“Chủ nghĩa dân túy” không có chỗ trong thị trường hàng hóa

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Theo Vietnamexport.com

—–

“Hàng Việt Nam chất lượng cao”, “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” là những slogan được tuyên truyền nhiều năm nay, và trên thực tế đã có sự cải thiện đáng kể trong hành vi tiêu dùng của người Việt.

Tuy nhiên, sự cải thiện nhờ vào tác động của slogan không đáng kể, mà chủ yếu vẫn là từ cải thiện chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trong nước.

Tui không phủ nhận vai trò của truyền thông trong việc cổ xúy cho tiêu dùng hàng trong nước, nhưng tui xin khẳng định, điều đó chỉ có tác dụng khi chất lượng hàng hóa, sản phẩm đạt tiêu chuẩn ngang bằng với hàng nhập khẩu, và tất nhiên giá thành cũng phải tương đương.

Công dân Việt Nam có nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước, nhưng không có nghĩa vụ phải nuôi sống doanh nghiệp trong nước bằng cách sử dụng hàng hóa trong nước. Nếu như người tiêu dùng có tác động từ tuyên truyền, chọn mua một sản phẩm sản xuất trong nước, nhưng chất lượng kém, mau hư hỏng, thì sẽ không có lần thứ hai. Ngược lại, nếu họ sử dụng hàng hóa, sản phẩm “made in Vietnam” thấy tốt, đẹp, giá cả phù hợp, thì cùng với tác động của tuyên truyền, họ sẽ lựa chọn lần sau.

“Chủ nghĩa dân túy” không có chỗ trong việc tiêu thụ, sử dụng hàng hóa. Ở đây là động đến túi tiền. Ai cũng phải tính toán trong chi tiêu để lo cho cuộc sống của mình trước khi nói đến các giá trị mơ hồ và xa vời khác. Những cuộc kêu gọi giải cứu hàng nông sản chỉ là thể hiện sự đùm bọc nhau, tương thân tương ái của người Việt. Nền “kinh tế từ thiện” không can thiệp được quy luật kinh tế thị trường.

Mọi người có quyền lựa chọn hàng hóa phù hợp với nhu cầu và đảm bảo lợi ích của họ, vậy thì hàng hóa có chất lượng cao và giá thành cạnh tranh mới là sự lựa chọn, không cần biết hàng hóa đó xuất phát từ đâu. Chính vì quy luật thị trường này mới sinh ra sự giao thương hàng hóa quốc tế, vấn đề là người Việt Nam có đủ sức để mang sản phẩm của mình đến chinh phục thị trường nước khác như họ đã làm với mình hay không mà thôi.

Các chuyên gia kinh tế, quản lý và cộng đồng doanh nghiệp đều có nhận định chung rằng, đầu tư thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa là chìa khóa để mở chính cánh cửa nhà mình, đó là thị trường trong nước.

Từ đó, khai thác các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, đầu tư thêm “hàm lượng chất xám” để xuất khẩu.

Các cam kết về mở cửa thị trường trong Hiệp định TPP vẫn được giữ nguyên trong Hiệp định CPTPP. Cho nên, cơ hội và thách thức từ CPTPP phụ thuộc rất lớn vào năng lực nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức của chính Việt Nam.

Thách thức của Việt Nam là sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao để bảo vệ được thị trường trong nước và có khả năng xâm nhập thị trường thế giới.

 

Sài Gòn ngày 01/05/2019

TQT

Bài đọc thêm, Link: Sau một thập kỷ “vận động”, hàng Việt vẫn còn trăm mối lo

(https://baomoi.com/sau-mot-thap-ky-van-dong-hang-viet-van-con-tram-moi-lo/c/30483713.epi)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *