“Đất” cho tiến sĩ dụng võ còn cần hơn

Báo KTSG

Nguồn hình: Báo DNSG

Theo dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030” (Đề án 89), mỗi giảng viên đại học đi học tiến sĩ ở nước ngoài có thể được Nhà nước hỗ trợ đến gần 3,6 tỉ đồng. Nếu lấy số này nhân với 7.800, là số tiến sĩ mà Đề án 89 dự kiến đào tạo, sẽ thấy số tiền cần chi ra không nhỏ.

Nhưng đó sẽ là khoản đầu tư rất hiệu quả nếu chọn được đúng người có tiềm năng và tâm huyết, đầu tư có trọng tâm và quan trọng hơn cả là làm sao để những người được đào tạo chuyên sâu này phát huy được hết năng lực của họ. Bằng không thì sẽ lại là một chương trình đầu tư lãng phí nữa mà thôi.

Đây là chương trình đầu tư về con người, vì thế chọn đúng người có tiềm năng để hỗ trợ là vô cùng quan trọng. Sẽ là sai lầm nếu các yếu tố phi chuyên môn có vai trò lấn át khi xét chọn. Tệ hơn nữa nếu chương trình bị các nhóm lợi ích coi như bổng lộc để chia chác, gửi gắm hoặc trục lợi. Cảnh báo điều này không thừa, vì trước đây đã từng có một đề án tương tự (Đề án 322) gửi 2.300 người đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài nhưng chỉ có chưa tới 50% tốt nghiệp trở về nước.

Điểm quan trọng nữa là chương trình hỗ trợ để đào tạo này phải có trọng tâm, chứ không phải dàn trải, tự phát và bị động. Cụ thể, chương trình phải gắn với các giải pháp để thực hiện các mục tiêu chiến lược của đất nước, chẳng hạn như: Việt Nam thịnh vượng vào năm 2045; phát triển nền kinh tế số; mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết tại Hội nghị COP26; và các mục tiêu chiến lược quan trọng khác.

Một vấn đề nữa và cũng là quan trọng nhất là các tiến sĩ tương lai này sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp và trở về nước. Vì đây là chương trình đào tạo dành cho giảng viên của các trường đại học, nên khi trở về đương nhiên họ sẽ tiếp tục công việc giảng dạy. Nhưng sẽ thật là uổng phí nếu các tài năng này được đào tạo ra chỉ để giảng dạy và không có cơ hội để tiếp tục nghiên cứu khoa học.

Nhưng muốn nghiên cứu thì phải có phương tiện, đó là những phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại và những thư viện có thể cung cấp đầy đủ thông tin và dữ liệu về khoa học và công nghệ của thế giới… Đây là điều mà Nhà nước cần mạnh tay hỗ trợ cho các trường đại học.

Nói chung, các nhà khoa học cần một môi trường mà ở đó họ được tạo mọi điều kiện phát huy hết khả năng của mình để đóng góp cho đất nước. Điều kiện đó, ngoài vấn đề thu nhập, là cơ sở hạ tầng phần cứng phục vụ cho nghiên cứu và phát triển và các yếu tố “phần mềm” khác như cơ chế, chính sách và quan điểm.

Chẳng hạn như “cần cổ vũ cái mới, tôn trọng các ý kiến khác, thậm chí là khác biệt miễn là cái khác biệt đó không đi ngược lại lợi ích của dân tộc” như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc mới đây. Nếu tạo được môi trường tốt cho các nhà khoa học, thì không chỉ các tiến sĩ được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, mà Việt Nam sẽ còn thu hút được rất nhiều nhà khoa học đã thành danh trên thế giới về chung tay để xây dựng Việt Nam thịnh vượng.

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: “Đất” cho…

https://thesaigontimes.vn/dat-cho-tien-si-dung-vo-con-can-hon/

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *