Có những phiên toà thẩm phán chính là nhân dân

Lê Thanh Phong/ Báo LĐO
 
Cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh

Vừa rồi đọc tin về hai thanh niên chịu 9 năm tù chỉ vì 6 buồng cau. Chuyện dài dòng, nhưng đại loại là cướp 6 buồng cau, nên Võ Hoài Phong bị xử 6 năm tù, Nguyễn Đức Thuần 4 năm tù. Tui chẳng bênh vực gì những kẻ trộm cướp, nhưng câu chuyện về hai thanh niên này cứ làm tui băn khoăn.

Cuối tuần rồi tòa tuyên án các bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỉ. Tính chất và mức độ nguy hiểm của từng cá nhân trong đường dây đánh bạc này gây ra cho xã hội dư luận đã bàn nhiều, tui xin không nói thêm. Có điều, khi liên hệ đến vụ án 6 buồng cau lại thêm băn khoăn.

Về hai vụ án trên, các cơ quan tố tụng căn cứ vào quy định của pháp luật để truy tố và xử phạt, mình là thường dân chỉ biết có thế thôi, không dám lạm bàn.

Và rồi khi đọc bài báo xin được giới thiệu dưới đây, tui nghĩ tác giả đã nói hộ suy nghĩ của nhiều người, đó là có những phiên tòa, thẩm phán chính là nhân dân.

Trần Quí Thanh

 
—–
 
Án tù chín hay mười năm rồi cũng xong, nhưng “nghìn năm bia miệng” là bản án không bao giờ xong đối với người làm tướng. Thường dân vô danh khác, người hữu danh khác, chức vụ càng cao khi phạm tội càng thấm nỗi ô danh.
 

9 năm tù cho Phan Văn Vĩnh, 10 năm tù cho Nguyễn Thanh Hoá, bản án có tương xứng với hành vi phạm tội của hai cựu tướng công an này không, dư luận khắc biết.

Ông Phan Văn Vĩnh thấy án quá nặng so với tội của ông thì ông cứ kháng án, ông có quyền.

Hơn 90 người là bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ, ai vi phạm pháp luật thì phải chịu hình phạt, nhưng ông Phan Văn Vĩnh thời điểm đó là Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, nếu ông là người công chính, số phận của những con người đó có thể đã khác. 

Cho nên, người chức vụ càng cao, sự công chính hay bất chính của họ có sự ảnh hưởng rất lớn đến những người khác, đến cộng đồng xã hội. 

Cụ thể hơn, còn bao nhiêu người lao vào làm con bạc thiêu thân của đường dây này.  Đã là con bạc thì không sòng này cũng sòng khác, nhưng khác nhau là ở chỗ, sòng này có trách nhiệm của hai ông tướng, Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hoá.

Những kẻ tổ chức đánh bạc thu lợi tiền tấn, tiền đóng thành kiện, chứng tỏ, có nhiều người tán gia bại sản để Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng bọn làm giàu. Xã hội có thêm một đường dây tội phạm hoành hành, gây ra bao nhiêu tệ nạn khác từ cờ bạc, thân làm tướng được giao trọng trách, lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiếp tay cho tội phạm.

Về khía cạnh này, dân xét tội theo cách của dân, chín hay mười năm của toà tuyên là việc của toà. Có những phiên toà, thẩm phán chính là nhân dân, bản án là bia miệng nghìn đời.

Án tù chín, mười năm rồi cũng xong, nhưng “Nghìn năm bia miệng” mới là bản án không bao giờ thi hành xong đối với người làm tướng. Thường dân vô danh khác, người hữu danh khác. Chức vụ càng cao khi phạm tội càng thấm nỗi ô danh.

Xét về khía cạnh này, thì bản án có thêm hay bớt đi vài năm tù có nghĩa gì đâu.

Những người hữu danh khác hãy nhìn chân dung hai vị tướng bị lột lon, tống vào tù để răn mình. Đừng để lòng tham vô độ che khuất những giá trị về lương tri và nhân phẩm, để rồi con cháu dòng họ phải mang vác tấm “bia miệng” nghìn đời.

Biết nhận ra mình “não quá bé” mà “lòng tham quá lớn” như ông Nguyễn Thanh Hoá hay sự ân hận của ông Phan Văn Vĩnh là quá muộn.


NGUỒN:  Theo Báo Lao Động online

Link bài: Có những phiên toà…
(https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/co-nhung-phien-toa-tham-phan-chinh-la-nhan-dan-644286.ldo)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *