Cùng ‘giải cứu’ đồng bào ở nước ngoài

Quỳnh Trang/ Báo Tuổi Trẻ

Thủ tướng mong muốn cộng đồng người Việt ở nước ngoài cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid- 19. Ảnh: I.T.

—–

“Ngài tổng thống ơi! Đừng đi!” – người phụ nữ khóc lóc chạy theo xe tổng thống để van xin cho chồng bị mắc COVID-19 một giường bệnh. Tổng thống đã không nghe thấy và người chồng qua đời chỉ vì… bệnh viện quá tải.

Đó là câu chuyện thương tâm xảy ra mới đây ở Peru, quốc gia đang phát triển ở Mỹ Latin và hiện là vùng dịch lớn thứ 7 trên thế giới với hơn 380.000 ca COVID-19, trong đó hơn 18.000 người đã chết.

Trong khi đó, nhờ tinh thần “chống dịch như chống giặc” và chiến lược ứng phó dịch hiệu quả thời gian qua, Việt Nam đã có 99 ngày không thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đó là khoảng thời gian vàng để đón 15.000 đồng bào có hoàn cảnh khó khăn ở gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước tránh dịch và điều trị bệnh.

Ngày mai (28-7), Chính phủ sẽ đưa máy bay đi đón 219 công dân Việt Nam bị kẹt ở quốc gia châu Phi Guinea Xích Đạo, trong đó hơn một nửa mắc COVID-19, về nước chữa trị và tránh dịch. Trong số 120 bệnh nhân này, có 46 người có bệnh mãn tính kèm theo. Tiếp đó là Uzbekistan, với 226 công dân và 92 người nhiễm virus corona. Lại “một trận chiến mới” đối với các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Nhưng hiện còn hàng chục ngàn người Việt ở nước ngoài có nguyện vọng về nước và họ sẽ được về nước bởi vì Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói: “Không bỏ lại ai phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19”.

Tuy vậy, kế hoạch đón đồng bào ở nước ngoài về nước sắp tới nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng khi trong nước đã xuất hiện trở lại ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Chúng ta phải tập trung khoanh vùng để ngăn chặn nguy cơ lây lan rộng ra cộng đồng, rồi phải chuẩn bị khu cách ly, điều trị người bệnh… Việt Nam lại bước vào một giai đoạn chống dịch mới đầy cam go.

Với nguồn lực có hạn, dù có cố gắng chúng ta cũng không thể làm tốt trên cả hai mặt trận, chống dịch trong cộng đồng và đón đồng bào còn đang bị kẹt ở nước ngoài về nước. Bao lâu nay, chúng ta chưa thể tăng tốc “giải cứu” đồng bào ở nước ngoài vì còn tùy thuộc vào năng lực cách ly và điều trị bệnh.

Cứ mỗi ca nhiễm mới xuất hiện trong cộng đồng, chúng ta lại phải cách ly hàng chục, thậm chí hàng trăm người để phòng lây lan. Khi số người phải cách ly ở trong nước tăng lên, chắc chắn không còn nhiều chỗ cho người ở nước ngoài về.

Lúc này, chúng ta mới thấy quý và tiếc nuối về gần 100 ngày an toàn, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Giờ đây, chúng ta lại phải truy vết để ngăn dịch lây lan trong cộng đồng. Chắc chắn mọi người đều đã “đề cao cảnh giác” với những người không chấp hành phòng chống dịch, nhập cảnh trái phép. Mọi người cũng đã trở lại tuân thủ các hướng dẫn về vệ sinh y tế để phòng chống dịch…

Chúng ta phải kiên trì hơn và coi đó là việc làm thường xuyên của tình trạng bình thường mới. Chỉ có thế mới trở lại những ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Khi đó, mọi nguồn lực lại được dồn vào để đưa đồng bào ở nước ngoài về tránh dịch.

Mỗi người tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch và tố giác các hành vi vi phạm nguyên tắc phòng chống dịch cũng chính là góp sức cùng Nhà nước để sớm đưa hàng ngàn người Việt ở nước ngoài mong chờ ngày được về nhà.

NGUỒN:   Theo Báo Tuổi trẻ

Link bài: Cùng ‘ giải cứu’…

(https://tuoitre.vn/cung-giai-cuu-dong-bao-o-nuoc-ngoai-20200727094437724.htm)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *