạo nụ cười ý nhị, cùng ý thức phòng chống dịch. Và hầu như ngay tức thì, họ đều nhắm ngay tới nàng Mona Lisa của cụ Leonardo da Vinci…
Tới nay, bức tranh “Mona Lisa” (hay “La Joconde”) đã tồn tại hơn 500 năm. Đây là một bức chân dung thế kỷ 16, được hoạ sĩ bậc thầy Leonardo da Vinci vẽ bằng sơn dầu trên một tấm gỗ dương tại Florence, nước Ý, trong thời Phục Hưng.
Tác phẩm thuộc sở hữu của chính phủ Pháp, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris, với tên gọi “Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo”.
Từ giữa thế kỷ 19, bức “Mona Lisa” bắt đầu nổi tiếng do các hoạ sĩ của phong trào Biểu tượng bắt đầu ca ngợi, và gắn tranh này với những ý tưởng của họ về… sự bí ẩn của đàn bà.
Nơi khuôn mặt Mona Lisa trong tranh, đôi mắt ánh lên nét vui nhưng đôi môi lại nghiêm nghị, nụ cười nhếch mép lại thể hiện… sự hồi hộp, lo lắng. Thêm nữa, nàng Mona Lisa trong tranh không có… lông mày, còn trong mắt nàng lại có… các mật mã!
Không ít hoạ sĩ thuộc các trường phái Dada và siêu thực vẫn thích vẽ những tranh nhái, chuyển đổi và kể cả biếm hoạ về Mona Lisa. Chẳng hạn, vào năm 1919, hoạ sĩ Marcel Duchamp thuộc phái Dada đã vẽ một bức tranh nhái Mona Lisa có… ria mép và một chòm râu dê.
Tới năm 2020, một số hoạ sĩ biếm đã không hẹn mà đụng nhau cái rầm, khi cùng trổ tài… bảo vệ nàng Mona Lisa, bằng cách cho nàng đeo khẩu trang giữa mùa dịch Cô-Vít.
Mona Lisa mà đeo khẩu trang thì còn chi là… nụ cười bí ẩn. Bù lại, khẩu trang lại tạo điểm nhấn vào đôi mắt người trong tranh, nhưng mắt có thần tới cỡ nào thì lại tuỳ vào tay nghề và dụng ý của từng hoạ sĩ biếm, hay của các nghệ sĩ đường phố chuyên vẽ tranh Graffitti lên tường.