Thu Hiền/ Báo Công luận
Cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh” ra đời trong sự tranh luận nảy lửa, lập tức trở thành cuốn sách “hot” nhất, được cộng đồng tìm đọc và tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi về mục đích ra mắt sách.
Đã có rất nhiều kênh truyền thông nổi tiếng thế giới nhắc đến hiện tượng kinh tế kỳ lạ ở Việt Nam: Một doanh nghiệp gia đình được vận hành bởi ông bố và 2 cô con gái sở hữu cơ ngơi hàng tỷ USD và nằm trong số những công ty của người Việt có khát vọng vươn ra toàn cầu.
Doanh thu của Tân Hiệp Phát năm 2016 đã đạt mốc 500 triệu USD và với việc đưa thêm nhiều nhà máy vào hoạt động, doanh thu 1 tỷ USD đã là mục tiêu gần trong vài năm tới. Đến 2027, con số này sẽ là 3 tỷ USD.
Người ngoài sẽ khó hình dung được người gánh vác mục tiêu này là một cô gái 36 tuổi – “Cô gái tỉ đô” Trần Uyên Phương.
Nữ doanh nhân nhân còn rất trẻ này đang gây xôn xao dư luận khi phát hành tự truyện “Chuyện nhà Dr Thanh” công khai những thâm cung bí sử ở gia tộc kinh doanh có tiềm lực và bí ẩn bậc nhất này.
Cuốn sách được Trần Uyên Phương dành nhiều tâm huyết viết trong gần 10 năm và vừa ra mắt đã gây ra một cơn sốt thực sự trên thị trường với hơn 11.285 cuốn sách đã bán ra sau một tháng đầu tiên. Cho đến thời điểm hiện tại, Trần Uyên Phương vẫn chưa ký kết hợp đồng với các đơn vị phát hành sách truyền thống.
Lý do chính của việc này là vì trước khi ra mắt cuốn sách, Trần Uyên Phương cho biết cô thường phải trả lời câu hỏi: Tân Hiệp Phát in sách để tặng? Mặc dù không có tham vọng kinh doanh cuốn sách, nhưng nữ doanh nhân trẻ cho rằng cái gì phát không (miễn phí) thì khó khẳng định được giá trị của nó. Vì thế, Trần Uyên Phương đã tiến hành bán sách, chủ yếu trên trang web http://www.tranquithanh.com. Và không ngờ, suy nghĩ của “cô gái tỉ đô” đã hoàn toàn chính xác.
Cho đến thời điểm hiện tại, đã có tới 11.285 cuốn sách được độc giả chọn mua, chỉ sau đúng một tháng kể từ ngày chính thức “trình làng”. Cứ mỗi cuốn sách được chọn mua, Trần Uyên Phương trích 20.000 đồng đưa vào quỹ tặng học bổng cho học sinh nghèo học giỏi. Và cho đến hiện tại, quỹ đã có 225.700.000 đồng, lập một kỷ lục mới trong ngành xuất bản Việt.
Sẽ có người cho rằng con gái trưởng của người sáng lập tập đoàn Tân Hiệp Phát viết cuốn sách này để biện minh cho những ồn ào, sóng gió một thời khi những từ khoá “Tân Hiệp Phát”, “Dr Thanh”, kỳ án “con ruồi” tạo nên những “cơn sóng” thông tin bão tố quá nóng bỏng với dư luận. Nhưng cô lại không hề có một lời biện hộ nào cả. Cuốn sách là những dòng cảm xúc, những suy nghĩ, ghi chép được gom góp bằng mọi sự kính nể, trân trọng và yêu thương của Trần Uyên Phương khi viết về gia đình mình.
Doanh nhân Trần Quý Thanh chia sẻ: “Con gái của mình mà, nó viết cái gì, làm cái gì mà mình không vui? Dù chỉ 1 lá thư mình còn cảm động, huống hồ là một cuốn sách. Ngày nhỏ mình rất nghiêm khắc với nó, đâu nghĩ lớn lên nó tình cảm đến vậy? Tôi cũng nghĩ, dư luận có thể sẽ lên tiếng “con khen cha giống cả nhà khen nhau”, nhưng thôi, tình cảm chân thực sẽ chiến thắng mọi điều tiếng. Bây giờ vợ chồng tôi đang rất hãnh hiện đón nhận tình cảm của con mình, còn hơn lúc mình nằm xuống rồi nó mới viết, có đốt xuống chắc gì mình đọc được, chắc gì mình hạnh phúc được như bây giờ!”.
Ẩn chứa bên trong một “sức mạnh” tiềm tàng về “năng lượng”, về trí tuệ và tinh thần, Trần Uyên Phương đã tự mình trải nghiệm, tự vượt qua thử thách để có được từng bài học kinh nghiệm trong kinh doanh, bằng cách thử nghiệm ở từng vị trí công việc trong tập đoàn, bắt đầu là một nhân viên bình thường.
Có lẽ chính vì dành toàn bộ thời gian tâm sức của mình cho công việc, nên khi được hỏi về “chuyện riêng”, nữ doanh nhân đã trả lời rằng: “Câu hỏi của tôi chưa bao giờ thay đổi. Tôi đã cưới “Tân Hiệp Phát”.
“Tôi xác định tôi được sống cho mọi người, bất kể họ là ai, họ có thể được thể hiện chính họ, họ có thể thực hiện ước mơ và tạo sự khác biệt cho cuộc sống của người khác. Tôi mong muốn tìm được người bạn đời trong tương lai cùng chung mục tiêu như ba má tôi tìm được nhau” – Trần Uyên Phương chia sẻ.
Phỏng vấn nhanh doanh nhân Trần Uyên Phương: “Nếu không thật, tôi không dám nói trước ba má mình…”
-Để cho ra đời “Chuyện nhà Dr Thanh”, như chị từng tự sự là trong những lần tranh luận nảy lửa với ba chị?
Trần Uyên Phương: Cho đến khi chuẩn bị ấn bản, ba tôi vẫn phản đối. Ông cảnh báo hãy coi chừng kẻo người đọc lại nghĩ là tôi đang PR cho gia đình. Nhưng thấy tôi quyết liệt bảo vệ ý tưởng của mình, ba cũng tin tưởng để tôi làm. Ngày ra mắt, ba tôi phát biểu ông cảm thấy tự hào về món quà mà con gái gửi tặng gia đình khiến tôi mừng muốn rơi nước mắt.
*Tại sao chị chọn đoạn mở đầu câu chuyện bằng một thông điệp khá “sốc”: Khuyên má hãy bỏ ba?
– Suốt tuổi thiếu niên, tôi sợ ba, suy nghĩ ám ảnh nhất trong tôi là không biết ba có thương má và mấy đứa con. Chúng tôi có những hờn trách vô lý với ba má mình. Cho đến một ngày, sự cố xảy ra. Với chúng tôi, đó là những bài học lớn lao và thật mừng là sóng gió khiến cả gia đình gần lại với nhau hơn.
– Liệu những chuyện trong sách có bao nhiêu phần trăm là sự thật? Chị có còn giữ chút nào để “làm vốn” cho cuốn sách lần sau hay không?
– Tất cả những gì đã ghi lại trên giấy đều phải là thật. Tôi là một đứa con, tôi viết về gia đình. Chưa xét đến việc đứng trước hàng trăm ngàn độc giả mà chỉ cần tôi viết điều gì không thật, tôi sẽ không dám đứng trước ba má tôi và đưa cho họ đọc cuốn sách.
Cho đến khi công bố cuốn sách này, tôi chưa hề có ý định trở thành nhà văn hoặc người viết sách chuyên nghiệp. Thế nên mọi chuyện của tương lai hãy để tương lai quyết định.
* Cuốn sách này có thể coi như một cuốn hồi ký nói về quá khứ và mở hướng tương lai? Điều chị trăn trở nhất khi viết nên cuốn sách này là gì?
– Thuộc thế hệ kế tục, chúng tôi cần được rèn giũa để có đủ bản lĩnh giữ được ngọn lửa “không gì là không thể” từ ba tôi truyền lại.
* Trong kinh doanh tất nhiên sẽ có những “góc khuất”! Vậy những “bí mật” công khai trong cuốn sách có lợi cho công việc kinh doanh hay không?
– Nếu sợ, tôi đã không công bố “Chuyện nhà Dr. Thanh”. Hơn nữa, ở đây có hai câu chuyện rất rõ ràng, tôi ra mắt cuốn sách là món quà tặng cho gia đình. Sau nữa, tôi muốn truyền cảm hứng cho những người khởi nghiệp. Còn kinh doanh thì hiệu quả thế nào, đó là bài toán của doanh nghiệp.
* Là ái nữ của một gia đình danh giá, nhưng rất ít khi thấy chị trưng diện hàng hiệu, siêu xe và những vật dụng xa xỉ, theo chị, giá trị quan trọng nhất mà chị phấn đấu trong sự nghiệp và cuộc sống là gì?
– Ba đã cho chúng tôi hiểu chưa làm ra tiền mà thấy toàn tiền, thì chỉ mang họa vào thân. Ba đã khiến chúng tôi đủ mạnh để tin rằng giá trị lớn nhất là sự tự do sống bằng năng lực của mình, không bị lệ thuộc vào bất cứ điều gì, chứ không chỉ là tiền.
Cám ơn chị về cuộc chia sẻ này.
Theo báo Công luận
Link bài: “Chuyện nhà Dr. Thanh” lập kỷ lục mới trong làng sách Việt