Lê Anh Phong/ Báo Lao động
—–
Đừng để Bộ Công thương đơn độc
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh rất quyết liệt trong việc dẹp bỏ điều kiện kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Nghị định 08 để pháp lý hóa việc loại trừ 675 điều kiện kinh doanh ra khỏi đời sống.
Người dân, doanh nghiệp rất phấn khởi.
Tuy nhiên, có nhiều quy định, ràng buộc liên quan, chồng chéo giữa nhiều ngành khác nhau trong quản lý, cho nên tháo chỗ này vẫn còn buộc chỗ khác. Vì vậy, các ngành khác cũng phải quyết liệt dẹp bỏ những điều kiện kinh doanh bất hợp lý như Bộ Công thương thì mới giải phóng hoàn toàn các nguồn lực của xã hội để kiến thiết đất nước.
Trần Quí Thanh
—–
Tại buổi tổng kết ngành công thương sáng 15.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã ký Nghị định 08/2018/NĐ-CP cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tương đương 55% trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh do Bộ Công Thương quản lý.
Tin vui đầu năm 2018 đến với người dân, doanh nghiệp. Nghị định 08 khẳng định một điều, cam kết cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương không phải là lời hứa suông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá nỗ lực của Bộ Công Thương về vươn lên đi đầu trong việc dẹp bỏ điều kiện kinh doanh, giúp môi trường kinh doanh Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Điều mà Thủ tướng nhấn mạnh là ngành công thương biết “gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình”.
Ai cũng rõ, những ràng buộc về điều kiện kinh doanh đi liền với quyền lực của bộ máy quản lý, và tất nhiên đi kèm với quyền lợi cục bộ. Cho nên, lực cản trong việc cắt bỏ điều kiện kinh doanh không đến từ bên ngoài, mà ngay từ bên trong. Không ai muốn cắt đi quyền và lợi ích riêng. Vượt qua chính mình là vậy.
Đã không ít lời qua tiếng lại nghi ngờ về cam kết cắt bỏ điều kiện kinh doanh của ngành công thương, nay cộng đồng đặt sự tin tưởng trước đánh giá thẳng thắn của Thủ tướng. Và quan trọng hơn, việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh đã được pháp lý hóa bằng một Nghị định.
Sự “cắt bỏ” này cũng tương tự như sắp xếp lại bộ máy, giảm đầu mối của Bộ Công Thương. Tinh giản là cắt bớt nhân sự, quyền lực, chính vì vậy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Đụng chạm đến con người là phức tạp, nhưng các đồng chí đã làm khá mạnh mẽ, hiệu quả, minh chứng bằng việc giảm được 5 đầu mối của bộ so với trước đây”.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta phải tiếp tục thực hiện các khuyến cáo là thể chế, thể chế, và thể chế phải phù hợp hơn với kinh tế thị trường”. Thể chế phù hợp với kinh tế thị trường chính là thực hiện những cải cách cụ thể, tháo bỏ những ràng buộc vô lý, mở rộng tối đa quyền tự do kinh doanh của người dân, giải phóng sức sáng tạo của cả cộng đồng.
Cải cách không thể chỉ một bộ phận, mà phải toàn diện, đồng loạt để tạo ra nguồn động lực mới đủ sức giải phóng mọi nguồn lực của xã hội. Ngành công thương đi tiên phong nhưng không thể đơn độc, đừng để người dân, doanh nghiệp phải chờ quá lâu những cải cách ở các ngành khác.
Nguồn: Theo báo Lao động
Link bài: Cắt giảm điều kiện kinh doanh không phải lời hứa suông
(https://www.laodong.vn/su-kien-binh-luan/cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-khong-phai-loi-hua-suong-586559.ldo)