Cái thùng rỗng khóc cười

Nguyễn Hàng Tình/ Báo TBKTSG

Tết này đọc cả trăm bài, tâm đắc nhất bài này. Bài viết phân tích thấu đáo về các thói xấu người Việt mình: khoe khoang, khoe mẽ, sĩ diện hão và ” tờ bạc đâm toạc tâm hồn”. Tất cả để dồn đến cái kết chí tình chí lí: “Thành tựu của một con người là phẩm giá. Và thành tựu của một cộng đồng, một quốc gia cũng là phẩm giá. Có khi nào chúng ta cảm thấy lo sợ rằng cơn lũ thỏa mãn mặc cảm kia sẽ vẫn tiếp tục càn quét những gì còn lại trên đất nước này? Có khi nào chúng ta thử học lại và bắt đầu lại mọi thứ từ sự trung thực và liêm sỉ?”

Trần Quí Thanh

—–

Bỗng một ngày, người phụ nữ nông dân mà tôi thường gặp chỉ ra: nay có còn ai khoe “con nhà tôi lấy được thằng chồng hiền”, hay “rể nhà tôi là đứa rất thương người”, mà phổ biến là người ta kháo lên với nhau: “Con H lấy được chồng người Mỹ”, hay “chồng con X là trưởng phòng ở sở A”, hoặc “vợ thằng P là con ông quan S”… Bà còn nói không chỉ ở nhà quê mới như thế mà thỉnh thoảng về chơi thành phố, bà cũng thấy người hàng phố có kiểu khoe tương tợ. Rồi bà gãi đầu bảo với tôi: “Ông để ý xem có đúng không!”. Và tôi đã “để ý xem” mà thầm phục sự quan sát và khái quát của người phụ nữ nhà quê.       

 Tội nghiệp cho người nước tôi! Thời buổi lạ kỳ, từ thành thị đến nông thôn chung một bức tranh. Những giá trị đáng tự hào nhất của con người như đức độ, hiền lành, trung thực, công chính, hy sinh… bị dạt sang một bên. Những cái bình thường, thậm chí tầm thường lại được đẩy lên thành những giá trị cho con người bám vào đó, như bám vào phao. Vật chất cùng những bề mặt phù hoa chiếm vị trí thống soái làm mờ mắt, làm êm tai kẻ đối diện. Những kẻ đối diện có thể là bác lái lợn mà cũng có khi mang danh trí thức.

Thực tế ngày nay khiến người ta rất khó để tin một anh bác sĩ tổng kết một năm nghề của mình bằng số bệnh nhân khốn khó đã được anh khám bệnh không lấy tiền thay cho tổng số tiền anh thu được. Rất khó để tin các thầy cô giáo tổng kết một năm dạy thêm bằng số học trò nghèo mà họ không thu tiền phí. Khó có thể tin một anh cán bộ nhà đất tổng kết năm bằng việc thống kê bao nhiêu hồ sơ của dân đã được anh giải quyết nhẹ nhàng mà không… nhận bao thư; cũng khó tin một bác nông dân tổng kết năm lao động bằng thống kê số lần bỏ phun thuốc trừ sâu độc hại…

Còn các bậc cha mẹ, kể cả giới trí thức, tự khi nào bắt đầu nhìn vào mệnh giá tờ tiền trong những bao lì xì mà con cái được mừng tuổi, để rồi bơm vào trí não con trẻ “quyền uy” của đồng tiền. Vì sao ngày càng nhiều chủ nhân đám cưới cố mời cho thật đông khách để thể hiện sự hoành tráng hay tầm vóc các mối quan hệ và tranh thủ “thu về”? Từ đâu người ta nghĩ ra việc không đến dự đám cưới thì gửi một bao thư tiền thay cho ý nghĩa của sự góp mặt chia vui, và để “trả nợ” sòng phẳng khoản mà trước đây người ta đã đi mừng tiệc của nhà mình? Tại sao khi tới các đám tang, người ta phải đi phong bì tiền, đôi khi phải thật dày, dù người chết không còn có thể xài tiền được nữa và việc lo tang ma là chỉ dấu cuối cùng thể hiện tình yêu thương, lòng hiếu nghĩa của người thân trong gia đình đối với người đã ra đi?

Đồng bạc đâm toạc tâm hồn, làm lu mờ những điều chân chính, thiêng liêng, vi tế của loài người. Ba mươi năm trước, điều này hãy còn lờ mờ trong xã hội, nhưng nay thì công khai bày ra. Đồng tiền trở thành “sứ giả”, làm thay tất cả.

Vậy rõ là mọi người cùng nhau trở nên tầm thường mà không nhận ra. Bởi giá trị tinh thần không bao giờ là sự sòng phẳng qua những đối đãi hình thức, phô khoe, thỏa mãn cái tự ái hay mặc cảm. Bởi mọi danh vị, quyền uy, thành tích… đều tụ lại ở điểm cuối là nó “thành” như thế nào: tốt hay xấu, chân chính hay không chân chính, được tôn trọng hay không được tôn trọng, được yêu quý hay không được yêu quý. Tiếc là nhiều người hôm nay không cần đến điều đó mà họ chỉ bẻ lấy một khúc nào đó làm trọng để mang ra chào, khoe, so sánh. Cứ như sợ người ta coi mình thấp kém, ít tiền, không đẳng cấp, không có vị trí xã hội mà không biết là có khi cái vị trí xã hội ai đó có được kia là bằng sự nhục nhã luồn cúi hay sự mua bán; cái khối tài sản kia là từ việc tàn phá, đào bới tài nguyên đất nước; cái học vị kia không hề nhận được sự kính nể…

Và “bộ mặt văn hóa” ngày nay như thế nào? Nhu cầu xem tấu hài trở thành chính yếu và rộng khắp thay cho phim, sách, nhạc, tranh… tử tế. Những xì căng đan hở ngực, hở tình… trở thành “món” ngon của các trang thông tin giải trí.

Dày đặc những gameshow truyền hình mà ở đó mọi người đua tranh thi thố để được thưởng tiền, được nhận quà, được thành “sao”. Đau đớn hơn nữa là những “thầy phán”, những người chấm điểm, những kẻ “định hướng văn hóa” trong các cuộc chơi thì không cần được thẩm định tính học thuật, trí tuệ, thậm chí là tư cách. Thật ra, các cuộc vui chơi chỉ là để giúp người ta thư giãn chứ không thể xem như những viên gạch xây nền văn hóa của một cộng đồng hay một quốc gia. Nhưng vì nhu cầu sinh lợi qua việc hùa theo đám đông, các công ty trong lĩnh vực giải trí mặc nhiên thao túng sóng truyền hình. Thực tế là tuy số lượng kênh truyền hình nhiều nhưng năng lực sản xuất các chương trình nâng cao dân trí thì ít.

Một đời sống văn hóa loạn chuẩn và lạc đường chắc chắn sẽ kéo tụt những giá trị xã hội. Người tử tế sẽ mất dần những điểm tựa, trở nên thua thiệt và thoái chí. Như doanh nghiệp ngay chính phải cạnh tranh với các doanh nghiệp hối lộ ở cửa sau. Như người thầy giáo muốn rót hết sự hiểu biết của mình trong tiết giảng trên lớp phải đứng chung với những người thầy luôn cắt xén tri thức đưa vào các lò dạy thêm. Như những lương y tận tâm với đồng lương, với người bệnh nơi bệnh viện làm việc bên cạnh những đồng nghiệp chân trong chân ngoài, luôn tìm cách lôi kéo bệnh nhân về phòng mạch riêng…

Sao kỳ vậy? Sao những ai sống ngay chính thì bị cho là dại; những ai không làm theo cái sai lạc của đám đông thì bị quy là ngu, là khùng? Sao giữa lúc đất nước gần như không còn rừng nữa mà ngay cả nhà chùa cũng tải về ngồn ngộn những bộ phản, tượng… bằng gỗ quý nguyên cây? Sao khi làm việc gọi là từ thiện, người ta lại “gom” những người tật nguyền về một nơi để dễ bề đưa lên sóng truyền hình bất kể có người phải đến nơi tập trung trên những chuyến xe đò xa hàng năm, bảy trăm cây số trong tình trạng cơ thể suy kiệt? Báo chí – nơi được xem là chuyển tải những điều đúng đắn mà còn làm điều máu lạnh như thế thì huống gì cuộc sống chung cõi ta bà.

Chúng ta đang làm khổ nhau bằng cách “tự sướng” và cùng thỏa hiệp. Cái chân đế của mỗi người và của xã hội là văn hóa, là những giá trị tinh thần nền tảng đang bị hất hủi. Chúng ta đang tự hào về những điều bình thường, thậm chí tầm thường. Chúng ta đang khoe khoang những thứ mà các nước văn minh đã bước qua từ lâu và dần xem nhẹ.

Đám cưới của người ta chỉ với hai ba chục người thân tham dự nhưng họ không cảm thấy không nồng ấm. Tổ tiên chúng ta sống dậy chắc sẽ ngỡ ngàng khi việc trao nhận bao thư tiền tại các đám giỗ cũng đã thành tục lệ. Cái phong bì đựng lá thư của ngày xưa nay đã trở thành cái bao đựng mọi thứ tiền. Con người cùng gật gù thầm cười nhạo nhau, cùng nhau bỏ qua cuộc sống chân thực, thanh cao, khiêm nhường để dẫn đưa nhau đến sự chênh vênh và ngày càng chênh vênh. Cái tinh tế, tử tế phải đối diện với cái thô thiển, phi nhân. Các giá trị chân chính phải vật vã giữa những điều trơ trẽn, lầm lạc như con sư tử cụt giò trước bầy linh cẩu. Nhận thức về giá trị trong cộng đồng đang như “gà mắc tóc”, thậm chí đây đó, những thứ lố bịch còn được đẩy lên như những giá trị hàng đầu.

Đời sống vật chất thống soái đang đè đầu cưỡi tâm cộng đồng của tôi. Chợt nhớ trong cái quá khứ nghèo khó, con người sống điềm tĩnh hơn, chân thật hơn, giàu tình yêu thương hơn.

Thành tựu của một con người là phẩm giá. Và thành tựu của một cộng đồng, một quốc gia cũng là phẩm giá. Có khi nào chúng ta cảm thấy lo sợ rằng cơn lũ thỏa mãn mặc cảm kia sẽ vẫn tiếp tục càn quét những gì còn lại trên đất nước này? Có khi nào chúng ta thử học lại và bắt đầu lại mọi thứ từ sự trung thực và liêm sỉ? 

 NGUỒN:  Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Link bài: Cái thùng rỗng hay kêu

(https://www.thesaigontimes.vn/284394/cai-thung-rong-khoc-cuoi-.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *