Cha tôi,… là cha tôi

Nguyễn Hiền Trang / Kinh tế nông thôn
 

Năm 2008, khi ông Obama lên nắm quyền tổng thống, con gái của người tiền nhiệm George Bush đã gửi cho con gái Obama một lá thư, trong đó có đoạn như thế này:

“Hãy nhớ ông ấy là cha của mình chứ không phải những tấm áp phích trên báo chí… Sẽ có rất nhiều người nghĩ rằng họ biết về cha của các em, nhưng họ thực sự không thể hiểu được cảm giác của ông ấy khi các em chào đời, hay niềm tự hào của ông khi ngày đầu các em đi học, hay niềm hạnh phúc của các em khi được làm con của ông ấy”.

Đó cũng là cách mà Trần Uyên Phương viết trong phần lời tựa của cuốn: Chuyện nhà Dr. Thanh kể về cha mình, ông Trần Quý Thanh, người sáng lập ra Tập đoàn Tân Hiệp Phát:
 


Dr. Thanh và cộng sự trong khu dây chuyền sản xuất của Tân Hiệp Phát.

 
Tôi nghĩ thật đơn giản, với tôi, ba má tôi là ba Thanh má Nụ. Vậy thôi. Tôi không thích gọi kèm theo tên họ là ông bán vé số, bà bún ốc, là tỉ phú, hay chính trị gia.

Những câu chuyện về người cha luôn là những câu chuyện sâu kín nhất, giống như đại văn hào Franz Kafka đã viết Thư gửi bố hay tác giả Paul Auster lật tìm những ký ức về người cha sau khi ông qua đời đột ngột trong cuốn hồi ký nổi tiếng Khởi sinh của cô độc, hay như Juliano Ribeiro Salgado kể về cuộc đời của cha mình, nhiếp ảnh gia Sebastião Salgado trong bộ phim tài liệu năm 2014, Muối của đất.

Có điều gì khác biệt ở hình ảnh người cha trong những câu chuyện này? Có lẽ nó nằm ở chỗ, trong mắt những đứa con, người cha chỉ là người cha, không thêu dệt, không ánh hào quang. Vậy thì hãy quên ông chủ Tân Hiệp Phát và con gái của ông chủ Tân Hiệp Phát đi, hãy chỉ còn nhớ hai nhân vật đó là người Cha Cô con gái.

Người cha ấy cũng đã từng là một cậu bé, cha mẹ chia ly, lớn lên như cỏ cây hoang dại, không được ai dẫn lối chỉ đường, một ngày nọ đang đi học nghe tin mẹ mất, cậu tự hỏi: “Tại sao lại phải chết, khi cuối tuần rồi mẹ còn đưa con đi chơi xa…?” . Và người cha ấy cũng có một người cha, vì để bảo vệ con mà ông gửi cậu vào cô nhi viện, để rồi vừa chạy xe về Sài Gòn vừa bật khóc, bao nỗi cay đắng tủi nhục dâng lên, nhận ra của cải có làm ra bao nhiêu trong lúc này cũng là vô nghĩa.
 


Tác giả Trần Uyên Phương và cuốn Chuyện nhà Dr. Thanh.

Đọc Chuyện nhà Dr. Thanh, người ta cứ có cảm giác câu chuyện gia đình của họ không có gì xa lạ, đó là câu chuyện gia đình mà chúng ta gặp hàng ngày, hoặc là câu chuyện gia đình của chính chúng ta, đó là một người cha nghiêm khắc, một người mẹ với lòng bao dung sâu xa, đó là khó khăn trùng điệp khó khăn, đó là nỗi đau mất mát, đó là những hiểu lầm, những sóng gió, nhưng sau tất cả, là tình yêu còn lại.

Dù giàu có, người ta cũng có một người cha. Dù nghèo khó, người ta cũng có một người cha. Bất cứ ai cũng có một người cha. Ở ngoài kia, người cha ấy có thể là chủ tịch một tập đoàn, cũng có thể là vị tổng thống có quyền hô mưa gọi gió, cũng có thể là một nông dân tay chân luôn lấm bùn đất, cũng có thể người cha ấy chỉ là một người làm công ăn lương bình thường trong xã hội, nhưng đó không phải thứ định nghĩa người cha, và nói như cô con gái của George Bush: Hãy luôn nhớ cha mình thực sự là ai.

Đọc xong Chuyện nhà Dr. Thanh, những câu nói tưởng như rất đơn giản: “Hôm nay phải hơn hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”, “Không gì là không thể”, “Hãy thu lấy kinh nghiệm trước, tiền tài rồi sẽ đến sau” nhưng theo suy nghĩ của tôi, nó là những định hướng về bước đi để mỗi con người vươn lên, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống,  hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Cảm ơn tác giả, tôi đọc cuốn sách chị viết về cha đúng Ngày của Cha (Chủ nhật thứ ba của tháng 6), qua chuyện về gia đình chị, tôi hiểu hơn về hạnh phúc gia đình, về người cha trong cuộc sống, về ý chí và sự khát khao. Một lần nữa xin cảm ơn chị Trần Uyên Phương. Chúc gia đình chị luôn hạnh phúc. Chúc Tân Hiệp Phát của gia đình chị Hào hiệp và Phát tài.

Link bài: Cha tôi,…là cha tôi

 
 
 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *