Chi phí tuân thủ pháp luật quá “đắt” với doanh nghiệp!

Quốc Hùng/ Báo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Chi phí không chính thức có thể phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh và trong tất cả quá trình thực thi quy định pháp luật, tạo thành gánh nặng rất lớn với doanh nghiệp, dẫn đến kém cạnh tranh, thậm chí mất cơ hội kinh doanh.
Quang cảnh hội nghị Về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Ảnh: Quốc Hùng

Mất cơ hội kinh doanh

Đối thoại với lãnh đạo TPHCM gần đây, các doanh nghiệp bất động sản kêu thủ tục hành chính đang là nỗi khổ với họ, làm lỡ cơ hội kinh doanh.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho rằng thủ tục thực hiện một dự án phải qua năm bước, tiêu tốn mất 4-5 năm, đã làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Còn ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland, đồng tình rằng quy trình rà soát chậm làm mất cơ hội kinh doanh dẫn đến hoạt động kém hiệu quả.

Không riêng bất động sản mà ở các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khác doanh nghiệp cũng gặp các vướng mắc tương tự. Tại hội nghị về các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức ở TPHCM tuần trước, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã chỉ ra năm loại chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả trong quá trình hoạt động, bao gồm: thủ tục hành chính; đầu tư; phí và lệ phí; cơ hội và chi phí không chính thức. Trong đó, theo ông Hiếu, chi phí cơ hội kinh doanh và chi phí không chính thức rất khó tính toán nhưng diễn ra khá phổ biến.

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô được ông Hiếu nêu ra để dẫn chứng cho những phát sinh các chi phí không cần thiết. Theo dự thảo mới nhất, taxi sẽ phải có phù hiệu “xe taxi” và dán cố định phía bên phải mặt kính trước xe, niêm yết đầy đủ thông tin trên xe theo quy định, có hộp đèn chữ “taxi” gắn cố định trên nóc xe…

Trường hợp ô tô sử dụng hợp đồng điện tử thì phải có hộp đèn điện tử tối thiểu 12×30 cen ti mét… “Chỉ các con chữ này nhưng doanh nghiệp sẽ phải trả phí khá lớn để xin cấp phù hiệu, đợi được cấp phù hiệu, dán phù hiệu, hay phí làm bảng điện tử”, ông Hiếu nói.

Luật pháp quá “đắt”

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economia Việt Nam, cho rằng chi phí tuân thủ pháp luật của không ít lĩnh vực hiện nay thực sự là “gánh nặng” đối với không chỉ doanh nghiệp mà cả nền kinh tế. Ông Bình dẫn báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), theo đó, kinh tế Việt Nam chỉ được chấm 3,1/7 điểm, xếp thứ 96/140 nền kinh tế về chỉ số gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật. Đây là điểm số và thứ hạng thấp nhất trong khu vực ASEAN.

Đồng tình vấn đề trên, ông Phan Đức Hiếu nói hiện nhiều doanh nghiệp làm gì cũng nghĩ đến việc phải kẹp “bì thư” cho công chức. “Đã bao giờ chúng ta nghĩ đến chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra khi tuân thủ một từ, một câu trong quy định mà chúng ta viết ra không?”, ông Hiếu đặt vấn đề đối với công tác soạn thảo văn bản pháp luật hiện hành.

Theo số liệu báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cung cấp, có đến 66% trong tổng số khoảng 10.000 doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ quan ngại về các khoản phí không chính thức và tới 54% doanh nghiệp thừa nhận phải trả loại phí này. Theo các chuyên gia, chính việc nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến không ít doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh, thậm chí là giải thể.

Không dễ cắt giảm!

Theo Nghị quyết 02/2019/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm để nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (gọi tắt là B1).

Để cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật, ông Phan Đức Hiếu cho rằng phía cơ quan nhà nước, khi soạn thảo quy định pháp luật, cần luôn tư duy rằng luật pháp rất “đắt đỏ”, một chữ viết ra có thể gây tốn kém hàng tỉ đồng cho doanh nghiệp. Chính vì thế, có hai câu hỏi cốt yếu cần được đặt ra và trả lời: “Liệu có cách thức nào rẻ hơn mà vẫn đạt mục tiêu quản lý không?” và “Liệu có cách thực hiện nào nhanh hơn mà đỡ tốn kém hơn không?”.

Đồng thời, các cơ quan thực thi ở các bộ và ở địa phương cần tổ chức thực thi pháp luật một cách hiệu quả như rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, đúng hẹn; ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu… Ông đề xuất chính quyền địa phương cần ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; công khai minh bạch thông tin trên trang web cơ quan chính quyền; thường xuyên đối thoại, nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương cần tích cực, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực tiễn nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho các doanh nghiệp, chủ động phản ánh các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp mới về bộ. Đồng thời, các địa phương phải gửi báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp theo biểu mẫu đã ban hành trước ngày 10 của tháng cuối mỗi quí và trước ngày 10-12-2019 để bộ kịp thời tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Tuy nhiên, đại diện các Sở Tư pháp của các địa phương tỏ vẻ lo lắng và e rằng khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Theo đại diện Sở Tư pháp Cà Mau, đây là nhiệm vụ quá lớn, nên đề nghị Bộ Tư pháp phổ biến rộng hơn cho các sở ngành tại địa phương như HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện thì may ra mới khả thi. Theo người này, ngành tư pháp ngày càng nhiều việc, biên chế lại giảm nên khả năng đáp ứng theo yêu cầu của bộ là rất khó.

Đồng tình ý kiến này, đại diện Sở Tư pháp Lâm Đồng, cho rằng “tiếng nói” của Sở Tư pháp với các sở ngành lâu nay rất yếu thì khó có thể tham mưu việc “đại sự” này cho UBND tỉnh. 

NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Chi phí tuân thủ pháp luật…
(https://www.thesaigontimes.vn/288019/chi-phi-tuan-thu-phap-luat-qua-dat-voi-doanh-nghiep.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *