Cát cứ là tự làm khó mình

Hoàng Trí Dũng/ Báo Tuổi Trẻ

—–

Cho đến nay, có thể tự tin để mở cửa nền kinh tế theo chiến lược “thích ứng an toàn”. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nói điều này, bởi vì Việt Nam đã tiêm chủng cho khoảng 60 triệu người tiêm mũi một và 26 triệu người được tiêm đầy đủ.

Việt Nam đầu tư nhiều nguồn lực để tiêm vaccine bảo vệ sức khỏe của người dân, đồng thời cũng để nhanh chóng phục hồi sản xuất. Cho nên, nếu để chậm mọt ngày mở cửa là lãng phí chính nguồn lực mà chúng ta đã đầu tư.

Mấy ngày qua, có hiện tượng “đổi màu tiêu cực” ở một số địa phương do F0 tăng, nhưng điều này không quá đáng lo, đến mức đưa ra các biện pháp cực đoan. Cách làm khi chưa có độ bao phủ vaccine rộng khác, khi đã tiêm vaccine với trên 86 triệu liều thì phải khác.

Không “ngăn sông cấm chợ”, không “cát cứ”, mà thích ứng an toàn. Nơi nào cần tập trung dập dịch thì cứ làm, còn lại lo buôn bán làm ăn, tăng gia sản xuất.

Điển hình như TPHCM, điều mà người dân quan tâm hiện nay là ca tử vong, hiện nay khoảng trên dưới 30 ca/ngày, con số này cho thấy ca tử vong đã giảm sâu so với trước. Người dân đã tiêm vaccine đầy đủ, tiếp tục chấp hành nghiêm quy định 5 K là có thể sinh hoạt bình thường. Các địa phương khác cũng vậy.

Nhìn rộng hơn là quốc tế, các nước trong khu vực đang mở cửa đón du khách, không còn ai đóng cửa, cát cứ. Thái Lan đưa thêm 17 nước bao gồm Việt Nam vào danh sách miễn cách ly khi đi du lịch nước này từ 1.11.

Việt Nam cũng không cứng nhắc đóng cửa, đã cho phép Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh đón khách quốc tế trong tháng này.

Mở cửa đón khách quốc tế thì đương nhiên cũng rộng cửa cho người dân trong nước tự do đi lại làm ăn, tham quan du lịch. Địa phương nào cứng nhắc trong điều hành kiểm soát dịch bệnh thì người dân, doanh nghiệp ở đó chịu thiệt.

Trần Quí Thanh

—–

Có hoạt động kinh tế, sinh kế thì mới có sức khỏe để chống dịch. Không thể vì diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn mà các địa phương quay lại cách chống dịch cực đoan bằng cách phong tỏa cứng nhắc, ra các quy định hạn chế, xét nghiệm diện rộng…

Từ 1-10, các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã gỡ chốt chặn nới lỏng kiểm soát, mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Thế nhưng trong 3 tuần qua diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại khu vực này gia tăng với nhiều chuỗi lây nhiễm mới trong cộng đồng rất đáng lo ngại, nguy cơ một đợt bùng phát dịch mới nếu chủ quan, lơ là. Dẫu dịch căng thẳng vậy, nhưng quan sát những ngày qua cho thấy tư duy chống dịch đã hoàn toàn khác trước.

Thay vì chăm chăm phong tỏa, cách ly, lập chốt kiểm soát, lãnh đạo các địa phương trong vùng đã có nhận định và quan điểm chống dịch mới linh hoạt, không hốt hoảng, cứng nhắc. 

Bằng chứng rõ nhất là các tỉnh đưa ra các giải pháp thích ứng, kiểm soát dịch bằng việc điều chỉnh “đổi màu” nâng mức cảnh báo cấp độ dịch từ xanh sang vàng, từ vàng sang đỏ tùy khu vực, phong tỏa hẹp, dập dịch nhanh chứ không còn phong tỏa diện rộng gây thiệt hại như trước nữa.

Chỉ 2/13 tỉnh là Bạc Liêu và Hậu Giang có quyết định tái lập chốt tại cửa ngõ ra vào tỉnh trở lại, nhưng lãnh đạo 2 tỉnh này cũng cam kết các chốt này chủ yếu kiểm soát khai báo y tế chứ không kiểm soát việc đi lại của dân như trước đây, không vượt quá khuôn khổ nghị quyết 128 của Chính phủ. 

Bởi nói như ông Lâm Minh Thành – chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – với lãnh đạo các tỉnh nam sông Hậu trong cuộc họp mới đây: “Lãnh đạo các tỉnh chúng ta không nên cát cứ nữa vì nếu cát cứ thì chúng ta tự làm khó chúng ta và làm khó cái chung”.

Tình hình dịch đã khác trước. Thông tin, kiến thức và cả nhận thức về dịch bệnh đã khác trước. Lúc này cần thay đổi tư duy phòng chống dịch: không chủ quan lơ là nhưng thích ứng an toàn là chọn lựa không thể khác. 

Có hoạt động kinh tế, sinh kế thì mới có sức khỏe để chống dịch. Không thể vì diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn mà các địa phương quay lại cách chống dịch cực đoan bằng cách phong tỏa cứng nhắc, đặt ra các quy định hạn chế bất cập, làm xét nghiệm và xét nghiệm trên diện rộng nữa.

Yêu cầu mở cửa để doanh nghiệp khôi phục kinh tế, lo sinh kế cho người dân là cách tiếp cận đúng đắn và tất yếu sẽ tạo ra áp lực, thách thức mới cho chính quyền các địa phương trong chống dịch và mở cửa kinh tế.

Vì vậy để việc mở cửa an toàn, bên cạnh việc từng địa phương có kịch bản và chủ động triển khai thực hiện theo yêu cầu, phù hợp diễn biến tình hình mỗi nơi, phong tỏa hẹp, khoanh vùng, truy vết nhanh, xét nghiệm phù hợp với diễn biến dịch bệnh, còn phải tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng. Phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, chỉ huy thống nhất để tránh tình trạng mỗi nơi ban hành quy định riêng, cản trở cái chung.

Bên cạnh đó, Tây Nam Bộ là vùng có tỉ lệ phủ vắc xin còn thấp so với các nơi, các tỉnh cần tranh thủ các nguồn để đẩy nhanh độ phủ vắc xin khi nguồn vắc xin mới đang khơi thông hơn. 

Đặc biệt cần phải có các kịch bản phục hồi kinh tế của vùng và từng địa phương phù hợp với các chính sách y tế, xã hội và công nghệ, thích ứng với trạng thái diễn biến của dịch bệnh, có sự đồng thuận của người dân để trở lại bình thường mới.

Đó là xu thế tất yếu phải thay đổi và phải làm, chứ địa phương nào đứng một mình chỉ có thiệt mà thôi.

NGUỒN:  Theo báo Tuổi Trẻ

Link bài: Cát cứ…

https://tuoitre.vn/cat-cu-la-tu-lam-kho-minh-20211103083417874.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *