Biết mình là ai quan trọng hơn mình giống ai

Kính gửi bác Thanh. Cháu gửi bác cái link bài báo của anh Đỗ Cao Bảo (chắc bác cũng biết anh này?). Bài báo thì không mới nhưng đặt một số vấn đề cần suy nghĩ. Cháu muốn biết ý kiến của bác, được không ạ?
(Bài báo đây ạ: http://m.soha.vn/muon-thoat-ngheo-viet-nam-chi-co-cach-hoc-mo-hinh-kinh-te-my-nhat-hay-singapore-han-quoc-2017042715430472.htm)

Nguyễn Lệ Thi (Đồng Nai): le_thi1986@gmail.com
—–

Cháu Lệ Thi mến,
Bác đã đọc bài “Muốn thoát nghèo, Việt Nam chỉ có cách học mô hình kinh tế Mỹ, Nhật hay Singapore, Hàn Quốc?” của Phó Tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo, tác giả đã đưa ra những phân tích về nhược điểm và ưu điểm của người Việt để so sánh với một số nước, hay nhưng theo bác còn phải bàn thêm.

Suốt bao nhiêu năm làm doanh nghiệp, bác có một trăn trở chưa có lời giải đáp thỏa mãn, đó là người Việt Nam mình có kém Hàn Quốc, Nhật Bản hay không, chưa nói xa xôi tới Đức, Mỹ. 

Bác cố gắng thật công tâm để đưa ra nhận xét, nếu mình giỏi như họ sao hôm nay mình vẫn nghèo, còn nói trí tuệ mình kém hơn họ thì cũng thấy chưa tự thuyết phục.

Thôi thì so sánh với mấy nước trong khu vực thôi, người Việt Nam trí tuệ có kém hơn Singapore, Thái lan không, nhưng tại sao phải còn mấy chục năm nữa mới đuổi kịp họ, tất nhiên là họ của bây giờ.

Nhớ lâu rồi bác có đọc cuốn “Người Trung Hoa xấu xí” của Bá Dương – Trung Quốc. Tác giả chỉ ra tất cả những thói hư tật xấu của người nước họ, với mục đích nhìn vào đó mà sửa chữa, nhằm nâng cao dân trí, xây dựng nếp sống văn minh, thúc đẩy sự tiến bộ về văn hóa tinh thần trong thời kỳ hiện đại. Lâu nay, chúng ta có thói quen tự ca ngợi mình là “người Việt cao quý”, nhưng chưa dám nói thẳng về những cái “xấu xí” của mình.

Người Việt yêu quê hương đất nước.
Người Việt kiên cường, bất khuất trước xâm lược, cường quyền.
Người Việt đoàn kết rất cao khi gặp khó khăn, nhất là khi ở hoàn cảnh ngặt nghèo.
Người Việt có lòng tự hào, tự tôn dân tộc với truyền thuyết con Rồng cháu Tiên.
Người Việt thông minh, sáng dạ, học nhanh, nhất là công nghệ mới.
Người Việt ham học, bố mẹ luôn quan tâm đầu tư cho việc học tập của con cái.
Người Việt thân thiện và mến khách.

Bác sẵn sàng tin đó là ưu điểm của người Việt, nhưng bác nghĩ người nước khác cũng yêu quê hương đất nước của họ, cũng bất khuất nếu như đất nước họ bị xâm lược, cũng đoàn kết khi gặp ngặt nghèo, cũng có lòng tự hào dân tộc, cũng thông minh sáng dạ, cũng thân thiện mến khách. Vậy thì các nước khác nhau điều gì ngoài thực tế thành tựu của từng quốc gia. Kết quả mà quốc gia đó đạt được nói lên tất cả mà lý thuyết chỉ là màu xám. Cùng mặt bằng “ưu điểm” như nhau, sự khác biệt ở chỗ là phương pháp giáo dục và nghệ thuật cai trị. 

Tác giả đưa ra một ví dụ rất hay: “Trong 20 năm đầu tiên của đổi mới kinh tế, tivi Hàn Quốc chỉ có vẻn vẹn hai chương trình là "dạy làm người" và "dạy làm ăn"; từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng cho đến cách quản lý chi phí của một quán cà phê, cách tạo dựng một nhà máy”.

Và thêm một điểm chính yếu mà tác giả chỉ ra: “Nhận thức rõ những điểm yếu cố hữu làm cản trở sự phát triển kinh tế đất nước của người Việt. Xây dựng hệ thống triết lý về phát triển đưa hoạt động sản xuất, thương mại, doanh nghiệp, doanh nhân về đúng vai trò là trọng tâm của xã hội; xác định đúng giá trị của tiền bạc; xác định đúng thế nào là người tài và sử dụng người tài”.

Bác trích lại hai ý trên để  bác cháu ta cùng  suy nghĩ, theo ai hay tự sửa mình?

Chúc cháu vui vẻ hạnh phúc.

Trần Quí Thanh 
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *