Cần “thuốc” đặc trị cho nạn tin giả

Đ. Huân/ Báo Thanh Niên

Nguồn hình: tuyengiao.vn

Những ai là nạn nhân của mạng xã hội sẽ thấm thía về sự cay đắng và tra tấn của nó. Đa số là bất chấp sự thật, không cần kiểm chứng, chỉ share và mắng chửi khi ai đó “sa cơ” vào mạng xã hội.

Một thông tin, một cái tít, một câu nói của ai đó, nhiều người “nhanh tay” đưa lên mạng với lời bình tiêu cực, chê bai, thế là tác giả bị phê phán, thậm chí chửi bới.

Không mấy ai chịu khó tìm đọc, xem người viết có suy nghĩ gì, người nói muốn đưa ra ý kiến gì. Người ta chỉ chụp vào câu nói đó để “kết án” người nói. Trong lúc, ai cũng biết rằng, một câu văn, một câu nói bị tách ra khỏi ngữ cảnh, rất dễ bị hiểu sai lệch hoặc bị xuyên tạc.

Không ít người vì muốn câu like, tăng view, nên cố ý xới những chuyện giật gân trên trang của mình. Những ai bị lâm nạn, họ sẽ khai thác ngay để lôi kéo nhiều người vào comment, đả kích, lên án, kết tội. Sự hả hê khi mạt sát người khác không biết có là “dịch bệnh” hay không, nhưng nó lây lan nhanh và rất khó kiểm soát.

Ngoài việc đưa tin theo kiểu chụp mũ, còn có những tin sai sự thật, đồn thổi, gây đau khổ cho nạn nhân.

Còn nữa, đó là dùng kỹ thuật cắt ghép, ngụy tạo hình ảnh, dàn dựng clip, khiến người xem bị lừa, tin đó là thật, rồi phát tán trên mạng xã hội.

Nếu đối tượng bị tấn công là một doanh nghiệp, thì thiệt hại là không thể lường được.

Việt Nam có luật, nghị định điều chỉnh các hành vi vi phạm này, nhưng xem ra không kiểm soát được.

Sự nguy hiểm của những tin xấu, tin giả, độc hại trên mạng xã hội không chỉ gây thiệt hại cho nạn nhân, mà làm ô nhiễm  không gian mạng, tác động tiêu cực đến cộng đồng.

Theo dõi mạng xã hội với cái nhìn bình tĩnh, sẽ thấy độc tính ngày càng nặng và phát tán khắp “cơ thể” xã hội, hết sức nguy hiểm.

Trần Quí Thanh

—–

Không chỉ bức xúc trước tình trạng tin giả, vu khống, bịa đặt, lừa đảo… tràn lan trên mạng, nhiều bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng sớm xử lý triệt để vấn nạn này.

Như Thanh Niên thông tin, hôm 28.10, ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND P.8, TP.Cà Mau (Cà Mau), khẳng định thông tin “nữ F0 đi khách sạn với trưởng công an phường” là tin đồn thất thiệt. Hiện UBND P.8 đã chuyển thông tin vụ việc đến Công an TP.Cà Mau đề nghị tiếp tục xác minh, làm rõ. Trước đó, hôm 23.10, Phòng Tham mưu – Công an TP.HCM cho biết sau khi thông tin “nhân viên y tế chuốc thuốc mê cả nhà” lan truyền trên mạng, Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các quận, huyện… khẩn trương rà soát, xác minh. Qua đó, không phát hiện vụ việc như trên xảy ra tại địa bàn TP.HCM, đây là tin giả.

Kiên quyết dn rác trên mng xã hi

Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bức xúc khi nhiều đối tượng xấu lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tung tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận, cũng như thực hiện các hành vi lừa đảo. “Quá bức xúc! Tung tin giả gây hoang mang dư luận, đề nghị xử thật nặng để răn đe…”, BĐ Thiên Long ý kiến.

Tương tự, BĐ Tuệ Minh bức xúc: “Nhiều người chỉ vì lượt view mà bất chấp đăng và chia sẻ thông tin không chính xác, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay thì càng khiến người dân hoang mang. Mong cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm. Vấn đề đăng tin giả đã được pháp luật quy định, không thể để một số đối tượng bất chấp luật pháp nhởn nhơ được”.

“Nếu chỉ vì muốn gây chú ý, muốn kiếm view từ việc tung tin giả thì thật đáng trách. Nhiều người dân đọc tin xong hoang mang, lo sợ và hơn hết, nó còn ảnh hưởng đến danh dự của nhiều người. Chúng ta cần sáng suốt chọn lọc thông tin, đừng trở thành miếng mồi ngon cho kẻ xấu”, BĐ Mộc Diệp cảnh báo.

“Tôi và nhiều người dân rất mong các cơ quan, ban ngành có liên quan phải làm mạnh và nhanh chóng dọn hết “rác” trên mạng xã hội. Ô nhiễm lâu quá rồi!”, BĐ Nguyễn Trang thẳng thắn.

Tỉnh táo trước tin giả

Nhiều ý kiến cũng thẳng thắn cho rằng tình trạng tin giả tràn lan trên mạng xã hội có thể do chế tài chưa đủ răn đe. “Tin đồn sai sự thật nhằm mục đích câu like, câu view, hạ nhục thì phải truy tố để làm gương. Vì có phạt 7,5 triệu đồng thì họ vẫn lời nên bất chấp thủ đoạn”, BĐ Quốc Vũ ý kiến.

Tương tự, BĐ Văn Dân đề nghị: “Hành vi này cần xử lý thật nặng, ngoài xử phạt tiền thì cần phải có luật hình sự bổ sung để răn đe. Nếu chỉ phạt hành chính không thì chưa đủ mạnh”.

Nếu chúng ta không xử lý một cách triệt để thì tình trạng này sẽ còn kéo dài và gây mất trật tự xã hội. Ở thời điểm mà ai cũng lo lắng về tình hình dịch bệnh, nhiều người bịa đặt chia sẻ thông tin sai lệch là không chấp nhận được.

Anh Kiệt

Thật sự rất bức xúc vì những người này quá xem thường pháp luật khi đăng tin sai lệch, ảnh hưởng đến nhiều người. Đã đến lúc vấn đề đăng tin giả không dừng ở mức xử phạt hành chính mà phải nghiêm hơn, truy tố để răn đe.

Trọng Nghĩa

“Xảy ra vấn nạn tin giả, vu khống, bịa đặt, thiếu chuẩn mực xã hội… là do chúng ta thiếu các chế tài về luật pháp và các cơ quan thi hành luật pháp chưa làm hết trách nhiệm. Nếu cứ xử thật nặng đối với các cá nhân, kênh thông tin bịa đặt, vu khống trắng trợn, chửi bậy, đe dọa người khác từ 50 – 100 triệu đồng, thậm chí truy tố hình sự thì chắc chắn vấn nạn này sẽ giảm nhiều…”, BĐ Lê Hoàng thẳng thắn.

“Người dân phải tỉnh táo, cảnh giác trước nạn tin giả tràn lan trên mạng. Cần có trách nhiệm khi chia sẻ những thông tin chưa kiểm chứng, bởi với những thông tin sai lệch sẽ gây ra tâm lý hoang mang, bất an cho người khác, làm rối loạn xã hội. Về phía nhà nước phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý… Đặc biệt, lực lượng công an cần điều tra làm rõ và đưa ra truy tố những đối tượng tung tin giả để răn đe, chứ không dừng ở mức xử phạt hành chính. Tình trạng tin giả đã trầm trọng lắm rồi, thiết nghĩ cần có liều thuốc đặc trị cho vấn nạn này”, BĐ Trúc Phương ý kiến.

NGUỒN:  Theo Báo Thanh Niên

Link bài: Cần…

https://thanhnien.vn/can-thuoc-dac-tri-cho-nan-tin-gia-post1396071.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *