Lãnh đạo phải kích hoạt nguồn năng lượng của bản thân

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Chào anh Trần Quí Thanh,

Tôi từng là doanh nhân, về hưu lâu rồi nhưng vẫn theo dõi thương trường. Hai năm qua dịch Covid đã làm giới kinh doanh lao đao, doanh nghiệp nào cũng căng thẳng, từ sếp đến nhân viên lúc nào cũng  nơm nớp lệnh lock down. Đúng là chưa thời nào như thời này.

Trong tình hình đó việc quản trị năng lượng tinh thần trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Theo anh, doanh nghiệp cần quản trị năng lượng sao cho có hiệu quả? Mong anh có tiếng nói giúp cho các startup , không thì gay quá anh ạ.

Kính anh

Trần Sung (Hà Nội) :sunghanoi_51@gmail.com

—–

Anh Trần Sung mến,

Trong lý thuyết quản trị kinh doanh hiện đại, có bài học về quản trị năng lượng của nguồn nhân lực trong doanh nghiệp. Thực ra, lý thuyết này không có gì mới, chỉ dựa trên những nguyên lý căn bản về năng lượngcủa con người để hệ thống hóa một cách khoa học mà thôi.

Ai cũng biết năng lượng của con người vượt xa sức tưởng tượng của chính con người, vấn đề là khai thác nó đến đâu, có khai thác được hay không.

Về câu hỏi của anh, thì tập trung ở việc quản trị năng lượng trong doanh nghiệp, nên tui xin chia sẻ theo kinh nghiệm của mình.

Nói chuyện thời sự luôn, khi đại dịch COVID-19 làm cho doanh nghiệp lao đao, người lao động trong doanh nghiệp lo lắng, sợ hãi và kiệt sức, thì chính lúc đó cần có một nguồn năng lượng mới, mạnh mẽ, thậm chí là dữ dội để xốc dậy tinh thần của tập thể.

Trước hết là người lãnh đạo doanh nghiệp phải kích hoạt năng lượng cho bản thân, rồi lan tỏa, truyền năng lượng và nguồn cảm hứng đến cho cộng sự, nhân viên. Là lãnh đạo, chính anh phải tự cháy hết mình, thì mới truyền lửa, truyền nhiệt cho người khác.

Năng lượng tích cực mà lãnh đạo doanh nghiệp tạo ra chính là làm cho mọi người vui tươi, lạc quan, đoàn kết.

Tiếp theo là phát hiện ra những nhân tố trong doanh nghiệp và trao quyền cho họ. Là nhà lãnh đạo, phải thấy được nguồn năng lượng trong đội ngũ người lao động, sau đó đào tạo, đặt niềm tin giao quyền cho họ. Chính sự tin cậy này sẽ là động lực để họ phát huy tối đa trí tuệ, sức lực, cống hiến cho doanh nghiệp.

Lưu ý là ngay cả khi người được giao quyền gặp thất bại, thì không nên khiển trách, mà động viên tinh thần, cùng phân tích rút kinh nghiệm để họ làm việc tốt hơn, phát huy sáng tạo cao hơn.

Thứ ba, nguồn năng lượng không chỉ để làm việc đạt năng suất, mà nguồn năng lượng đó giúp cân bằng cuộc sống, tái tạo sức lao động. Cho nên, lãnh đạo doanh nghiệp phải quan tâm chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất của nhân viên, người lao động. Cha ông nói “có thực mới vực được đạo” không sai bao giờ, vì vậy dù trong tình trạng khó khăn, ít nhất cũng đản bảo thu nhập cho người lao động đủ sống.

Vậy nhé anh Trần Sung, có gì anh cứ meo cho tui nha.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *