Trần Quí Thanh
—–
Kính gửi bác Dr Thanh,
Chúng cháu lại viết thư hỏi bác đây ạ.
Chúng cháu vừa đọc báo, một chuyên gia về quản trị đã viết: “Doanh nghiệp nào sớm tìm ra và thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp trước đối thủ sẽ chiếm giữ vị thế tiên phong và có cơ hội dẫn dắt thị trường.” Xin bác cho biết đây có phải đáp số chung cho mọi thương hiệu thành công không ạ?
Kính chúc bác vạn an
Lâm & Linh (Hà Nội): linhtranhangdao89@gmail.com
—–
Lâm & Linh mến!
Bác trả lời với hai cháu ngay, thay đổi là mẫu số chung cho mọi thương hiệu thành công, bởi vì “chỉ có một điều duy nhất không thay đổi, đó là sự thay đổi”.
Cuộc sống thay đổi từng ngày, con người cũng thay đổi hành vi mua sắm liên tục, có thể do tác động của ngoại cảnh, có thể do sở thích cá nhân, có thể do xu hướng cộng đồng.
Ví dụ, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tất nhiên có những quy định về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách. Vậy thì các nhà hàng, khách sạn, siêu thị phải có sự thay đổi phù hợp với quy định mùa dịch. Ai nhanh chóng thay đổi và đưa ra các cách thức phù hợp, thuận lợi cho khách hàng, thì người đó sẽ thắng.
Cũng phòng dịch, nhưng cách thức phức tạp, không hiệu quả, thì khách hàng sẽ không dám đến siêu thị hay cửa hàng của cháu.
Tại Việt Nam trong đợt bùng phát dịch lần một, nhiều cơ sở kinh doanh thay đổi cách bán hàng, họ khai thác tối đa công nghệ để bán hàng online. Đây là một sự thay đổi tích cực và đáng ghi nhận nhất. Tuy nhiên phải thấy rằng, cũng là sự thay đổi, nhưng doanh ghiệp nào xây dựng quy trình bán hàng nhanh chóng, dịch vụ tốt hơn thì đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn.
Ví dụ đơn giản thôi, đó là “nhanh”. Cũng vào internet mua hàng với chất lượng và giá cả tương đương, nhưng có nơi chỉ sau 30 phút khách hàng nhận được sản phẩm, còn nơi khác chậm hơn. Vậy thì ai nhanh hơn sẽ thắng.
Nói rộng ra thêm lĩnh vực hàng không. Trước đây, hành khách phải xếp hàng rồng rắn để check in, rất mất thì giờ, thậm chí ảnh hưởng đến lịch bay của chuyến bay. Thế là các hãng hàng không phải thay đổi, họ đầu tư các máy check in tự động cho hàng khách không mang hành lý. Hành khách lại được quyền tự chọn vị trí ghế ngồi, nhanh chóng và hiệu quả.
Thêm một ví dụ khác, đó là thực phẩm sạch. Khi con người quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm, thì doanh nghiệp bán hàng phải thay đổi các thiết bị, công cụ, kệ bán hàng hợp vệ sinh, tủ trữ đông lạnh đảm bảo giữ được chất lượng thực phẩm. Sự hợp vệ sinh đó phải thuyết phục khách hàng từ hình thức, kệ – tủ đều phải sạch sẽ, bóng loáng.
Còn nhiều sự thay đổi hàng ngày trong cách thức kinh doanh, cung cấp dịch vụ, nếu các cháu chịu quan sát sẽ thấy được rất nhiều, từ đó rút ra bài học cho mình.
Chúc các cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)