Chiến lược tiêm Vắc-xin Covid-19 hiệu quả nhất

Tuấn Anh/ Báo Vietnamnet
 

Các chính phủ, đội ngũ chuyên gia y tế và giới nghiên cứu đang nỗ lực tìm ra những chiến lược triển khai chủng ngừa Covid-19 hiệu quả nhất nhằm nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng trong bối cảnh đại dịch tiếp tục càn quét thế giới và nguồn cung vắc xin hạn chế.

Theo tạp chí Nature, thế giới cần khoảng 11 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19 để tạo miễn dịch cho 70% dân số thế giới, trong trường hợp mỗi người phải tiêm đủ hai liều. Tuy nhiên, thống kê mới nhất của hãng thông tấn Bloomberg cho thấy, tính đến ngày 2/6, mới có tổng cộng hơn 1,94 tỷ liều được tiêm ở khắp 176 quốc gia, tương đương gần 12,7% dân số toàn cầu được chủng ngừa đầy đủ.

Tình hình chủng ngừa Covid-19 trên toàn thế giới xét theo tỷ lệ tiêm phòng cho toàn dân (%). Đồ họa: Bloomberg

Ngoài ra, tình trạng bất công bằng trong phân phối vắc xin, với các nước giàu, vốn chỉ chiếm 19% dân số thế giới đã thâu tóm hơn 50% nguồn cung cả năm trong khi các nước thu nhập thấp và trung bình, chiếm hơn 80% dân số thế giới chỉ có thể tiếp cận không đầy 1/3 số vắc xin xuất xưởng, càng làm vấn đề thêm trầm trọng.

Một câu hỏi hóc búa đặt ra hiện nay là bằng cách nào nhân loại có thể vượt qua đại dịch sớm nhất khi ước tính tổng số vắc xin được sản xuất và phân phối trong năm 2021 của thế giới chỉ khoảng 6 tỷ liều, mới đáp ứng hơn 55% nhu cầu dự báo nói trên?

Những nước tiêm được số liều vắc xin Covid-19 cao nhất thế giới tính đến ngày 2/6. Nguồn: Bloomberg

Phân loại các nhóm đối tượng ưu tiên tiêm chủng

Để tối ưu hóa chiến dịch chủng ngừa virus SARS-CoV-2 đại trà trong điều kiện khó khăn hiện nay, đa số các chính phủ đã quyết định ưu tiên tiêm vắc xin trước cho những nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm virus cao như đội ngũ nhân viên y tế ở tuyến đầu, các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ chống dịch, người trên 65 tuổi, người mắc các bệnh mạn tính hay những lao động trong nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu.

Ngoài cách làm trên, các chính phủ và giới khoa học cũng đang thử áp dụng những giải pháp khác nhằm đạt được chiến lược tiêm chủng hiệu quả nhất có thể trong lúc chờ đợi các nhà sản xuất vắc xin tăng sản lượng và nguồn cung dồi dào hơn.

Thử nghiệm tiêm trộn các vắc xin

Một số nước gần đây đã tính đến việc phải tiêm trộn các vắc xin khác nhau để giải quyết tình trạng nguồn cung khan hiếm và chậm trễ. Ý tưởng không phải là mới vì suốt nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học đã thử nghiệm phương pháp này nhằm ứng phó với các virus Ebola và HIV.

Tại Anh, các nhà khoa học đã quyết định mở rộng nghiên cứu trong việc sử dụng kết hợp các loại vắc xin phòng Covid-19 để đánh giá việc pha trộn chúng có an toàn và giúp kéo dài thời gian miễn dịch ở người được tiêm chủng hay không. Tháng 2/2021, Đại học Oxford đã bắt đầu xúc tiến nghiên cứu mang tên Com-Cov, theo đó các tình nguyện viên sẽ được tiêm phòng mũi thứ nhất và thứ hai bằng 2 loại vắc xin AstraZeneca và Pfizer/BioNTech.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ đăng tải trên tạp chí y khoa Lancet hồi giữa tháng 5 hé lộ, việc tiêm trộn hai vắc xin nói trên sẽ làm tăng tác dụng phụ mà người chủng ngừa gặp phải như mệt mỏi và đau đầu trong thời gian ngắn và ở dạng nhẹ.

Ảnh: Healthmag

“Đó là một phát hiện mà chúng tôi không hề dự đoán được. Chúng tôi vẫn chưa biết liệu phương pháp này có liên quan đến phản ứng miễn dịch được cải thiện hay không. Chúng tôi sẽ tìm ra kết quả đó sau vài tuần nữa”, giáo sư Matthew Snape, người dẫn đầu nghiên cứu cho biết hôm 14/5. Ông Snape và các cộng sự mới đây cũng đưa thêm các vắc xin của Moderna và Novavax vào chương trình thử nghiệm.

