Phạm Thế Anh/ Báo Người Đô Thị
—–
Nhiều hội nghị gần đây bàn đến việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tỏ ra sốt ruột vì tiến độ giải ngân còn rất chậm so với yêu cầu. Thủ tướng lo lắng là phải, bởi vì trong lúc dịch bệnh tác động tiêu cực lên nền kinh tế, thì việc thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ sẽ là một giải pháp góp phần tăng trưởng, hoặc ít nhất là hạn chế đà suy giảm.
Nhưng có 9 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương đề nghị chuyển trả lại vốn với tổng số vốn là 6.338 tỉ đồng, thông tin từ Hội nghị đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 diễn ra ngày 21.8.
Nếu địa phương nào gặp khó khăn trong triển khai dự án đều chuyển trả tiền lại thì cả nước tê liệt, mà phải linh động, tìm cách xử lý để giải ngân. Có điều, không phải các bộ ngành, địa phương không làm, mà vì gặp phải những vướng mắc không giải quyết được, trong đó có nguyên nhân từ giải phóng mặt bằng.
Ngay cả khi các dự án đầu tư công được triển khai, thì không phải dự án nào cũng mang lại hiệu quả. Có dự án mà khoản chi cho giải phóng mặt bằng ngốn tiền quá lớn, khiến cho suất đầu tư cao hơn giá thực. Ví dụ như chúng ta đã từng bàn cãi về vốn đầu tư cho 1 km đường cao tốc của Việt Nam cao gấp 2 lần các nước.
Hoặc có những dự án phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ và chuyên gia nước ngoài. Vậy thì nước ngoài bán được sản phẩm, chuyên gia, kỹ sư nước ngoài lãnh khoản lương cao chiếm một phần đáng kể trong quỹ lương, không phải chi tiêu cho sản phẩm và lao động trong nước.
Vậy thì, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một việc, nhưng tính toán để tăng tối đa hiệu quả từ các dự án đầu tư công lại là việc khác. Phải nhìn thấy được những hạn chế của nó để phòng tránh, không thất thoát vốn, mất tiền của, thậm chí mất luôn người.
Những vụ án liên quan đến các dự án đầu tư công vẫn còn nóng hổi thời sự.
Trần Quí Thanh
—-
Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về phòng chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi phát triển kinh tế xã hội có nội dung “Các cấp, các ngành, các địa phương phải coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là biện pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay…”. Từ góc độ lý thuyết, đối chiếu với thực trạng đầu tư công hiện nay ở Việt Nam, PGS-TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn tổng quan về giải pháp này.
Hiệu quả kinh tế của đầu tư công hiểu đơn giản là việc chi tiêu một đồng vốn đầu tư công sẽ trực tiếp và gián tiếp tạo ra bao nhiêu đồng GDP hoặc việc làm cho nền kinh tế. Về mặt lý thuyết, khi Chính phủ thực hiện các dự án đầu tư công sẽ trực tiếp tạo ra việc làm hay thu nhập cho những cá nhân/tổ chức thi công dự án. Những người thi công dự án này có thu nhập tăng thêm thì họ sẽ tăng chi tiêu và từ đó tạo thêm ra thu nhập và việc làm cho những cá nhân khác.
Quá trình này có thể lặp đi lặp lại kéo dài, và cuối cùng tổng thu nhập tăng thêm của nền kinh tế có thể lớn gấp nhiều lần số tiền Chính phủ bỏ ra ban đầu. Ngoài ra, nếu các dự án đầu tư công được thực hiện trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giáo dục hay y tế thì trong dài hạn có thể làm tăng năng suất lao động và tăng trưởng của nền kinh tế.
Lý thuyết là vậy, nhưng nhìn chung hiệu quả của đầu tư công ở Việt Nam tương đối thấp bởi một số lý do sau.
Thứ nhất, trong tổng vốn đầu tư công của Việt Nam có một phần rất lớn dùng để đền bù giải phóng mặt bằng, tức là khoản chi tiêu không trực tiếp tạo ra việc làm hay thu nhập nào trong nền kinh tế. Thực tế, khoản chi này lại rất tốn kém khiến nhiều con đường hay dự án đầu tư công có chi phí “đắt nhất hành tinh”.
Thứ hai, các dự án đầu tư công của Việt Nam sử dụng nhiều hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu (như mua nguyên vật liệu sắt thép, nhựa đường, máy móc, thuê chuyên gia… từ nước ngoài), những khoản chi này cũng không tạo ra thu nhập hay việc làm trong nước, khiến hiệu quả của đầu tư công thấp.
Thứ ba, nhiều dự án đầu tư công để xảy ra tình trạng thất thoát vốn, tham nhũng, thời gian thực hiện kéo dài, thậm chí xây xong để đấy không thể nghiệm thu, không thể đưa vào sử dụng, do vậy không tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội.
Thứ tư, nhiều khoản chi tiêu công được phân bổ vào các lĩnh vực không giúp tăng năng suất nền kinh tế như xây tượng đài, cổng chào, khu tưởng niệm…
Ngoài ra, do Việt Nam không có thặng dư ngân sách, tất cả các khoản đầu tư công phải nhờ vào vay nợ trong nước (phát hành trái phiếu Chính phủ) hoặc vay nợ nước ngoài (viện trợ không hoàn lại hiện nay không còn nữa). Khi đầu tư công lớn thì phải phát hành rất nhiều trái phiếu. Các trái phiếu này ban đầu được các tổ chức tín dụng mua nhưng sau đó họ bán lại cho Ngân hàng Nhà nước, do đó cung tiền của Việt Nam hàng năm tăng rất cao khiến nền kinh tế luôn có rủi ro lạm phát. Vay nợ nước ngoài thì lại vướng rủi ro tỷ giá, sau đó là lạm phát, hơn nữa chi phí vay nợ nước ngoài hiện nay không hề rẻ.
Động lực tăng trưởng tạm thời
Năm nay chúng ta có nguồn lực đầu tư công lớn (xấp xỉ 700 nghìn tỷ đồng) là do những năm trước chưa giải ngân hết, tồn đọng và chuyển sang năm nay chứ không phải khả năng huy động vốn hay ngân sách của Việt Nam có cải thiện.
Hiện nay các ngân hàng trung ương trên thế giới bơm tiền rất mạnh để trợ giúp nền kinh tế, lãi suất có thể gần như bằng không. Tuy nhiên đó là chi phí vay nợ trong nội bộ nền kinh tế của họ, vay nợ trên thị trường vốn quốc tế còn chứa đựng nhiều rủi ro khác, do vậy lãi suất không hề rẻ. Lãi suất vay nợ trên thị trường quốc tế đối với Việt Nam có thể tới 5-6%, chưa kể vay nợ nước ngoài còn thêm rủi ro tỷ giá và các ràng buộc khác.
Lãi suất trong nước hiện ở mức khá thấp giúp chi phí vay nợ của Chính phủ giảm. Tuy nhiên, nếu Chính phủ huy động vốn mạnh qua thị trường này thì nguồn vốn khu vực tư nhân có thể tiếp cận sẽ giảm đi. Ngoài ra, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã giảm đáng kể nhưng nghĩa vụ trả nợ (gốc và lãi) hàng năm so với tổng thu ngân sách lại rất cao, và có thể cao hơn nữa nếu tiếp tục vay quy mô lớn. Do vậy, việc vay nợ trong nước để tiếp tục đầu tư công ở mức cao trong những năm tới không hề dễ dàng.
Về nguyên tắc, trong dài hạn, những khoản đầu tư công làm tăng lượng vốn vật chất (cơ sở hạ tầng, nhà máy, thiết bị sản xuất…), vốn con người (kiến thức và kỹ năng của người lao động), hay tiến bộ công nghệ sẽ giúp tăng năng suất lao động của nền kinh tế, do vậy hiệu quả hơn so với các khoản đầu tư công không cải thiện được năng lực sản xuất của nền kinh tế như tượng đài hay cổng chào.
Miếng bánh ngân sách hiện nay được phân chia khá dàn trải. Đôi khi các dự án được phân chia theo hướng các bộ, ngành, địa phương đều phải có phần, chứ không hẳn dựa vào mức độ cần thiết hay hiệu quả của nó. |
Trong ngắn hạn, hiệu quả của các khoản đầu tư công được tính theo mức độ lan tỏa đối với việc tạo việc làm và thu nhập. Trong thời kỳ suy thoái, những khoản chi tiêu công giúp tăng thu nhập cho người thu nhập thấp và trung bình, làm tăng tổng cầu của nền kinh tế nhiều hơn so với các dự án làm tăng thu nhập của người giàu. Những chính sách miễn giảm, hỗ trợ mang tính thay đổi lâu dài sẽ có hiệu quả hơn những chính sách khuyến khích tạm thời.
Đầu tư công là cần thiết, đặc biệt trong thời kỳ nền kinh tế gặp phải các cú sốc tiêu cực. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính công là hạn hẹp do vậy chúng ta chỉ nên coi đó là động lực tăng trưởng tạm thời trong năm nay. Hơn nữa, tới nay người ta vẫn chưa thể khẳng định khi nào thì kiểm soát được đại dịch COVID-19. Do vậy, về lâu dài vẫn phải dựa và coi đầu tư tư nhân (và cả đầu tư nước ngoài) là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Trong thời kỳ suy thoái, công cụ lãi suất nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung thường ít hiệu quả trong việc kích thích tổng cầu. Điều này là do tâm lý bi quan của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hơn nữa, lãi suất vay nợ hiện vẫn ở mức cao, đặc biệt là các khoản vay dài hạn. Việt Nam rất khó hạ lãi suất thêm nữa do bị ràng buộc bởi sức ép lạm phát, rủi ro tỷ giá, bong bóng giá tài sản và sức khỏe của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ưu đãi thuế/tín dụng nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân
Nếu chúng ta dành một phần nguồn lực đầu tư công để khuyến khích đầu tư tư nhân thì mức độ hiệu quả và sức lan tỏa sẽ lớn hơn. Quốc hội và Chính phủ có thể cân nhắc ban hành chính sách tín dụng/ưu đãi thuế đầu tư (Investment Tax Credit, ITC). Tức là những doanh nghiệp nào thực hiện đầu tư trong năm nay hoặc năm sau thì trong tương lai sẽ được nhận lại một khoản/tỷ lệ thuế nhất định theo số vốn đầu tư. Chính sách này có thể khuyến khích những doanh nghiệp đang chần chừ sẽ mạnh dạn đầu tư, và nó cũng có thể hướng các dòng vốn vào những lĩnh vực Chính phủ mong muốn như cung ứng năng lượng sạch hay hoàn thiện chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất quan trọng như dệt may, chế biến nông sản… Dòng vốn tư nhân sẽ tìm đến những lĩnh vực hiệu quả nhất và tạo sức lan tỏa lớn cho nền kinh tế.
Trong lĩnh vực đầu tư công, không phải cứ giải ngân được thì sẽ đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, những dự án không giải ngân được thì vốn sẽ bị ách tắc và gây lãng phí nguồn lực. Do vậy, việc điều tiết vốn từ nơi không giải ngân được về nơi đang thiếu là phù hợp. Các cơ quan liên quan cũng cần xem xét, đánh giá và tổng hợp nguyên nhân dẫn đến tình trạng này để kiến nghị Chính phủ và Quốc hội chỉnh sửa những văn bản pháp lý trong lĩnh vực đầu tư công.
Nhìn chung, miếng bánh ngân sách hiện nay được phân chia khá dàn trải. Đôi khi các dự án được phân chia theo hướng các bộ, ngành, địa phương đều phải có phần, chứ không hẳn dựa vào mức độ cần thiết hay hiệu quả của nó. Do vậy, sự lãng phí hay kém hiệu quả là điều không tránh khỏi.
NGUỒN: Theo Báo Người Đô Thị
Link bài: Bốn lý do…
https://nguoidothi.net.vn/bon-