Dấu hiệu bảo hộ trên sản phẩm: ý nghĩa gì?

Lê Thiên Hương/ Báo TBKTSG

Chúng ta giờ đây hẳn đã không còn lạ lùng gì với các ký hiệu/dấu hiệu  ™, ® và © thường xuất hiện trên bao bì hay trên sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của nó là gì, trên thực tiễn kinh doanh cũng như trên phương diện pháp lý, thì không phải ai cũng biết.

TM (trademark) có nghĩa là nhãn hiệu đã được sử dụng và đang trong giai đoạn đăng ký bảo hộ, nhưng không có nghĩa là nó là nhãn hiệu được bảo hộ. Việc in dấu hiệu này trên sản phẩm, vì thế, có tác dụng thông báo cho người tiêu dùng hay doanh nghiệp khác rằng nhãn hiệu này đang trong giai đoạn chờ bằng bảo hộ.

Tất nhiên, chỉ khi nào nhãn hiệu được công bố trên cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ (tức là đã qua giai đoạn thẩm định đơn đăng ký, và khoảng hai tháng sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ), thì lúc đó các doanh nghiệp khác mới có thể dễ dàng biết đến sự tồn tại của nó và tránh sử dụng lại. Chính vì thế, thông báo bằng dấu hiệu TM trên hàng hóa lưu trông trên thị trường là một động thái phù hợp và khôn ngoan, tránh những nhầm lẫn, tranh chấp về nhãn hiệu sau này.

Trong khi đó, dấu hiệu ® có nghĩa là “Registered” (đã đăng ký bảo hộ). Khi nó nằm bên cạnh một logo, hay một dấu hiệu chữ, điều đó có nghĩa là nhãn hiệu đó đã được bảo hộ.

Dấu hiệu © lại liên quan tới một lĩnh vực khác lĩnh vực nhãn hiệu, nó mang nghĩa “Copyrighted” (đã  đăng ký bản quyền). Việc dùng dấu hiệu này phổ biến ở những quốc gia tồn tại thủ tục đăng ký bản quyền, như Mỹ. Ở nhiều quốc gia khác, như Pháp, Đức, bản quyền được bảo hộ tự động, vì thế dấu hiệu này không mang ý nghĩa pháp lý gì nhiều.

Việc sử dụng các dấu hiệu này với mục đích ăn theo sản phẩm khác, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, hiển nhiên, sẽ luôn mang lại những hậu quả pháp lý tiêu cực cho doanh nghiệp.

Các dấu hiệu nói trên có nguồn gốc từ các quốc gia thuộc hệ thống luật Anglo – Saxon (như Anh, Mỹ). Ở Mỹ, việc sử dụng dấu hiệu ® cho nhãn hiệu đã có bằng bảo hộ được đặc biệt khuyến khích, cho dù việc sử dụng dấu hiệu này không phải là bắt buộc. Tuy nhiên, in dấu hiệu ® trên sản phẩm hay bao bì sản phẩm liên quan cho phép chủ sở hữu dễ dàng khởi kiện hơn khi có hành vi vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu, cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới mức đền bù thiệt hại trong trường hợp tranh chấp trước tòa.

Trong khi đó, ở các nước khác ngoài hệ thống này, thì dấu hiệu TM, ®, hay © lại không có giá trị pháp lý đáng kể gì. Ở Việt Nam, hay như ở Pháp chẳng hạn, hiện tại cũng không có văn bản pháp lý nào quy định về việc sử dụng các dấu hiệu này. Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp 1883, mà Việt Nam là thành viên từ ngày 8-3-1949 cũng quy định ở điều 5 rằng “Không dấu hiệu hay chú giải nào về bằng sáng chế, kiểu dáng hữu ích, nhãn hiệu bảo hộ, hình vẽ hay kiểu dáng công nghiệp bị buộc phải xuất hiện trên sản phẩm để được công nhận quyền bảo hộ”.

Điều này có nghĩa rằng nếu như nhãn hiệu đã được công nhận bảo hộ, thì việc không để dấu hiệu ® trên sản phẩm cũng không thể ảnh hưởng tới sự bảo hộ pháp lý của nhãn hiệu đó. Có thể nói, những dấu hiệu này chỉ mang ý nghĩa về mặt thông tin mang đến cho người tiêu dùng, hay cho các doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường.

Ngược lại, việc “tự động” để những dấu hiệu này xuất hiện trên sản phẩm, trên bao bì sản phẩm một cách sai so với thực tế thì lại có thể dẫn tới một hậu quả pháp lý khác. Ở Việt Nam, Nghị định 99/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp quy định ở điều 6 (liên quan đến các vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp) rằng việc chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (ví dụ như in trên sản phẩm dấu hiệu ® hoặc chú giải “nhãn hiệu đã được bảo hộ”) có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Ở nhiều quốc gia khác, việc sử dụng các dấu hiệu mang tính chất gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng còn có thể bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và bị tòa án xử phạt. Ở Pháp, năm 2019, một doanh nghiệp sản xuất đèn của Pháp đã tự động in chỉ dẫn “bằng sáng chế được bảo hộ” trên sản phẩm trong khi không phải là chủ sở hữu bằng sáng chế và vì thế đã bị tòa án Paris xử phạt vì hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ trước pháp luật, ở rất nhiều nước, việc in dấu hiệu ® cùng với logo nhãn hiệu được đặc biệt khuyến khích, vì điều này được coi là bằng chứng doanh nghiệp có tiếp tục sử dụng nhãn hiệu (nhãn hiệu không sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định sẽ có thể bị chấm dứt hiệu lực).

Ở Pháp, trong một quyết định gần đây vào tháng 4-2021, Cục Sở hữu công nghiệp của Pháp (INPI) đã ra một quyết định khuyến khích doanh nghiệp in dấu hiệu ® cạnh nhãn hiệu bảo hộ, coi đây là bằng chứng sử dụng nhãn hiệu, vốn rất cần thiết khi có tranh chấp. Tuy nhiên, ở Pháp cũng như ở các nước châu Âu, việc sử dụng dấu hiệu này không có bất cứ ảnh hưởng nào tới việc tòa án xác định mức đền bù thiệt hại trong trường hợp vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu.

Khi quan sát luật một số nước khác, thì ta có thể thấy một thực tiễn pháp lý khá tương tự ở Nhật. Một mặt, việc sử dụng đúng dấu hiệu ® không bị coi là bắt buộc, nhưng cũng được khuyến khích. Mặt khác, luật của quốc gia này còn xử phạt rất nặng (khởi tố hình sự) hành vi sử dụng dấu hiệu ® với mục đích gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Ở Trung Quốc, việc in dấu hiệu ® (hoặc dấu hiệu “nhãn hiệu được bảo hộ” bằng tiếng Trung) trên sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu cũng được các cơ quan chức năng khuyến nghị. Tương tự như ở Mỹ, điều này có thể có tác động tới mức đền bù thiệt hại do vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu gây ra.

Những điều trên cho thấy, các dấu hiệu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sử dụng cho sản phẩm trên thị trường đều được khuyến khích khi nó được sử dụng đúng, trung thực và hợp lý. Trong khi đó, việc sử dụng các dấu hiệu này với mục đích ăn theo sản phẩm khác, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, hiển nhiên, sẽ luôn mang lại những hậu quả pháp lý tiêu cực cho doanh nghiệp.

Nguồn: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Dấu hiệu.,…

https://www.thesaigontimes.vn/318585/dau-hieu-bao-ho-tren-san-pham-y-nghia-gi.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *