Lợi thế của mô hình doanh nghiệp gia đình chính là sự gắn bó tình cảm tin cậy, sự vượt trội về doanh số, lợi nhuận và các chỉ số tăng trưởng khác.
Doanh nghiệp gia đình đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Lợi thế của mô hình này so với các loại hình doanh nghiệp khác là sự gắn bó tình cảm tin cậy, sự vượt trội về doanh số, lợi nhuận, các chỉ số tăng trưởng khác.
Thống kê cho thấy 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp khoảng 1/4 GDP của cả nước. Tuy nhiên, về việc cân bằng mối quan hệ này với các nguyên tắc quản trị công ty chuyên nghiệp cũng đang là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp gia đình hiện nay.
Nguyên tắc cần được thiết lập ngay từ đầu
Kinh tế tư nhân đang có sự chuyển biến về quy mô; chất lượng nguồn nhân lực; kinh nghiệm quản lý và quản trị nhân sự… để bắt kịp với xu hướng phát triển.
Với đặc thù kết cấu doanh nghiệp, các doanh nghiệp gia đình cũng đã có nhiều thay đổi nhanh chóng tích cực với lợi thế là tính gắn kết cao, tiết giảm chi phí.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp gia đình phát triển bền vững, thì cần phải có phương án xử lý được mối quan hệ gia đình, họ hàng với những nguyên tắc quản trị công ty minh bạch.
Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam (tại hội thảo Chuyên nghiệp hóa gia đình) các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam thường không có sự tách bạch rõ ràng giữa vấn đề gia đình và vấn đề kinh doanh. Khi nói đến vấn đề kinh doanh, thường đưa vấn đề gia đình vào và ngược lại.
Theo bà Vân, trên thế giới, cũng có doanh nghiệp gặp trường hợp như thế nhưng không nhiều. Họ có bộ quy tắc ứng xử trong gia đình. Điều này sẽ giúp đảm bảo ai tham gia điều hành hay không tham gia điều hành.
Theo bà Vân, quy tắc quản trị điều hành ở doanh nghiệp gia đình Việt Nam vẫn thiếu quy tắc ngay từ ban đầu. Do đó, cần xây dựng cơ cấu tổ chức một cách rõ ràng, minh bạch; từ đó phân định rõ ở nhà và ở công ty.
Là nhà tổ chức nghiên cứu và tư vấn phát triển doanh nghiệp, ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam, cho rằng việc kế nhiệm, duy trì và phát triển doanh nghiệp qua nhiều thế hệ là mong muốn của các doanh nghiệp gia đình.
Dù định hướng cho con cái từ rất sớm thông qua định hướng nghề nghiệp và đào tạo tại các nền giáo dục tiên tiến nhưng phần lớn các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đều gặp khó khăn trong quá trình chuyển giao cho thế hệ thứ 2.
“Thách thức này sẽ ngày một lớn hơn trong bối cảnh Việt Nam hội nhập và cạnh tranh khốc liệt. Vì vậy đòi hỏi phải chuyên nghiệp hóa các doanh nghiệp gia đình ngay từ bây giờ”, ông Hùng nói.
Các thành viên khác “Nhà Dr.Thanh” chia sẻ bí quyết quản trị điều hành tại doanh nghiệp tỷ đô
Vừa qua, tại sự kiện “Ngày hội kết nối giao thương” do tập đoàn Tân Hiệp Phát tổ chức với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp, Ban Lãnh đạo tập đoàn đã thẳng thắn chia sẻ kinh nghiệm quản trị điều hành doanh nghiệp gia đình để đạt được hiệu quả tối ưu.
Bà Trần Uyên Phương – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát nhận định: “Điểm mạnh của doanh nghiệp gia đình ở các yếu tố nhóm chủ sở hữu ổn định và kiểm soát tập trung, sự trung thành của những người liên quan, dịch vụ chăm sóc nhân viên tốt; đầu tư dài hạn, bền bỉ, sự quyết đoán, táo bạo và niềm tự hào, giàu đam mê cống hiến.
Điểm yếu là sự bòn rút về cổ tức, hoặc không đủ vốn tái đầu tư, quá trung thành với các sản phẩm truyền thống, chậm thích nghi với thị trường; thiếu tâm lý về thành tích mà mong muốn sự hài hòa; sự chiếm hữu của người lãnh đạo quá dài; quyết định chậm trước cơ hội, xung đột trong gia đình các vấn đề về thừa kế, quản trị kém.
Tuy nhiên, việc kiểm soát tập trung vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu bởi cái gì cũng cho là bí mật, chỉ giữ trong gia đình, khó thu hút người tài”.
“Tại doanh nghiệp gia đình luôn tồn tại song hành giữa quyền sở hữu và tinh thần làm chủ. Để quản trị tốt, các doanh nghiệp gia đình cần kết hợp giữa chuyên nghiệp hóa với chủ nghĩa gia đình; văn hóa làm việc nhóm, sự trung thành, dũng cảm của nhân viên.
Trong doanh nghiệp gia đình, lỗi lầm thì được tha thứ nhưng vi phạm đạo đức thì không được tha thứ”, bà Trần Uyên Phương chia sẻ.
Theo bà, quyền sở hữu trong doanh nghiệp gia đình cần phải định nghĩa là sở hữu công việc chứ không phải thừa kế. Đó là trách nhiệm của thế hệ tiếp theo, nhiệm vụ làm sao các tài sản của thế hệ thứ nhất chuyển giao cho thế hệ thứ ba có cộng lãi. Chứ không phải kế thừa là xài cho hết số tiền truyền lại. Để doanh nghiệp gia đình phát triển bền vững cần thiết phải gia đình hóa doanh nghiệp, chuyên nghiệp hóa gia đình.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Nụ – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn THP (mẹ của doanh nhân Trần Uyên Phương) chia sẻ, tại THP sếp Thanh (Dr. Thanh) rất khó đối với các nhân viên.
Đặc biệt là đối với các con, ông luôn mong muốn các con không ỷ lại, nỗ lực trưởng thành giỏi giang hơn mỗi ngày.
Bà Nụ khẳng định, làm doanh nghiệp gia đình không thể đội hai mũ, phải rạch ròi giữa vị trí làm vợ, chồng và mối quan hệ sếp, nhân viên. Để có được những vị trí lãnh đạo trong công ty bà Nụ và các con đã phải chứng minh, thuyết phục “sếp Thanh” bằng năng lực chứ không dựa trên mối quan hệ gia đình.
Về quan điểm đào tạo thế hệ thừa kế ÔngTrần Quí Thanh chia sẻ: “Quan điểm của tôi là cần cho con biết giá trị sự đúng, không đúng, giữa thưởng và phạt. Thương con muốn con là tương lai của mình thì phải đào tạo, phát triển và rèn rũa để con trưởng thành, thế hệ sau giỏi hơn thế hệ trước. Qua nhiều giai đoạn để xây dựng lực lượng kế thừa”.
Ái nữ thứ hai của “Nhà Dr. Thanh”, Nữ doanh nhân Trần Ngọc Bích (em gái Trần Uyên Phương) chia sẻ rằng, trong bộ máy làm việc của một công ty, mỗi người sẽ có trách nhiệm quyền hạn đi chung với kết quả đạt được. Nếu người thân nằm trong ban quản trị mà không bàn giao ra kết quả thì cách duy nhất là xử phạt. Ban lãnh đạo công ty phải tạo ra những kết quả thuyết phục thì mới tương xứng với tầm của mình.
“Tôi và chị Phương lúc còn đi học bên Thụy Sĩ, có đến thăm một tập đoàn lớn. Ở doanh nghiệp này, lãnh đạo đang vận hành công ty không phải con ruột, người thân của Chủ tịch công ty”, bà Bích nói.
Giải đáp câu hỏi của một doanh nhân hỏi về quá trình làm việc với người ba cũng là người sếp, thế hệ thứ nhất với thế hệ thứ hai, nữ doanh nhân Trần Ngọc Bích (em gái Trần Uyên Phương) cho biết:
“Bích làm việc với sếp Thanh về góc độ nhân lực, tài chính, Bích biết rõ trong công ty chỉ có một người làm chủ, ra quyết định. Bích thấy không có vấn đề gì về thế hệ thứ nhất, thứ hai. Bích xác định việc mình phải làm gì để tốt cho công ty”.
Theo bà Bích, năm 2009, Tân Hiệp Phát ở mức độ tăng trưởng rất cao, lúc này, mối quan hệ gia đình cũng bị ảnh hưởng. Các thành viên đã ngồi lại, lắng nghe nhau chia sẻ, cùng xây dựng nên bộ giá trị chung. Ở đó, mỗi người đều cam kết giá trị trên tinh thần tự nguyện, thoải mái. Họ thường xuyên soi chiếu việc làm vào những giá trị cam kết”.
“Ngày hội kết nối giao thương” được tổ chức từ cảm hứng đến từ các phản hồi của độc giả về cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh” – tác phẩm của doanh nhân Trần Uyên Phương.
Sự kiện này mang ý nghĩa kết nối, mở rộng tăng cường hợp tác cùng các doanh nghiệp Việt giàu trí tuệ, năng lực cùng nhau phát triển mạnh mẽ vươn tầm thế giới. |
Nguồn: Theo Báo Giáo dục Việt Nam