Nhóm tác giả kỳ vọng, nếu nghiên cứu của họ có thể chứng minh rằng việc tiêm chủng hỗn hợp tạo ra phản ứng miễn dịch tốt như việc tiêm chủng tiêu chuẩn và không làm tăng đáng kể các phản ứng đối với vắc xin, sẽ có nhiều người hoàn thành kế hoạch chủng ngừa sớm hơn. Điều này cũng sẽ hỗ trợ hệ thống y tế ứng phó trong trường hợp thiếu hụt bất kỳ loại vắc xin đang được sử dụng nào.

Tương tự, Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines (DOST) ngày 24/5 cũng thông báo sẽ khởi động nghiên cứu về việc tiêm trộn vắc xin Sinovac của Trung Quốc với các vắc xin sẵn có khác tại nước này như AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Sputnik từ tháng 6 năm nay cho tới tháng 11/2022. Bộ trưởng DOST Fortunato Dela Pena giải thích, Sinovac là mục tiêu chính của nghiên cứu vì đây là nguồn cung ổn định nhất tại Philippines, chiếm tới 5,5 triệu liều trong tổng số khoảng 8,3 triệu liều nước này đã nhận được cho đến hiện tại.

Manila đang hướng đến mục tiêu sẽ hoàn thành tiêm chủng cho hơn một nửa trong tổng số 110 triệu dân vào năm nay. Song, theo trang Nikkei Asia, chiến dịch chủng ngừa toàn quốc đang đối mặt nhiều thách thức khi người dân chỉ tập trung tiêm các loại vắc xin “có thương hiệu” như Pfizer, buộc nhiều chính quyền địa phương phải giữ kín tên loại vắc xin được sử dụng trong các đợt tiêm chủng.

Giãn cách xa hơn giữa các mũi tiêm

Theo đúng phác đồ và khuyến nghị của các nhà sản xuất vắc xin ngừa Covid-19, sau khi tiêm liều thứ nhất cho bệnh nhân, sau 3 – 4 tuần các cơ sở y tế mới tiêm liều thứ hai (khoảng cách 21 ngày đối với vắc xin của Pfizer và 28 ngày đối với vắc xin của AstraZeneca). Tuy nhiên, chính phủ Anh đã quyết định kéo giãn khoảng cách giữa hai mũi tiêm lên đến 12 tuần để có đủ vắc xin tiêm chủng cho nhiều người hơn.

Quyết định này từng gây rất nhiều tranh cãi. Song, các cố vấn y tế Anh giải thích, do hầu hết vắc xin được chứng minh đạt công hiệu hơn 50% sau mũi tiêm thứ nhất nên cách làm như vậy sẽ giúp tăng miễn dịch cho nhiều người hơn trước mầm bệnh nguy hiểm và giúp tăng tốc chiến dịch chủng ngừa toàn quốc.

Số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 đang giảm mạnh ở Anh. Đồ họa: Reuters

Hiện vẫn chưa có nghiên cứu chính thức về hiệu quả của sáng kiến nói trên. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là, xứ sở sương mù đang giảm mạnh số ca mắc và tử vong vì Covid-19, cho phép nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch từ ngày 12/4 và hướng tới mục tiêu đưa đất nước thoát khỏi cảnh phong tỏa vào mùa hè này.

Tiêm vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên

Ủy viên phụ trách y tế của Liên minh châu Âu (EU) Stella Kyriakides hôm 31/5 thông báo, Ủy ban châu Âu đã cấp phép sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, tạo điều kiện cho các nước thành viên của khối có thể lựa chọn mở rộng chương trình tiêm chủng.

Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản cũng công bố quyết định tương tự.

Động thái diễn không lâu sau khi Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 10/5 phê duyệt dùng vắc xin Pfizer/BioNTech cho trẻ trong độ tuổi 12 – 15. Trước đó, chế phẩm chỉ được FDA cho phép sử dụng khẩn cấp đối với người từ 16 tuổi trở lên. Tổng thống Joe Biden gọi bước đi mới của FDA là diễn biến đầy hứa hẹn trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Trước Mỹ, Canada hôm 5/5 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đồng ý mở rộng đối tượng có thể tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech tới trẻ từ 12 tuổi trở lên, với lí do các lợi ích mang lại nhiều hơn rủi ro.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề nghị các nước phát triển tạm ngưng triển khai chủng ngừa cho trẻ vị thành niên để chia sẻ nguồn vắc xin dư thừa cho các nước nghèo hơn đang khan hiếm nguồn cung tiêm phòng cho những nhóm đối tượng nguy cơ cao, lớn tuổi hơn.

“Đại dịch đã chứng tỏ rằng, không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Việc tiếp cận công bằng với vắc xin ngừa Covid-19 nằm trong tầm tay của chúng ta. Chúng ta thực hiện càng sớm thì cuộc sống của chúng ta và con cháu càng nhanh trở lại bình thường”, Bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF tin nhấn mạnh.

NGUỒN:  Theo Báo Vietnamnet
Link bài:  Chiến lược…
https://premium.vietnamnet.vn/chien-luoc-tiem-vac-xin-covid19-hieu-qua-nhat-n-474786.html
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *