Đậu mùa khỉ thế chỗ Cô-rô-na?

A.C.N / Tuổi trẻ cười


Đậu mùa khỉ, một căn bệnh nhiệt đới ở châu Phi, đã bất ngờ xuất hiện với hơn 237 ca nhiễm và nghi nhiễm ở gần 20 quốc gia, khiến các chuyên gia dịch tễ ngạc nhiên.

Trong khi giới hoạ sĩ biếm quốc tế cũng xốn xang tìm ngay những bút và cọ của họ…

Thế kỷ 21 thiệt là… lắm bẫy! – tranh của hoạ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Ahmad Rahma. 
Thế kỷ 21 thiệt là… lắm bẫy! – tranh của hoạ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Ahmad Rahma. 

Hôm 7-5-2022, có ca đầu tiên nhiễm virus đậu mùa khỉ. Tới ngày 24-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa thống kê có 131 ca mắc đậu mùa khỉ, cùng 106 ca nghi nhiễm trên toàn cầu.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vừa trở thành quốc gia vùng Vịnh đầu tiên ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở một du khách gần đây đã tới Tây Phi.

Bệnh cũng xuất hiện ở Nam Mỹ, với Argentina công bố ca nghi nhiễm đầu tiên.

Cộng hòa Séc và Slovenia cũng đã báo cáo các trường hợp đầu tiên của họ vào ngày 24-5, cùng với 18 quốc gia khác phát hiện virus đậu mùa khỉ ở bên ngoài khu vực lây nhiễm thường gặp ở các miền xa xôi bên Tây Phi và Trung Phi.

An toàn hả, mơ đi cưng! – tranh của hoạ sĩ Hoa Kỳ Dave Whamond. 
An toàn hả, mơ đi cưng! – tranh của hoạ sĩ Hoa Kỳ Dave Whamond. 

Việc bùng phát virus gây bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều nước thuộc châu Âu, Úc và Bắc Mỹ đang khiến các chuyên gia dịch tễ học ngạc nhiên, vì đó là loại bệnh đặc hữu ở châu Phi.

Liệu đó có phải là một hiện tượng “siêu lây lan”, như sau một vụ tụ tập đông người, hay do một chuỗi lây lan trong cộng đồng nhưng trước đó chưa được ghi nhận? Để tìm câu trả lời thoả đáng, họ cần những xét nghiệm về phả hệ di truyền của virus, theo bác sĩ Trần Tịnh Hiền – giáo sư tiến sĩ, giám đốc Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng thuộc Đại Học Oxford, Vương quốc Anh.

Việc giải trình tự bộ gien ban đầu từ một số ít ca bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu cho thấy có sự tương đồng với chủng virus đậu mùa lây lan hạn chế ở Anh, Israel và Singapore hồi năm 2018.

Kẻ mới tới – tranh của hoạ sĩ Đức Paolo Calleri. 
Kẻ mới tới – tranh của hoạ sĩ Đức Paolo Calleri. 

Dù không rõ liệu đây là “phần nổi của tảng băng chìm”, và liệu việc lây truyền bệnh đậu mùa khỉ đã qua đỉnh điểm hay chưa, song WHO cho rằng không có khả năng virus bệnh nầy đã đột biến.

Giải xổ số “Quỷ sứ” – tranh của hoạ sĩ Hoa Kỳ Pat Byrnes. 
Giải xổ số “Quỷ sứ” – tranh của hoạ sĩ Hoa Kỳ Pat Byrnes. 

Theo WHO, sự lây truyền bệnh đậu mùa khỉ có thể được thúc đẩy từ sự thay đổi trong hành vi của con người, đặc biệt là khi mọi người trở lại với cuộc sống “bình thường mới” sau khi các hạn chế phòng chống COVID-19 được dỡ bỏ trên toàn thế giới.

“Nhiệm vụ” mới của Thần Chết – tranh của hoạ sĩ Đức Fahd.
“Nhiệm vụ” mới của Thần Chết – tranh của hoạ sĩ Đức Fahd.

Mặc dù đợt bùng phát lần này là bất thường, nhưng bệnh đậu mùa khỉ vẫn ở mức “có thể kiểm soát được” và có giới hạn. Theo WHO, số ca nhiễm bệnh dự kiến vẫn sẽ tăng lên, nhưng rủi ro tổng thể đối với dân số nói chung vẫn ở mức thấp.

Khi Thượng đế… nghe nhầm – tranh của hoạ sĩ Ý Tomas.

Tay hoạ sĩ Ý này dám “rinh” cả Thượng đế vô tranh biếm, tạo ra sự khôi hài trong… “trò chơi chữ”, vì Ngài nghe nhầm “Pax” (tiếng La-tinh, có nghĩa là hoà bình) thành “Pox”, tức bệnh thuỷ đậu.

“Pox” là một trong các tên lịch sử của bệnh đậu mùa trong tiếng Anh. Thuật ngữ “Smallpox” (bệnh đậu mùa) được sử dụng lần đầu tiên ở Anh vào thế kỷ 15, để phân biệt với… bệnh giang mai – được gọi nôm na là “Great Pox”.

Danh từ “Monkeypox” (bệnh đậu mùa khỉ) xuất hiện từ năm 1958, sau khi bên Hoa Kỳ phát hiện bệnh đậu mùa khỉ ở 2 dòng khỉ nuôi để nghiên cứu.

Bệnh đậu mùa khỉ (Monkeypox) là một loại bệnh truyền nhiễm rất hiếm, tuy tương tự như bệnh đậu mùa (Smallpox) nhưng ít nghiêm trọng hơn, và cũng ít lây nhiễm hơn.

Cảnh giác vẫn không thừa – tranh của Osama Hajjaj, hoạ sĩ Jordan.

Dù bệnh đậu mùa khỉ ít có khả năng tạo ra một loại đại dịch như COVID-19, song số ca nhiễm bệnh này có thể sẽ tăng cao hơn nữa ở châu Âu trong mùa hè 2022.

Tuy vậy, bệnh đậu mùa khỉ thường gây bệnh nhẹ, có thể phòng chống bằng vắc-xin đậu mùa thông thường, do hai loại virus đậu mùa ở người vả ở khỉ khá giống nhau.

Theo BBC (25-5-2022), nước Đức đã đặt 40.000 liều vắc xin Imvanex phòng chống bệnh đậu mùa nhưng cũng có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ.

Chính phủ Hoa Kỳ cũng vừa quyết định chi 119 triệu USD để mua loại vắc-xin Jynneos giúp phòng ngừa cả đậu mùa và đậu mùa khỉ.

Bàn tay… truyền nhiễm – tranh của Miguel Morales Madrigal, hoạ sĩ Cuba. 
Bàn tay… truyền nhiễm – tranh của Miguel Morales Madrigal, hoạ sĩ Cuba. 

Bức tranh biếm này vẽ nhái theo bức tranh tường “Sự tạo dựng Adam” (“Creazione di Adamo”, tiếng Ý) do danh hoạ Michelangelo vẽ trên trần nhà nguyện Sistina, thành Vatican, vào khoảng năm 1511.

Bức tranh nổi tiếng ấy mô tả đức Chúa Trời tạo ra Adam – người đàn ông đầu tiên. Trong tranh, cánh tay phải của Chúa dang rộng ra để truyền tia lửa của sự sống từ ngón tay của mình vô ngón tay của Adam.

Còn trong tranh này, ngón tay của con khỉ nhiễm bệnh lại truyền đậu mùa khỉ vô ngón tay của một con người, híc híc…

Cảnh giác! – tranh của Renea Ananda, hoạ sĩ Philippines. 
Cảnh giác! – tranh của Renea Ananda, hoạ sĩ Philippines. 

Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện trên người được phát hiện hồi năm 1970 ở Congo, song không rõ nguồn lây từ đâu. Hơn 40 năm sau, tới năm 2017 lại xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ ở Nigeria…

Virus bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền lây qua sự tiếp xúc gần với người mắc bệnh: lây nhiễm qua da, màng nhầy bị tổn thương trước đó; lây qua các giọt bắn đường hô hấp, dịch tiết từ cơ thể, hay qua các vật dụng dùng chung như khăn trải giường, mền gối và khăn tắm của người bệnh,…

Bệnh đậu mùa khỉ nào phải là… Bệnh của Chuối! 
Bệnh đậu mùa khỉ nào phải là… Bệnh của Chuối! 

Gần 3 năm nay, công chúng cùng giới hoạ sĩ biếm đều rất quen với biểu tượng của virus corona chủng mới, thù phạm gây ra đại dịch COVID-19, do nó đã được các nhà khoa học giải mã và công bố “hình dạng”.

Nay, do chưa có công bố khoa học nào tương ứng nên giới hoạ sĩ đang lúng túng chưa biết nên vẽ virus bệnh đậu mùa khỉ ra sao hết.

Nhiều hoạ sĩ vẽ nó cũng có những gai tựa như “Cô-Na Cô-Vít”. Một số hoạ sĩ khác đành vẽ… trái chuối để nhắc tới con khỉ. “Phe” hoạ sĩ này bị trượt vô “cái bẫy” do chính họ tạo ra: biến bệnh đậu mùa khỉ bùng phát ở con người thành ra… bệnh của chuối – “Đuối” thiệt nha!

BÊN TRÁI: Tranh của hoạ sĩ Ả Rập Xê-út Ameen Alhabarah. Toàn cầu bùng phát bệnh đậu mùa khỉ được thể hiện như một trái chuối mang bản đồ thế giới hiện ra trước mắt con khỉ? Dzuyệt!

BÊN PHẢI: Tranh của hoạ sĩ Pháp Zap. Bạn thử đưa riêng tranh này cho nhiều người xem và ghi nhận tỷ lệ những câu trả lời, để coi có bao nhiêu phần trăm nói về bệnh đậu mùa khỉ, và bao nhiêu phần trăm nói về… bệnh đốm của chuối nghen.

Đậu mùa khỉ đâu phải… “Cô-Na”! – tranh của Guaico, hoạ sĩ Colombia. 
Đậu mùa khỉ đâu phải… “Cô-Na”! – tranh của Guaico, hoạ sĩ Colombia. 

Vẫn là cái “vương miện corona” tua tủa gai, như mớ gai của virus corona, trên đầu con khỉ bị bệnh, Tuy vậy, nếu con khỉ này bị mắc đậu mùa khỉ, ắt là nó đang trong… thời gian ủ bệnh, vì hoạ sĩ quên tuốt không vẽ những nốt ban đậu trên mặt, trên cánh tay hay bàn tay của nó!

Có phải “Cô-Na” mới? – tranh của hoạ sĩ Hà Lan Arend van Dam. 
Có phải “Cô-Na” mới? – tranh của hoạ sĩ Hà Lan Arend van Dam. 

Nhiều người trong số các trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đã được xác định ở các… phòng khám sức khoẻ tình dục.

Bà Sylvie Briand, giám đốc về Chuẩn bị sẵn sàng các nguy cơ truyền nhiễm toàn cầu, thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói rằng điều đặc biệt quan trọng là phải cố gắng ngăn chặn lây truyền bệnh đậu mùa khỉ qua đường tình dục.

Xét nghiệm… “siêu tưởng” – tranh của hoạ sĩ Áo Marian Kamensky. 
Xét nghiệm… “siêu tưởng” – tranh của hoạ sĩ Áo Marian Kamensky. 

Vẫn bị cái thời mắc dịch ám ảnh, nên thay vì thọc que để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, nay nhà hoạ sĩ Áo lại bịa ra trò chọt trái chuối vô mũi để xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ.

Ui, đậu mùa khỉ! – tranh của DengCoy Miel, hoạ sĩ Singapore.  
Ui, đậu mùa khỉ! – tranh của DengCoy Miel, hoạ sĩ Singapore.  

Sau thời gian ủ bệnh từ 5 tới 21 ngày, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như sốt kèm theo ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ, đau lưng và kiệt sức. Sau đó, các hạch bạch huyết bị sưng lên (khác biệt với bệnh đậu mùa “cổ điển”).

Sau khi sốt từ 1 tới 3 ngày sẽ nổi ban đậu qua các thời kỳ: mẫn đỏ, mụn gồ lên, có mụn nước, và rồi là mụn mủ (bị nhiễm trùng). Phát ban thường bắt đầu trên mặt, sau đó lan tới các bộ phận khác của cơ thể.

Các mụn mủ khi khô lại sẽ đóng vẩy đen, sau đó vẩy sẽ rụng, để lại vô số vết thẹo chẳng ai muốn có. Chú ý: Các vẩy còn mang virus nên cũng có thể làm lây bệnh khi người chung quanh hít phải như bụi bặm…

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm thường nhẹ, không gây nguy hiểm chết người, có thể được ngăn chặn tương đối dễ dàng thông qua các biện pháp như tự cách ly và giữ gìn vệ sinh chu đáo.

Nguồn: https://cuoi.tuoitre.vn/biem-hoa/dau-mua-khi-the-cho-corona-2022052566330115.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *