Chuyện nhà Dr Thanh – Chương 3: Ông Tám Hiệp Phát – Phần 4

Trần Uyên Phương

 

(Tiếp theo Chương 3 – Phần 3)

Một buổi chiều ngày 04/01/1963, cậu bé Trần Quí Thanh đang học trên lớp thì người nhà đến báo tin mẹ cậu vừa mất. Cậu bé mười tuổi quăng hết tập học chạy vội về nhà. Tại sao lại phải chết, khi cuối tuần rồi mẹ còn đưa con đi chơi xa và gặng hỏi mỗi lần về với ba, ba có hay cằn nhằn, la mắng con không? Chạy về đến nhà thì đã thấy nhiều người lăng xăng bu quanh xác mẹ. Tất cả những gì hiện ra trước mắt cậu bé Trần Quí Thanh khi ấy méo mó, chờn vờn như trong một thế giới ảo ảnh nào đó.

Ông Tám bất động ngồi yên một góc, hút hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác. Mà mỗi điếu thuốc lá cuốn đen xì của ông to gần bằng ngón tay cái người lớn. Dường như ông không quan tâm đến ai, với cặp mắt mở to nhìn vào khoảng không ơ hờ, trống rỗng. Ông không liên quan đến cái chết của vợ, nhưng từ đáy lòng ông nhói lên niềm xót xa ân hận. Vì nếu không có những cuộc xô xát cãi vã, để rồi hai người phải sống ly thân, biết đâu bà đã không phải chết tức tưởi.

Ông bỗng nhớ lại cái ngày ông tưng tửng hỏi cưới và bà theo về làm vợ ông. Tình muộn của người đàn ông hơn bốn mươi lần đầu có vợ và người đàn bà góa chồng ngay giữa thời mặn mà xuân sắc cuối cùng lại như một cánh hoa sớm nở tối tàn.

Và ông thầm tự trách cái thói quen ương ngạnh, gia trưởng của con người từ tay trắng làm nên cơ nghiệp. Nếu ông nhẹ nhàng hơn với vợ, hoặc biết tìm cách khuyên can, có lẽ bà đã không phải tự mình lao ra đường kiếm sống và chết một cách hết sức thê thảm.

Nhìn xác vợ, ông Tám chợt khẽ rùng mình, cảm thấy hoang mang. Những ngày dài tới đây trong cảnh gà trống nuôi con, ông sẽ nuôi dạy thằng con trai lớn lên như thế nào?

Trong cái ngày định mệnh đó, bà Thâu tự mình lái xe hơi đi Biên Hòa. Gần tới ngã ba Tân Vạn, thấy đoàn xe ben chạy ngược chiều, bà ngừng xe, mở cửa nhảy ra vẫy để giao thêm nhiệm vụ. Chỉ một phút giây lơ đãng của người đàn bà cả đời bận rộn bươn chải kiếm sống, bà vừa băng qua đường thì chiếc xe đò loại nhỏ tuyến Sài Gòn – Đà Lạt chạy với tốc độ nhanh, dớt một cái mất nguyên phần ngực. Bà Thâu gục xuống chết tại chỗ, không kịp trăng trối điều gì. Tài xế xe đò sợ quá, phóng vọt luôn.

Cậu bé Trần Quí Thanh ngồi bên xác mẹ, lay lay, giở tấm khăn trắng đắp trên mặt mẹ và kêu lên:

– Mẹ ơi! Mẹ ơi… Mẹ tỉnh dậy nói gì đi…

Mấy người nhà vội chạy đến ôm cậu bé vào lòng. Ông Tám chỉ ngồi yên bất động. Tấm thân cao lòng khòng của ông giờ rũ xuống như thân chuối trong mùa dông bão.

Trong lễ tang, cậu bé mười tuổi ôm di ảnh mẹ còn không hiểu sao người nào cũng chăm chăm nhìn mình đầy ái ngại. Cậu bé vốn quen tự lo cho bản thân, không thích ai thương hại mình, nên càng cố gắng đi đứng ưỡn thẳng người trong đám tang giữa bốn bề xung quanh vang đầy tiếng khóc. Thầm tự hào một cách rất trẻ con, hoặc vì chưa hiểu hết khoảng trống mênh mông của đứa con mất mẹ, nên cậu bé đã không khóc, dù nước mắt cứ ngập ngừng muốn trào ra.

Sau ngày bà Thâu mất, cậu con trai chuyển hẳn về ở với ông Tám trên đường Nơ Trang Long, toàn bộ cơ ngơi tại khu vực Cầu Bông đều do hai người con riêng của bà Thâu quản lý.

Ba thường bảo lòng tham quay quắt của con người là cái đáy sâu không lường hết được. Nhiều người cũng nói ba tôi đa nghi cũng có lẽ bởi vì ba phải đối phó với những kẻ lắt léo gian manh ngay từ bé, độ nhạy bén trước sự tráo trở của kẻ xấu là rất cao. Rất nhiều sự nghi ngờ của ba mà người ta gọi là đa nghi, rất tiếc nhiều khi lại được chứng minh ngay lập tức.

(Còn nữa)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *