Đàn gà, những hạt thóc lép, và “công nghiệp 4.0”

Lê Ngọc Sơn/ Báo NĐTO
 

Dạo này đọc báo xem đài là bắt gặp cụm từ “cách mạng công nghiệp 4.0”, ai cũng nói, nói như máy vậy đó. Ông trưởng phòng giáo dục cao đàm khoát luận với giáo viên cũng phải cố gắng theo kịp giáo dục trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, ông chủ tịch công đoàn nhà máy cũng rao giảng với công nhân làm việc tốt để phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0…

Tui nói thiệt nghen, không mấy ai hiểu cách mạng công nghiệp 4.0 cho đàng hoàng tử tế.

Một hệ thống chính quyền còn thủ công, loay hoay mãi không xây dựng được chính quyền điện tử. Một đất nước nền tảng khoa học kỹ thuật còn quá lạc hậu, các ngành công nghệ sinh học, vật lý nano, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning) còn quá xa lạ, thì làm sao có thể đòi ngày một ngày hai theo kịp đẳng cấp của các quốc gia phát triển khoa học hàng đầu thế giới.

Chúng ta tụt hậu nên phải rất nỗ lực, phải chạy thật nhanh, tuy nhiên nhanh không có nghĩa là bỏ qua các bước bắt buộc. Một đất nước còn chưa rành tự động hóa, điện tử hóa, nói chi chuyện quá xa xôi.

Phát triển phải dựa trên ba trụ cột đó là khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội, văn minh dân trí.

Sửa đường cao tốc bằng dùng dùi đục, búa và xẻng lại nói chuyện trên trời.

Dân mình vứt rác đầy đường, chỗ nào cũng rác mà bốn chấm không sao được!

Trần Quí Thanh 

Tôi định sẽ chẳng nói gì về cái gọi là “Cách mạng công nghiệp 4.0” (CMCN 4.0) nhưng nghĩ lại thấy cần phải nói, vì có vẻ gần đây khái niệm này bị lạm dụng một cách ngấy ngớn quá đà, đến mức trong một cuộc thi sắc đẹp người ta phải cười ra nước mắt khi một vị giám khảo hỏi thí sinh câu hỏi cực ngây ngô về CMCN 4.0.
Thẳng thắn mà nói, sống và nghiên cứu ở một nước công nghiệp già cỗi bậc nhất Quả đất (CHLB Đức), vậy mà chẳng thấy đâu ra rả về cái gọi là “Công nghiệp 4.0”. Khái niệm này vẫn chỉ quẩn quanh trong giới hàn lâm. Chứ không phải rầm rộ phong trào.

Trong khi đó, không ít nơi ở ta, khái niệm này như là một cái mác thời thượng, ra rả đến nhàm chán mỗi ngày. Nó là thứ mỹ ký được sơn phết, làm màu, mà tôi đồ rằng chẳng mấy người hiểu rõ thực chất nó là gì. Nói vậy, bởi rằng, thực tế thì cái gọi là CMCN 4.0 cũng đang là một thứ khái niệm mang tính thảo luận, mà mỗi người có thể nhìn nhận ở một góc độ khác nhau. Một thứ mà thế giới còn tranh cãi về thực chất là gì, hình hài ra sao, liệu có thực tế và hợp lý không khi ta chạy theo nó như là một thứ kim chỉ nam? 

Giả sử như đã có một cuộc thống nhất về CMCN 4.0 là gì, thì cũng gian nan mới đạt đến nó. Để đạt ngưỡng là nước cơ bản công nghiệp, ta còn vật vã dời mốc thời gian bao lần.Tự hỏi, chưa đạt tiêu chuẩn là nước công nghiệp, thì hô hào lên thẳng 4.0 liệu có ích gì? Chẳng lẽ vèo một cái trong nháy mắt là bỏ được “1 chấm”, “2 chấm”, “3 chấm” lên được thiên đường “4 chấm”?! Trong “cuộc chơi” này không có chỗ cho tư duy khôn lỏi manh mún kiểu “đi tắt, đón đầu”. Nó phải là một cuộc trường chinh với khoa học cơ bản, tạo nền tảng cất cánh cho khoa học ứng dụng. Đơn giản vì, một học sinh không thể giải được toán tích phân, đạo hàm nếu bỏ qua các nguyên lý toán học cơ bản của “1 + 1 = 2”. 

Thực tế những năm gần đây, giới hàn lâm đã “có công” và thành công trong việc gửi gắm các khái niệm mang tính học thuật vào các diễn ngôn chính trị. May thay, có vẻ xã hội kiểu như của ta có, lại có vẻ ham mê và dễ có hấp lực với các khái niệm hơi hướng hàn lâm.

Công nghiệp 4.0 toàn bị hiểu lệch ở lớp bề nổi là yếu tố kỹ thuật, mà người ta quên mất rằng, yếu tố xã hội mới nắm vai trò quan yếu. Nó không phải hô khẩu hiệu để đạt được, mà đó là một quá trình tiến hóa tự thân, khi sự tích lũy tri thức, kỹ thuật và công nghệ đạt ngưỡng.

Đó quả là điều mừng, vì hàm lượng chất xám trong các quyết sách lớn của đất nước sẽ vì thế mà tăng thêm. Các khái niệm “nhà nước kiến tạo”, “công nghiệp 4.0” là thứ như vậy. Tuy nhiên, cũng chính các khái niệm kiểu này dễ đánh lạc hướng sự quan tâm của giới tinh hoa tầm trung ra khỏi những thứ đáng quan tâm hơn. Không gì dễ hơn là quẳng ra một nắm khái niệm có mùi học thuật cho các vị ngồi “chém” chơi, rảnh tay để họ làm việc khác. Điều này làm tôi nghĩ đến ký ức khi đến thăm các trại gà, để tránh những con gà to khỏe tìm cách ra khỏi chuồng, cách tốt nhất là vung lên một nắm thóc lép, những chú gà tinh nghịch sẽ ngoan ngoãn nhặt thóc. Thói hiếu dễ này là môi trường tốt cho những tín đồ dân túy lợi dụng, vuốt ve, khoe mẽ, nhưng kỳ thực cả người nói và người nghe chưa hẳn đã nói cùng một giọng về cái mà họ nghĩ về. 

Công nghiệp 4.0 toàn bị hiểu lệch ở lớp bề nổi là yếu tố kỹ thuật, mà người ta quên mất rằng, yếu tố xã hội mới nắm vai trò quan yếu. Nó không phải hô khẩu hiệu để đạt được, mà đó là một quá trình tiến hóa tự thân, khi sự tích lũy tri thức, kỹ thuật và công nghệ đạt ngưỡng.

Hãy thôi mơ “đi tắt, đón đầu”. Hãy tập trung vào giải quyết các nút thắt cơ bản của xã hội, và tránh đánh lạc hướng khỏi nó. Kiến tạo phải từ các nền móng cơ bản, vững chắc. Hãy bớt dùng đại ngôn kêu loẻng xoẻng. Cần bắt đầu thiết kế những thực chất. 

Lê Ngọc Sơn – Chuyên gia truyền thông chiến lược và quản trị khủng hoảng, Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức.

 
NGUỒN:  Theo Báo Người Đô Thị online
Link bài: Đàn gà, những hạt thóc lép….
(https://nguoidothi.net.vn/dan-ga-nhung-hat-thoc-lep-va-cong-nghiep-4-0-15610.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *