Chúng ta quá lạm dụng hai chữ nhân tài

Trần Quí Thanh

Kiến tạo nguồn nhân lực tài năng ở Việt Nam vẫn là một bài toán khó giải. Ảnh minh họa (Theo The Leader)

 

—–

Hà Nội vừa tổ chức lễ tôn vinh các thủ khoa đại học, cũng như các năm trước, tôn vinh xong rồi đâu vào đấy, những hứa hẹn công việc cũng biến mất sau khi kéo màn sự kiện. Tất cả chỉ là hình thức.

Mà cái gì không thực chất thì nó chỉ là hình thức cũng chẳng có gì lạ.

Những sinh viên tốt nghiệp thủ khoa ở các trường đại học được tôn vinh nên nghĩ mình là nhân tài, nên khi không được trao cho một công việc như cam kết, họ nghĩ rằng nhân tài không được trọng dụng.

Nhưng thực ra, thủ khoa đại học chưa phải là nhân tài, mà chỉ là người học giỏi. Rất nhiều người học giỏi trong trường, nhưng khi ra làm việc lại rất kém, lu mờ hơn những người học bình thường khác. Học là một chuyện, hành là một chuyện. Kể cả những người thành thục một chuyên môn nào đó, phục vụ tốt cho một công việc, thì đó là thợ lành nghề, không phải là nhân tài.

Chúng ta thường thấy đó là các chương trình trải thảm đỏ đón nhân tài của các địa phương, chủ yếu là hình thức, thiếu thực chất. Người ta đưa ra các chính sách thu hút tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư, phó giáo sư về địa phương, và những người này được cho là nhân tài.

Giáo sư, tiến sĩ là người có bằng cấp, học vị, học hàm cao, không phải là nhân tài, có thể thôi. Chưa kể nhiều người chỉ là hư danh, thiếu thực chất. Tui từng làm việc với không ít giáo sư, tiến sĩ, và tui rất ngạc nhiên trí năng và kiến thức của họ thua cả người bình thường. Vì vậy, không thể lấy “nhãn mác” khoa học để công nhận thực chất khoa học trong thời buổi này.

Rồi nhiều địa phương có chương trình chi tiền ngân sách cho con em của cán bộ hay cán bộ đi học nước ngoài và cho đó là đào tạo nhân tài. Những người này đi học để có bằng cấp của các nước, có trình độ  chuyên môn đẳng cấp quốc tế, còn nhân tài hay không hãy chờ đợi sự thể hiện của họ.

Con người ta chỉ là nhân tài khi được bảo chứng bằng những sản phẩm mà họ tạo ra.

Như GS Vũ Hà Văn, được giới toán học của thế giới thừa nhận, có các sản phẩm khoa học do ông tạo ra, được tỉ phú Phạm Nhật Vượng mời làm Giám đốc khoa học của Viện Big Data, ông ta thực sự là nhân tài. Cùng với Vù Hà Văn là Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu, đó là những nhân tài khoa học.

Những người làm giàu chân chính bằng trí tuệ, sức lực cá nhân, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, đó là nhân tài trong kinh doanh.

Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, những nghệ sĩ có tác phẩm lớn có tầm ảnh hưởng trong nước và quốc tế, họ là nhân tài thực sự.

Còn người tài có sức tập hợp lực lượng, kinh bang tế thế thì lại càng hiếm.

Còn lại, đa số chỉ là người bình thường, có học vấn, có trình độ chuyên môn, tay nghề để làm việc. Người giỏi thì làm tốt hay xuất sắc công việc của mình. Thế thôi.

Chúng ta lạm dụng hai chữ nhân tài nhiều quá.

Trần Quí Thanh

Bài đọc thêm, Link: Chúng ta thiếu loại người tài nào?

(https://theleader.vn/chung-ta-thieu-loai-nguoi-tai-nao-1539357070928.htm)

Rate this post

Bài viết liên quan

One Comment

  • Thật chín xác thủ khoa chưa phải là nhân tài … Khi làm việc mới biết được có phải nhân tài hay không . có khi kinh nghiệm sương gió lại hơn cả trình độ cao . Thực lực có khi là do mình tích lũy và học hỏi cả đời .
    Có trình độ mà không có may mắn ( thiên thời , địa lợi , nhân hòa ) cũng không trở thành nhân tài được. Đúng không chú THANH ạ .

    Reply

Leave a Reply to Nhân tâm Cancel reply

Required fields are marked *