Trần Quí Thanh
Tui muốn “lẩy” Trịnh Công Sơn như người ta lẩy Kiều để nói về câu chuyện của những dòng sông Việt Nam. Mà lạ thiệt nghen, ông Trịnh Công Sơn lắm lúc như nhà tiên tri, ông viết “có một dòng sông đã qua đời”, rồi thì “rừng xưa đã khép”, rồi thì “phố bỗng là dòng sông uốn quanh”.
Ngẫm lại thấy cũng rất logic, rừng không còn thì lụt lội, phố thành sông là đương nhiên.
Bây giờ, có những dòng sông đã qua đời và có những dòng sông sắp qua đời. Người ta lấn chiếm các dòng sông để làm dự án nhà ở, khu đô thị, khu biệt thự. Người giàu có muốn sở hữu dòng sông như của cải riêng mình, nên dự án nào ở bờ sông thì đắt hàng. View là một thứ đặc sản không không gian kiến trúc hiện đại, mà chỉ có bên bờ sông mới có view đẹp, sang trọng.
Các dự án lớn nhỏ khác nhau lấn sông, làm thay đổi dòng chảy, can thiệp vào quy luật tự nhiên, khiến cho các con sông bị thương tật. Chúng nổi giận, và tất nhiên có những phản ứng gây bất lợi cho con người.
Hàng ngày, hàng đêm, nhiều xà lan, thuyền bè khai thác cát trái phép. Những máy hút, xáng cạp khoét sâu vào lòng sông, thay đổi dòng chảy của con sông, gây sạt lở hai bên bờ, sông bị phá hoại. Hình hài tự nhiên của đất trời bị con người xâu xé, băm vằm, có lẽ chính vì thế, con người phải trả giá vì những ứng xử không tôn trọng thiên nhiên.
Các đô thị lớn cũng như bé, cứ đổ thẳng chất thải ra sông. Chất thải công nghiệp, cơ sở sản xuất, chất thải bệnh viện, cơ sở y tế, chất thải của các hộ dân. Thậm chí người ta coi dòng sông là nơi đổ rác, bao nhiêu rác cứ tống xuống sông cho khuất mắt họ. Rác nhiều, chất thải nhiều, vượt quá khả năng tự làm sạch của dòng sông, nên nó bị ô nhiễm, bị bệnh tật. Nguồn nước của các con sông bệnh tật đó lại đi vào cơ thể con người.
Các bệnh viên ung bướu ngày càng quá tải nhưng có mấy ai biết nguyên nhân từ chính hành vi của chúng ta, trong đó có hành vi đổ rác ra sông.
Đã có nhiều quy định vệ bảo vệ hành lang bờ sông, quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thực hiện các dự án, nhưng các dòng sông vẫn đang bị tấn công từng ngày và đang chết dần chết mòn từng ngày.
Tài nguyên rừng cạn kiệt, tài nguyên biển cũng suy giảm vì không bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, tài nguyên nước cũng trong tình trạng tương tự.
Hãy bắt tay bảo vệ các dòng sông cho dù hành động hôm nay đã là quá muộn.
Sài Gòn 21/11/2017
TQT
Đọc thêm, link bài: Can thiệp “thô bạo” vào các dòng sông sẽ phải trả giá