Chuyện nhà Dr Thanh – Chương 3: Ông Tám Hiệp Phát – Phần 3

Trần Uyên Phương

(Tiếp theo chương 3- phần 2)

Ông nội tôi là người chủ gia đình. Sau khi cưới vợ ông vẫn làm nghề cơ khí và ngày một phất lên với vựa buôn bán vật liệu xây dựng. Bà nội cũng không kém, bà nhảy ra làm thầu khoán xây dựng, đổ cát đá, mua bán đất, san lấp mặt bằng, có trong tay mấy chục chiếc xe ben. Sở hữu mấy chục chiếc xe ben thời đó cũng kể như là làm ăn lớn. Nhưng hạnh phúc hai ông bà không được bền lâu. Thường những người đàn bà quá tự chủ, giỏi giang trong chuyện làm ăn như bà nội tôi lại hay gặp rắc rối trong đời sống gia đình.

Ba tôi ra đời được vài năm thì trong nhà bắt đầu xảy ra cãi cọ lục đục. Nguyên do chính là ông nội tôi không muốn cho vợ mở đồn điền cao su. Ông bảo: “Một mình tôi dư sức lo cho gia đình, bà chỉ cần ở nhà phụ tôi. Mở đồn điền cao su mênh mông như thế làm sao kiểm soát, đêm đêm người ta tràn vô ăn cắp hết mủ cao su bà có giữ nổi không? Khi nào bà dám ra tay làm những chuyện dã man, thản nhiên chôn sống người dước gốc cao su thì hãy mở đồn điền.”

Bà không nghe, vẫn quyết tâm đầu tư mua mấy đồn điền cao su lớn trên miệt biên giới Tây Ninh. Bản tính bà nội tôi vốn mạnh mẽ cứng rắn, không thích sống phụ thuộc như một cái bóng của chồng. Nhiều năm trước đây, bà đã phải lăn thân ra đời làm ăn kiếm sống, mọi thứ tự tay mình quyết định cũng quen rồi, nên những cuộc cãi vã mâu thuẫn về cá tính và quan điểm làm ăn ngày một nổ ra thường xuyên hơn.

Một cuộc sống gia đình chắp vá, lại còn có sự chia rẽ, bất đồng về tình cảm và lợi ích vật chất giữa con chung, con riêng nên rất khó giữ được hạnh phúc. Hai ông bà luôn tìm cách che giấu sự bất hòa, nhưng khi đó ba tôi cũng còn quá nhỏ để nhận ra gia đình đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Một phần vì lo cho tương lai của cậu con trai Trần Quí Thanh tới tuổi đi học, nhưng trong sâu xa cả hai ông bà đều không muốn con phải chứng kiến cảnh gia đình xào xáo, nên đã gởi ba tôi vào trường nội trú, cuối tuần mới đón về nhà chơi.

Suốt thời gian ba tôi vào ở trường nội trú, không khí trong nhà ngày thêm căng thẳng, ngột ngạt. Ông nội và bà nội – hai con người đều mang cá tính mạnh đã không chịu đựng nổi nhau và đi đến thỏa thuận ly thân.

Ông tôi bỏ về khu vực Nơ Trang Long, Bình Thạnh mở xưởng cơ khí làm ăn và sống một mình ở đó. Trước khi chia tay, ông quyết định cái rẹt, ký văn tự cho luôn vợ toàn bộ gia sản, chỉ với một điều kiện: “Bà phải nuôi thằng Thanh tới năm 18 tuổi”.

Gia đình bên nội rầm rầm phản đối. Nhưng ông tôi, với chất lãng tử bất cần của người Nam bộ từ hai bàn tay trắng làm nên cơ nghiệp, đã hành xử theo cách mà nhiều người ngày nay cho là khờ dại. Hơn nữa bản tính ông đã quyết làm gì là không ai lay chuyển được.

Ông dứt khoát nói với cụ nội tôi:

– Hạnh phúc vợ chồng con đã không còn, thì bạc tiền nghĩa lý gì đâu. Mẹ đã từng dạy con ý nghĩa của đời người, bắt con cưới vợ. Giờ đây con chỉ lo thằng Thanh còn nhỏ dại, mà con không thể tự mình chăm sóc cho nó.

Ông ít khi tâm sự với ai và đó là giây phút hiếm hoi ông chùng xuống, ngã vào lòng mẹ. Giống như càng về già ông thường hay nhỏ to tâm sự với con dâu. Không hẳn bởi má tôi luôn tế nhị, dịu dàng biết lắng nghe câu chuyện của cha, mà đó là những khoảng trống vắng cần sự sẻ chia, như tìm một bến đỗ êm đềm trong cuộc đời người đàn ông bất hạnh.

Ngày đó, cụ nội tôi vì thương và hiểu con đã không nói một lời. Cụ cũng không hề trách móc bà nội tôi. Nhưng đến trước khi qua đời cụ vẫn còn day dứt vì duyên phận người con trai yêu quý.

Từ nhỏ ba tôi đã vốn quen phải tự chăm sóc cho mình, vì ông bà nội tối ngày mải lo làm ăn, nên việc hai ông bà ở hai nơi đối với ba tôi như không có gì chuyện gì xảy ra. Ba tôi còn khoái chí khi hai ông bà tỏ ra cưng chiều con trai hơn trước và bắt đầu nảy ra trò moi tiền cha mẹ. Mỗi cuối tuần được ông hay bà đánh xe đến trường đón về ngủ chung, ba tôi lại giả vờ nhõng nhẽo “Không… Con muốn về nhà bên kia… Cho con trăm đồng con mới ngủ lại đây”.

Hai ông bà đều đoán ra ngay mánh vòi tiền của thằng con, nhưng chỉ biết cười. Bởi những cặp vợ chồng không hạnh phúc thường phải sống trong mặc cảm lầm lỗi với con cái và họ luôn dành hết tình thương cho con. Vậy là hân hạnh được ngủ chung với thằng con láu cá, ông bà phải dấm dúi cho tiền, để bữa sau thằng nhỏ đến trường làm vẻ mặt anh hai khệnh khạng, bao luôn cả đám bạn.

Ngày đó, ba tôi được gởi vào Taberd Sài Gòn, một ngôi trường nói tiếng Pháp danh giá bậc nhất lúc bấy giờ, dành cho con cái nhà giàu.

Khuôn viên trường cũ giờ đây nằm trên góc đường Nguyễn Du, chỗ bưu điện thành phố ngó qua. Ba tôi không còn nhiều ấn tượng về những năm Taberd Sài Gòn vì lúc đó quá nhỏ, nhưng ba tôi vẫn nhớ đây là môi trường giáo dục rất nghiêm khắc, nề nếp, học sinh lớ quớ là bị giám thị và thầy cô giáo trừng phạt thẳng tay. Nhà trường không chỉ chủ trương truyền thụ kiến thức theo quan điểm giáo dục phương Tây, mà còn mong muốn tạo ra khuôn mẫu cho những đứa trẻ biết tôn trọng kỷ luật, tự lập để sau này trở thành những công chức mẫn cán.

Dù thời gian đã phai mờ, trường Taberd ngày đó như những nét phác thảo đầu tiên gieo vào kí ức của ba. Ba vốn là đứa trẻ lớn lên như cỏ cây hoang dại, không được ai dẫn lối chỉ đường. Ông bà nội thì bận làm ăn, không có nhiều thời gian gần gũi, nhất là khi con trai bắt đầu đến tuổi hình thành nhận thức, nhân cách. Bản tánh ba tôi từ nhỏ rất ngang tàng, phá phách, quen sống theo ý muốn của mình. Nhưng chính vì vậy, ba luôn nói phải cám ơn những năm tuổi thơ học trường Taberd. Dù thời gian đã phai mờ, nhưng trường Taberd ngày đó như những nét phác thảo đầu tiên gieo vào đầu ba tôi ý thức sống kỷ luật, tự lập để có thể kiên cường thích ứng với bao hoàn cảnh khó khăn sau này. Vì vậy ba luôn nói phải cảm ơn những năm tuổi thơ học ở nơi đây.

(Còn nữa)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *