Cố gắng soi mình, sửa mình để hội nhập

Trần Quí thanh

Nguồn: Internet

Chào anh Trần Quí Thanh

Trước hết xin chúc mừng sinh nhật lần thứ 23 Tập đoàn THP. Sau nữa xin giới thiệu với anh tôi là nhà giáo về hưu rất hâm mộ anh. Vừa rồi xem blog của anh, được biết THP quyết tâm vươn lên tầm Châu Á. Thật lòng tôi rất nể phục. Tuy nhiên tôi thấy việc vươn ra thế giới đối với doanh nghiệp Việt hình như vẫn còn là cánh cửa hẹp, thậm chí rất hẹp. Theo anh, điểm yếu của doanh nghiệp Việt là gì,  làm sao có thể khắc phục điểm ấy một cách nhanh chóng?

Chờ hồi đáp của anh.

Kính

Nguyễn Xuân Đạm ( Hà Nội): damxuan_nguyen13@gmail.com

—–

Anh Nguyễn Xuân Đạm mến!

Băn khoăn của anh cũng là băn khoăn của các Doanh nhân Việt, trong đó có tui. Anh đã hỏi, xin có đôi lời.

Dân gian có sự ví von rằng, một người Việt sẽ thắng một người Nhật, nhưng ba người Việt thì thua ba người Nhật. Ý muốn nói người Việt không đoàn kết, đồng lòng như người Nhật.

Tui nói luôn, đó chính là điểm yếu nhất của người Việt, thể hiện rõ nhất cái xấu này chính là trên thương trường. Cho dù sẽ có nhiều người ghét tui, nhưng tính tui thẳng thắn, nói đúng suy nghĩ của mình.

Làm doanh nghiệp cả đời, cái tui đau nhất không phải khi thất bại, mà khi bị những trò cạnh tranh xấu của đối thủ. Một doanh nghiệp có sản phẩm tốt, các doanh nghiệp khác thay vì nâng cao chất lượng sản phẩm của mình lên để cạnh tranh, thì lại đi làm cái chuyện xấu xa, đó là tung hoang tin để hạ đối thủ.

Anh Đạm biết đấy, thời đại ngày nay, mạng xã hội rất phổ biến, có người lợi dụng để hạ bệ đối thủ bằng những tin tức, hình ảnh bịa đặt. Điều này không thiếu trên thương trường Việt Nam. Và rất đáng tiếc, đó là đã có những doanh nghiệp bị chết oan ức như vậy.

Khi làm ăn với đối tác nước ngoài, có không ít trường hợp doanh nghiệp Việt đi nói xấu đối thủ của mình. Đối tác rất thông minh, họ khai thác tính xấu đó tối đa, rốt cuộc là sản phẩm của doanh nghiệp Việt bị kéo giá xuống. Ai cũng muốn bán được hàng, nhưng bán bằng cách hạ bệ nhau thì chỉ Việt Nam mới có. Anh Đạm có thấy vậy không?

Một số mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước bị đối tác làm khó làm dễ, hạ giá đủ kiểu là vì chúng ta đã chỉ cho họ cách tốt nhất để xỏ mũi mình. Tranh mua tranh bán, hạ giá để giết nhau thì đối tác nước ngoài hưởng lợi.

Đối với các doanh nghiệp nước ngoài vào làm dịch vụ tại Việt Nam, thay vì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đoàn kết, yêu cầu họ đưa ra mức giá phù hợp, thì nhiều doanh nghiệp thích tiếp cận đơn lẻ, chỉ mong có lợi riêng. Rốt cuộc thì anh nào cũng trở thành miếng mồi béo bở của thiên hạ. Vậy đó anh Đạm ạ.

Điểm yếu chết người phải kẻ đến là không giữ chữ tín. Nói mà không làm hoặc làm không đúng như cam kết. Hàng xuất vài lô đầu đúng chất lượng, nhưng sau đó thì có dối trá. Những doanh nghiệp làm ăn kiểu như vậy làm hại cho cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vì, nhiều đối tác sẽ e ngại khi hợp tác làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam, hoặc vì quá lo ngại về sự trung thực, nên họ đưa ra những yêu cầu quá đáng, gây khó khăn, áp lực cho doanh nghiệp trong nước, chưa kể là ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Quá trình hội nhập đã giúp cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thay đổi nhận thức rất nhiều, nhưng vẫn còn những cố tật không phải sửa được trong ngày một ngày hai. Tui cũng cố gắng soi mình, sửa mình để hội nhập, để thực hiện tham vọng chinh phục thị trường thế giới, nhưng vẫn thấy còn nhiều điều chưa được, cần phải học hỏi để tiến bộ hơn nữa.

Chào anh Đạm nha.

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *