Trước tác động của đại dịch Covid-19, trẻ em đang trải qua một mùa hè đặc biệt: Không du lịch, không vui chơi ngoài trời, không gặp gỡ bạn bè… mà chỉ có thể ở nhà. Nhiều trẻ coi internet như “người bạn” của mình. Việc sử dụng internet thiếu sự quan tâm của người lớn khiến trẻ gặp những nguy cơ mất an toàn.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, gần đây Tổng đài 111 đã nhận được khá nhiều cuộc gọi liên quan đến vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Chỉ trong tháng 5/2021, có 40 cuộc gọi liên quan tới vấn đề này, đồng thời có hơn 30 cuộc gọi để phản ánh về những kênh, clip có nội dung không phù hợp với trẻ em trên mạng. Những thông tin này đã nhanh chóng được Tổng đài 111 chuyển đến các cơ quan chức năng để xử lý.
Về vấn đề nội dung độc hại đang tràn lan trên internet hiện nay, ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, cho biết: “Chúng tôi ước tính 99% các nội dung đều được kiểm duyệt trước khi đưa lên các kênh mạng. Tuy nhiên, việc kiểm duyệt nội dung còn là sự phối hợp giữa nền tảng và cơ quan chức năng. Ngoài ra, chúng ta cũng có trách nhiệm nâng cao nhận thức, đạo đức cho người sử dụng và trẻ em trên môi trường mạng. Người sản xuất nội dung phải chú ý nội dung phù hợp với tâm sinh lý của trẻ, phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Điều trên hết tôi cũng nhấn mạnh, đó là vai trò của gia đình làm lá chắn cho trẻ”.
Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, Chương trình quốc gia bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thông qua Chương trình, sự phối hợp giữa các bên liên quan, đặc biệt của Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, sẽ hiệu quả, nhanh chóng, quyết liệt hơn. Nhiều kênh, tổ chức và cá nhân, dù chưa có tên trong mạng lưới, nếu có kiến nghị hay phát hiện những nội dung không phù hợp, đều có trách nhiệm báo cáo, phản ánh để chung tay bảo vệ trẻ trên môi trường mạng.
Cấm đoán không phải là giải pháp bảo vệ con
Để Chương trình quốc gia thực hiện thành công, theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững, vai trò của gia đình là rất lớn. Trước hết, phụ huynh cần biết tôn trọng quyền sử dụng internet của trẻ. Đúng theo tinh thần của Chương trình quốc gia, gia đình đóng vai trò đồng hành cùng trẻ để trẻ có thể tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng. Thay vì chỉ trông chờ các cơ quan quản lý nhà nước “thanh lọc” môi trường mạng, gia đình có thể chủ động trong việc học hỏi, xây dựng các kiến thức, kỹ năng, tạo sức đề kháng cho trẻ trước thông tin xấu độc. Ngoài ra, gia đình có thể sử dụng “quyền lực mềm” của mình trong việc báo cáo các kênh, chương trình không phù hợp để đào thải các chương trình này.
Bố mẹ cần tìm hiểu cách đồng hành phù hợp với độ tuổi của con. “Cấm đoán không bao giờ là giải pháp hữu hiệu. Cấm đoán thường có tác dụng ngược, khiến trẻ có thể vì tò mò mà lén lút, tự tìm hiểu. Điều này càng dễ khiến trẻ gặp rủi ro, không dám nói với bố mẹ vì sợ bị mắng. Do đó, điều tiên quyết là cha mẹ nên tôn trọng con, cùng con tìm hiểu các lợi ích, rủi ro trên môi trường mạng, cùng con phân tích lợi hại, cách xử lý tình huống để tăng tư duy phản biện của con”.
Tư vấn cho phụ huynh khi bắt gặp con xem chương trình không phù hợp, bà Nguyễn Phương Linh cho biết: “Phụ huynh không nên ngay lập tức nóng giận, phản ứng thái quá, mắng mỏ trẻ hoặc tịch thu thiết bị công nghệ. Điều cần thiết là bình tĩnh nói chuyện, hỏi con xem lý do con xem các chương trình không phù hợp, vào nhóm chat kín, cũng như cảm xúc của con khi thực hiện điều này… Phụ huynh hãy cùng con phân tích và hướng dẫn để tự con đưa ra giải pháp phù hợp. Chính con là người giải quyết vấn đề mới có tác dụng lâu dài. Nếu vấn đề đã nghiêm trọng, cần các cơ quan chức năng vào cuộc thì phải báo ngay với các cơ quan chức năng”.
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”.
Chương trình có mục tiêu bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật. Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để trẻ biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, gồm: Sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. |