Trần Quí Thanh
Một câu hỏi đặt ra, đó là tại sao chỉ có khoảng 10% start up sống sót, chưa nói đến thành công, còn có đến 90% start up thất bại?
Cũng đã có nhiều câu trả lời như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản trị. Tui cũng đã viết nhiều bài liên quan đến vấn đề này, nhưng nay có nhiều bạn trẻ gửi thư hỏi, tui xin đưa ra thêm một lý giải khác.
Đó là, chúng ta chưa có một ngành học về khởi nghiệp tại trường đại học. Hiện nay chúng ta có các ngành học tài chính, kinh tế, Marketing, quản trị kinh doanh, nhưng chưa có ngành chuyên sâu về khởi nghiệp.
Trên thực tế, có một số người khởi nghiệp thành công mà không cần phải qua một trường lớp nào, nhưng đó là những trường hợp đặc biệt. Còn với đa số, được đào tại bài bản, nghiêm túc thì cơ hội thành công khi khởi nghiệp sẽ cao hơn. Kể cả những người từng thành công đó, nếu được đào tạo bài bản, chắc chắn họ còn tiến xa hơn.
Đừng nói ai cho xa, tui là một start up thành công, nhưng đó là một quá trình tự mày mò, tìm kiếm cách giải quyết những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp. Cho nên tui thường cho rằng, nếu được đào tạo bài bản, tui sẽ thành công hơn, ít vất vả nhọc nhằn hơn.
Về mở chuyên ngành khởi nghiệp, theo tui, cần phải thiết kế chương trình đào tạo khởi nghiệp khoa học, phù hợp với thực tế, đồng thời thay đổi phương pháp đào tạo.
Đương nhiên ở trường đại học thì phải có những giáo trình lý thuyết căn bản được giảng dạy bởi những giáo sư kinh tế. Sinh viên được trang bị kiến thức hàn lâm cũng cần thiết, có thể tự trang bị cho mình các phương pháp để nghiên cứu về sau, tiếp cận được với kiến thức kinh tế, quản trị mới.
Nhưng với ngành học khởi nghiệp, cần phải tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với doanh nhân, những nhà khởi nghiệp thành công. Doanh nhân giảng dạy kết hợp lý thuyết với kinh nghiệm thực tiễn, họ đưa ra những “case study” mà họ từng gặp phải và đã có những cách giải quyết khác nhau, thất bại của họ cũng là bài học để sinh viên nghiên cứu.
Nhà trường cần mở rộng hợp tác quốc tế, mời những chuyên gia, start up đến từ các nước giảng dạy. Sinh viên sẽ có cái nhìn rộng mở hơn, hội nhập từ khi còn đi học, đây cũng là cách “du học tại chỗ”, giảm chi phí học tập so với ra nước ngoài và giảm chảy máu ngoại tệ.
Cách đào tạo linh động là kết hợp thực hành, liên kết với các doanh nghiệp, đưa sinh viên đến thực tập ở các công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất. Chính quá trình thực tập này, sinh viên sẽ tích lũy được nhiều kiến thức thực tế, áp dụng có hiệu quả về sau khi khởi nghiệp.
Hay nói đúng hơn, sinh viên đã bắt đầu thực tập khởi nghiệp ngay trên ghế nhà trường.
Sài Gòn 22/07/2020
TQT