Chúng ta thực sự có đô thị thông minh hay không, và khi nào thì có nó?

Trần Quí Thanh

Nguồn hình:  Báo DNSG

Chào anh Trần Quí Thanh!

Tôi rất phấn khởi khi được anh hồi đáp rất nhanh. Do vậy tôi hăng hái gửi tới anh thêm một đề tài nữa, đó là đô thị thông minh. Đô thị thông minh là một xu thế tất yếu, ở Viên Chăn người ta cũng bàn luận sôi nổi lắm. Theo anh nước ta cần xây dựng đô thị thông minh thế nào là hay nhất? Để có đô thị thông minh như ý, Việt Nam cần chuẩn bị những gì?

Rất mong anh hồi đáp.

Chúc anh vạn an, vui khoẻ

Hồ Hữu Ánh (Viêng Chăn): lilanglao_2011@gmail.com

—–

Anh Hồ Hữu Ánh mến!

Đô thị thông minh là đề tài được bàn tới rất nhiều, nhiều địa phương đã mạnh dạn lên tiếng tuyên bố xây dựng đô thị  thông minh như TPHCM, Đà Nẵng. Người dân tất nhiên ai cũng mong muốn được là công dân của đô thị thông minh, được sống trong môi trường thông minh, nhưng vấn đề là chúng ta thực sự có đô thị thông minh hay không, và khi nào thì xây dựng được sản phẩm này.

Một đô thị thông minh bao gồm các nội dung: có năng lực về kinh tế, ứng dụng công nghệ trong các dịch vụ công, có nguồn tài nguyên về con người, có môi trường sống thân thiện, chất lượng sống của người dân cao và cuối cùng là phải có chính quyền điện tử.

Căn theo định nghĩa trên, sẽ thấy để thông minh không dễ dàng chút nào.

Về năng lực kinh tế, chúng ta có thể thấy rằng, còn nhiều địa phương thu ngân sách chưa đủ bù chi tiêu, phải cậy nhờ vào ngân sách trung ương cấp. Cho nên, tiêu chí này rõ ràng nhiều địa phương chưa đạt.

Về ứng dụng công nghệ trong các dịch vụ công và chính quyền điện tử, tuy có một số địa phương cố gắng xây dựng như Thừa Thiên – Huế, Phú Yên, Đồng Tháp, nhưng mới chỉ hình thành được một vài khâu trong quản lý, chưa hoàn chỉnh được một hệ thống chính quyền điện tử đúng nghĩa. Đa số còn quản lý và điều hành thủ công. Cán bộ nói về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ 4.0 nhưng lấy sổ ra ghi chép như cách làm việc của những thế kỷ trước. Đau hơn nữa là ai cũng được trang bị máy tính bàn, laptop, ipad, điện thoại thông minh.

Người dân phải chạy đến công sở để làm giấy tờ, quan hệ nhà nước – công dân vẫn giao dịch chủ yếu bằng thủ công, không gian hành chính vẫn là cơ quan, công sở, không phải không gian mạng.

Về tài nguyên con người, phải hiểu là chất lượng dân trí, là con người “thông minh”, đáp ứng được những đòi hỏi xây dựng thành phố thông minh. Ví dụ khi địa phương xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp các dịch vụ công bằng công nghệ, thì người dân phải có trình độ tương thích với các dịch vụ đó. Và tất nhiên, phải có lực lượng cán bộ, công chức thông minh mới vận hành được chính quyền thông minh, sử dụng được công nghệ áp dụng trong điều hành hành chính công.

Có thể nói, cả cán bộ công chức, công dân trong địa phương là nguồn nhân lực thông minh mới xây dựng được đô thị thông minh, và đây là yếu tố căn bản nhất.

Đô thị thông minh dứt khoát phải đi kèm theo sự phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ, cho nên đòi hỏi lực lượng lao động kỹ thuật cao, nguồn tài nguyên con người cung cấp cho địa phương đó đương nhiên phải chất lượng cao.

Môi trường sống thân thiện và chất lượng sống của người dân cao mới là mục đích của đô thị thông minh, và chính hai tiêu chí này chứng minh đô thị đó có thông minh hay không. Tình trạnh kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, ma tuý, trộm cắp, cướp dẫn vẫn còn tồn tại, vẫn là nỗi ám ảnh của người dân thì mọi tuyên bố khác đều vô nghĩa.

Anh cứ soi chiếu những điều tui vừa trao đổi trên sẽ thấy chúng ta còn quá nhiều việc để làm mới có được sản phẩm đô thị thông minh.

Cám ơn anh đã tương tác, có gì cứ gửi thư cho tui nghe.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *