Cảm động bài thơ “Tâm sự 40 năm” của Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát – Trần Quí Thanh

Mai Anh/ Báo Đời sống Việt Nam
 

Mới đây, Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát – Trần Quí Thanh đã khiến nhiều người cảm động khi chia sẻ bài thơ tặng người vợ của mình – bà Phạm Thị Nụ nhân kỷ niệm 40 năm kết hôn (9/7/1979 – 9/7/2019). Theo ông Trần Quí Thanh, bài thơ là lời cảm ơn đến người vợ đã đồng hành cùng ông suốt 40 năm qua, trải qua nhiều đăng cay ngọt bùi trong cuộc đời. 

Nhà sáng lập Tân Hiệp Phát cũng chia sẻ bài thơ này được gửi tham dự cuộc thi “Người Tân Hiệp phát yêu” với hy vọng có thể lan tỏa được thông điệp yêu thương trong gia đình. Và hy vọng mọi người cùng tham gia để cùng nhau tôn vinh tình yêu lứa đôi cũng như tình cảm gia đình.

Đời sống Plus xin trích nguyên văn bài thơ:

Tâm Sự 40 Năm

Anh không có hoa
không biết tặng quà
Không biết dỗ dành khi em khóc
Anh chỉ có một bờ vai
Đôi khi giữa cuồng phong gió lốc
Và anh chỉ nghĩ đến em
Đời và những giấc mơ
Anh xin dành cho em tất cả
Có những đêm
Trong căn phòng trống một mình
Anh vẫn không thể nói một lời
Nụ! Cám ơn em
Chúng ta không bao giờ bỏ cuộc..

Hứa cho em anh không đòi lại quà
Không đòi lại 40 năm
Chỉ là của mình em
Và thêm 40 năm nữa
Hứa yêu em anh không đòi lại quà
Tất cả những gì anh đã xây là dành cho em
Tất cả những gì cho đến hôm nay em chính là động lực để anh thực hiện
Hứa yêu em anh không đòi lại gì.

Trần Quí Thanh

Vợ chồng ông chủ Tân Hiệp Phát

Bài thơ trên sau khi được chia sẻ đã nhận được rất nhiều phản hồi cảm phục và ngưỡng mộ tình cảm của vợ chồng ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Nhà văn Phong Lan thậm chí đã không ngại ngần khẳng định rằng đó chính là “những vần thơ được viết ra từ nỗi xúc động tận đáy lòng của Dr Thanh dành tặng vợ mình”. 

Chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình khi đọc bài thơ “Tâm sự 40 năm”, Phong Lan cho rằng tác giả không viết ra những lời hoa mỹ, không dụng công gò câu ép chữ để làm nên tác phẩm quá hoàn chỉnh về hình thức, bài thơ được viết giản dị, tự nhiên như những lời tâm sự, gửi trao giữa những người trọn vẹn tin yêu và cùng nhau vun đắp những ước mơ, lý tưởng thành hiện thực. Với mỗi chúng ta, khi đọc những dòng thơ ấy, đều có riêng một cảm nhận đẹp về tình người, tình yêu, tình nghĩa vợ chồng cao quý.

Nhà văn Phong Lan phân tích:

Anh không có hoa 
không biết tặng quà
Không biết dỗ dành khi em khóc

Ba câu mở đầu thật giản dị, đi thẳng vào “vấn đề” vẫn hay xảy ra đối với những cặp đôi sống bên nhau đủ dài để sẻ chia, thấu hiểu, cảm thông cho công việc của nhau. Không có hoa, không biết tặng quà không phải vì thiếu niềm quan tâm hay sự tinh tế, ga lăng của người đàn ông; thậm chí “Không biết dỗ dành khi em khóc” cũng không bao gồm sự vô tâm, hờ hững… Mà chỉ đơn giản là người chồng đó quá ít thời gian cho những điều bé nhỏ, thường nhật, trong khi một ngày chỉ có 24 giờ, biết bao nhiêu công việc cần phải xử lý dồn dập không phút nghỉ ngơi. 

Tưởng như người vợ đang âm thầm đứng phía sau những bận rộn đó đang bị bỏ quên, bởi vì với một người phụ nữ, hạnh phúc nhiều khi chỉ là nhận được một đóa hoa, một món quà nhỏ vào ngày kỷ niệm như sinh nhật, ngày cưới, ngày Lễ Tình nhân… Và hơn tất cả những điều đó, là lúc buồn tủi, giận hờn phải rơi lệ, có được lời dỗ dành ngọt ngào từ người chồng của mình. Thế nhưng, còn gì buồn hơn khi tất cả đều là “không”. 

Sau khi trải lòng mình như một sự hối lỗi, tác giả lập tức khẳng định bản lĩnh, sức mạnh và lòng tự trọng của bậc nam nhi: 

Anh chỉ có một bờ vai
Đôi khi giữa cuồng phong gió lốc

Khiêm tốn nói rằng “Anh chỉ có một bờ vai”, nhưng với người phụ nữ, đó là tất cả bến bờ vững chãi, bình yên nhất trong cuộc đời. Giữa cuồng phong gió lốc của cuộc đời nghiệt ngã này, cần có một bờ vai đủ sức mạnh, một nhân cách đủ lớn, một trái tim đủ nồng ấm, một tấm lòng đủ hào hiệp mới có thể giúp con người ta đứng vững, lớn mạnh và tỏa bóng yêu thương xuống những người sống bên cạnh mình. 

Bờ vai ấy đã gánh vác bao nhiêu trách nhiệm của người con trong dòng họ, người cha trong gia đình, người chồng trong tình nghĩa phu thê, người đứng đầu trên còn tàu đang vươn mình ra biển lớn. Bờ vai ấy chưa lần nào cho phép mình mệt mỏi, yếu đuối… 

Khi đương đầu trước sóng gió cuộc đời, người đàn ông cần nhất điều gì? Không phải khối tài sản khổng lồ, không phải danh tiếng lớn, cũng không phải có một thế lực hùng hậu nào đó hậu thuẫn cho mình, bởi vì vì vật chất đôi khi những điều đó chỉ là thứ hư vô. Từ sâu thẳm lòng mình, người đàn ông cần nhất là sự thấu hiểu của một người vợ đích thực. Tác giả không ngần ngại bộc lộ tình cảm của mình:

Và anh chỉ nghĩ đến em
Đời và những giấc mơ
Anh xin dành cho em tất cả

Dành cho em tất cả, trọn vẹn những điều hiện hữu và cả những giấc mơ lớn phải dành cả cuộc đời này để hiện thực hóa nó. Hiếm có người đàn ông nào trung thực đến tận cùng như vậy. Và cũng thật hiếm có người phụ nữ nào được chồng yêu thương, trân trọng trọn vẹn đến thế. Khi người đàn ông dùng từ “xin” để nói đến tình yêu dành cho vợ, nghĩa là người đó hiểu vị trí của người vợ quan trọng đến thế nào trong cuộc đời và sự nghiệp của mình. Chỉ những người mang lại tình yêu thương vô điều kiện đối với người đàn ông mới khiến họ rưng rưng mỗi lần nhắc đến với tất cả lòng cảm phục, biết ơn. 

Người đàn bà giữ vị trí quan trọng đó trong lòng tác giả chính là người vợ tào khang đã cùng mình vượt qua bao nhiêu buồn vui, hạnh phúc, khổ đau. Trước một người đàn bà như thế, có thể hoàn toàn yên tâm tin cậy tỏ bày những nỗi niềm sâu kín nhất mà không cần rào đón trước sau:

Có những đêm 
Trong căn phòng trống một mình
Anh vẫn không thể nói một lời
Nụ! Cám ơn em
Chúng ta không bao giờ bỏ cuộc..

Khi một mình đối diện với màn đêm là khi con người ta trung thực nhất với chính mình, mọi yêu thương hay hờn giận, thành công hay thất bại, tự tin hay hoang mang, cô đơn hay hạnh phúc… đều không thể dối trá được. Chính vì vậy, vào giây phút ấy, điều khó nói nhất lại được bật lên thành tiếng lòng đầy xúc động: “Nụ! Cám ơn em/ Chúng ta không bao giờ bỏ cuộc…” Không khó khăn gì khi nói một lời cảm ơn với đối tác, bạn bè, thậm chí với người xa lạ khi họ giúp đỡ mình, nhưng thật khó mở lời trước tấm lòng của tri âm tri kỷ gắn bó với mình cả tâm hồn lẫn thể chất. 

Câu kết của bài thơ rất giản dị, mà gợi mở bao nhiêu cảm xúc: “Chúng ta không bao giờ bỏ cuộc…”. Không bỏ cuộc, cho dù đã trải qua nhiều gập ghềnh gian khó để tạo dựng được thành công rực rỡ hôm nay, hay cho dù phía trước vẫn còn nhiều sóng to gió lớn thì chúng ta vẫn luôn sát cánh bên nhau để vượt qua tất cả. Đó là lời nhắc nhở, cũng là điều tri ân sâu sắc nhất mà tác giả muốn gửi gắm đến người vợ thân yêu của mình.

Chuyển sang khổ thơ thứ hai, dường như cảm xúc đã được chuyển biến theo một chiều hướng khác, vui nhộn, tươi mới và không thiếu nụ cười hóm hỉnh.

Hứa cho em anh không đòi lại quà
Không đòi lại 40 năm
chỉ là của mình em
Và thêm 40 năm nữa
Hứa yêu em anh không đòi lại quà

Câu hứa “anh không đòi lại quà” được lặp lại khiến người đọc liên tưởng đến một ca khúc được giới trẻ đương thời “chế” lời. Nhưng ở bài thơ này, tác giả đã vận dụng một cách khéo léo để thể hiện tình cảm rất đỗi chân thành, nồng hậu. Anh không đòi lại thời gian, tình yêu, tuổi trẻ của 40 năm qua, và tiếp tục 40 năm nữa khi chúng ta vẫn xiết chặt tay nhau đi giữa cuộc đời này. 

Con số 40 được nhắc lại hai lần, hẳn không phải sự ngẫu nhiên mà đó chính là dụng ý của tác giả, bởi vì năm 2019 là kỷ niệm tròn 40 năm hôn nhân của cặp vợ chồng Dr Thanh. 40 năm một cuộc tình trải cùng bao nhiêu biến động của đời sống xã hội, lịch sử đất nước, thật không dễ dàng để đi qua chừng đó thác ghềnh nếu không có sự đồng cam cộng khổ giữa hai người yêu nhau. Nhìn lại 40 năm, và mở ra 40 năm phía trước, tác giả vẫn đinh ninh một điều: Yêu em anh không đòi lại quà. Không đòi, hay không “dám” đòi lại quà, khi bản thân tác giả nhận được món quà lớn nhất của định mệnh, đó là cả cuộc đời một người phụ nữ tin yêu và gắn bó trọn vẹn với mình?

Tất cả những gì anh đã xây là dành cho em
Tất cả những gì cho đến hôm nay em chính là động lực để anh thực hiện
Hứa yêu em anh không đòi lại gì.

Câu ngạn ngữ “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” dường như trùng khít với lý tưởng xây dựng gia đình của Dr Thanh. Những thành quả người đàn ông cất công xây đắp nên là để dành cho người phụ nữ mình yêu thương nhất, dành cho người nắm giữ trái tim và tâm hồn của mình. Hơn thế, tác giả còn khẳng định: “em chính là động lực để anh thực hiện” những mơ ước của một đời nam nhi. Sau tất cả những trầm luân sướng khổ trong đời, đổi được nụ cười bình yên, thanh thản ngày hôm nay, một lần nữa anh hứa yêu em sẽ không đòi lại bất cứ điều gì. Bởi chỉ có trong tình yêu thì trao tặng chính là nhận về gấp nhiều lần hơn thế.

Nhân kỷ niệm 18 năm ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2001 – 28/6/2019, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã phát động cuộc thi “Người Tân Hiệp Phát yêu”. Cuộc thi cũng là để tiến đến kỉ niệm 25 năm ngày thành lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát (15/10/1994 – 15/10/2019) và 40 năm kết hôn của 2 nhà sáng lập của Tập đoàn là ông Trần Quí Thanh và bà Phạm Thị Nụ (9/7/1979 – 9/7/2019).

Sau khi phát động, cuộc thi “Người Tân Hiệp phát yêu” đã nhận được vô vàn sự hưởng ứng và khích lệ từ đông đảo của người tiêu dùng. Đã có rất nhiều bài viết hay, cảm động tôn vinh tình yêu lứa đôi cũng như tình cảm gia đình được gửi đến.

Được sự ủy quyền của Tân Hiệp Phát, Đời sống Plus sẽ đăng tải những bài viết đặc sắc với hy vọng những câu chuyện ấm áp sẽ truyền động lực cho mọi người cùng thực hiện và lan toả yêu thương.

Cuộc thi đang tiếp tục nhận bài dự thi từ 27/5/2019 đến 27/6/2019. Các bài viết xin vui lòng gửi về địa chỉ: doinoi@thp.com.vn.

 

NGUỒN:  Theo Báo Đời sống Việt Nam
Link bài: Cảm động bài thơ…
(https://doisongvietnam.vn/cam-dong-bai-tho-tam-su-40-nam-cua-chu-tich-tan-hiep-phat-tang-vo-68285-13.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *