Cấm dần xe máy nhưng không gây khó khăn cho dân

Trần Quí Thanh

Kẹt xe tại TPHCM. Ảnh: LÊ ANH

—–

Loại bỏ xe máy là việc phải làm, cần ủng hộ, không nói lôi thôi gì cả. Đừng lý luận gì nhiều, cứ quan sát sẽ thấy, có xứ sở văn minh nào trên quả đất này sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại chính hay không. Ngay cả Nhật Bản là quốc gia sản xuất xe máy số 1 thế giới, thì cũng không sử dụng xe máy.

Chỉ có những nước còn nghèo, lạc hậu mới sử dụng xe máy mà thôi.

Xe máy gây ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, và nguy hiểm nhất là tai nạn giao thông.

Có một thói xấu sinh ra từ lưu thông bằng xe máy, đó là chen lấn tranh nhau trên đường, nhiều người không tôn trọng luật giao thông, và không tôn trọng nhau, ứng xử thiếu văn minh. Tui không nói tất cả người đi xe máy đều như vậy, nhưng có thể nói là còn có nhiều người.

Nhưng dẹp xe máy bằng cách nào? Các nhà quản lý, các chuyên gia đã bàn nát nước mấy chục năm nay nhưng vẫn không làm được. Câu chuyện xe máy như chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước”, “hoặc nhà đòi hộ khẩu, hộ khẩu đòi nhà” cách đây chừng chục năm.

Đó là “phương tiện giao thông công cộng có trước hay dẹp xe máy trước?”.

Trong trường hợp này, theo tôi không bên nào trước cả mà cả hai cùng hành động.

Không thể có cùng một lúc đầy đủ phương tiện giao thông công cộng rồi mới dẹp xe máy, và cũng không thể dẹp ngay tất cả xe máy để bắt dân đi các phương tiện khác, kể cả đi bộ, xe đạp và phương tiện công cộng.

Chính quyền hai thành phố lớn nên tính toán, tổ chức giao thông phù hợp, tránh gây khó khăn cho người dân, nhưng vẫn cấm dần được xe máy.

Hệ thống xe bus, minibus tăng dần, xe máy sẽ giảm dần, thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng tăng dần. Cứ theo thời gian, hạ tầng giao thông công cộng phủ tới đâu, xe máy sẽ bị cấm tới đó.

Hà Nội có chủ trương phân vùng hạn chế xe máy trong khu vực nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, tiến tới hạn chế hoạt động của xe máy tại khu vực nội thành năm 2030. Dự kiến, một trong hai tuyến phố Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi sẽ thí điểm hạn chế xe máy trong các quận nộ thành của Hà Nội.

Theo tôi, phải mạnh dạn thực hiện thí điểm, phải bắt tay vào làm, nói nhiều quá rồi.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật để triển khai đúng luật, nhưng dứt khoát phải có những quy định cấm xe máy ở các tuyến đường, từ đó lan rộng ra, khi có đủ phương tiện giao thông công cộng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thì cấm hoàn toàn.

Nếu luật chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn thì bổ sung, sửa đổi. Mọi mục tiêu của chính sách cũng chỉ hướng tới vì hạnh phúc của nhân dân và phát triển đất nước.

Một nước nghèo, lạc hậu là Myanmar, nhưng họ cấm xe máy ở Yangon từ lâu, tại sao Việt Nam không làm được?

 

Sài Gòn ngày 12/03/2019

TQT

Bài đọc thêm, Link: Cấm xe máy: Mới tập trung phần ngọn, chưa giải quyết phần gốc

(https://www.thesaigontimes.vn/285964/cam-xe-may-moi-tap-trung-phan-ngon-chua-giai-quyet-phan-goc.html?fbclid=IwAR3OQ6cgIZX0mN3ALzpXTbYUNv809p2JZY9sewVqBaaM7nGVcfZzBpc2dCU)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *