“Mình nuôi con đừng như gà nuôi con. Suốt đời cung cúc kiếm ăn cho con, động chuyện gì thì xòe cánh ra che chở cho con…” – đó chính là kim chỉ nam trong cách nuôi dạy con của nhà sáng lập Tân Hiệp Phát.
Rất nhiều doanh nhân thành đạt trong xã hội xưa và nay thường có lý di vì sự nghiệp bận rộn nên có thời gian bên con cái. Và vì thế, họ thường dùng tiền và sự chiều chuộng để “bù lại” những thiếu thốn tình cảm cho con.
Tuy nhiên, vấn đề đó chưa bao giờ xảy ra trong gia đình của người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát – ông Trần Quí Thanh.
Đừng như gà nuôi con
“Mình nuôi con đừng như gà nuôi con. Suốt đời cung cúc kiếm ăn cho con, động chuyện gì thì xòe cánh ra che chở cho con. Đừng nghĩ đó là yêu con, chính là đang hại con đó” – đó là câu nói mà Dr Thanh thường xuyên nói với Madam Nụ và dường như đó chính là kim chỉ nam trong cách nuôi dạy con của nhà sáng lập Tân Hiệp Phát.
Khi chia sẻ về cha của mình, Trần Uyên Phương – con gái đầu lòng của ông Trần Quí Thanh – đã từng nhiều lần tiết lộ Dr Thanh là một người vô cùng nghiêm khắc, dạy con tính tự lập và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình ngay từ khi còn nhỏ.
Uyên Phương chia sẻ: “Ba rất không hài lòng khi tôi ngủ dậy muộn, nhưng không phải ngày nào cũng sang đánh thức tôi. Ba hay dùng câu tục ngữ: ‘Đời người có một gang tay, ai hay ngủ ngày chỉ còn nửa gang’ để nhắc nhở tôi”. Và điều này đã hình thành thói quen thức dậy sớm của cô khi còn rất bé.
“Suốt tuổi thơ, trong đầu tôi là nỗi sợ ba, sợ phát run phát rét, sợ như sợ… cọp. Nhớ trận đòn duy nhất của ba đã khiến tôi vô viện” – Uyên Phương viết trong cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh” như vậy.
“Ba cũng nhiều lần nhắc nhở chúng tôi: “Không ai phục vụ các con hết, tự các con phải phục vụ lấy các con và phục vụ người khác”, Uyên Phương chia sẻ.
Thời 3 người con còn đi học, ông Thanh chưa từng một lần đi họp phụ huynh, cũng không trao đổi với bất cứ thầy cô nào, chưa từng ngó sách vở của con mình. Tất tần tần mọi thứ liên quan tới chuyện ăn học của 3 đứa nhỏ đều một tay mẹ – bà Nụ – vun đắp.
Ông Thanh cũng luôn nhắc nhở các con, học là để đi làm chứ không phải để có nhiều học vị. Mục tiêu cuối cùng và thước đo của mỗi con người chính là giá trị mà người đó tạo ra cho xã hội chứ không phải “có mấy cái bằng”.
Cách giáo dục con của ông Thanh là không ép, không vạch sẵn và bắt con làm theo mà để cho con tự chọn dưới sự hướng dẫn, dìu dắt của mình. Ông Thanh và vợ tập cho con khả năng suy nghĩ, biết được những giá trị đúng, những hành vi được chấp nhận và cho con quyền tự quyết định cũng như phải tự chịu trách nhiệm về những quyết định đó.
Thương cho roi
Sau khi tốt nghiệp ở Singapore hay Anh, các con của Dr Thanh không như những cậu ấm, cô chiêu khác được bổ nhiệm ngay ở những vị trí cao chót vót mà phải bắt đầu từ vạch xuất phát để khẳng định giá trị của bản thân với mọi người và đặc biệt là với… cha mình.
Vì vậy họ khởi đầu ở Tân Hiệp Phát ở những vị trí “vô cùng khiêm tốn” trong công ty.
Công việc kinh doanh ngày càng phát triển, những khó khăn thử thách đối với từng thành viên trong gia đình cũng khó khăn hơi bội phần. Uyên Phương từng chia sẻ: “Nhiều hôm, mở mắt ra từ 5h sáng đã bắt đầu vào ‘bài tập’ để chuẩn bị ‘trả bài’ cho ‘ông chủ’ – cũng chính là ba Thanh”.
Bữa trưa vào lúc 14-15h là thường, còn bữa tối nhiều ngày đến tận 24h. Thậm chí, 2h sáng mới kết thúc nếu cha con còn ngồi trò chuyện, bàn bạc công việc.
Trong cuốn “Chuyện nhà Dr Thanh”, nữ doanh nhân trẻ này cũng từng tiết lộ cách mà ông Trần Quí Thanh xử lý khi con cái mắc phải sai lầm trong công việc.
Đó là trường hợp của Quốc Dũng – con trai duy nhất của gia đình – khi quyết mở công ty riêng, là nhà phân phối sản phẩm của công ty. Vốn nhanh nhạy, tháo vát, trách nhiệm, công ty của Dũng phát triển rất nhanh, hơn một năm, đã trở thành nhà phân phối của Tân Hiệp Phát có doanh thu lớn nhất TP HCM.
Thế nhưng, phát triển nhanh và không có hệ thống kiểm soát tốt, đó chính là cái bẫy dẫn đến việc mất hết tất cả. Nhân viên của Dũng bán phá vùng, phá giá, bị chính nhà phân phối khác kiện lên với “ba Thanh”.
Với sai lầm của con trai, ông Thanh đã có quyết định xử lý “không nhân nhượng” để các nhà phân phối khác tâm phục khẩu phục. Trước quyết định của gia đình, Quốc Dũng nhận lỗi và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sai lầm của mình, bàn giao tất cả những gì Tân Hiệp Phát cho mượn trong vòng 2 tuần.
Cậu con trai duy nhất trong gia đình không khóc lóc, năn nỉ, bình tĩnh đón nhận cái giá cho việc mất kiểm soát của mình. Có lẽ đó chính là sự bản lĩnh, chí khí được đúc kết, thôi rèn từ những bài học của cha.
Ông Trần Quí Thanh cũng đã từng chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng “Khi con làm sai, muốn cho con giỏi phải xử phạt công bằng, còn nếu muốn con hư thì bỏ qua. Không lý gì con làm sai lại không trừng phạt cả. Vì nếu không thì sự thỏa hiệp đó làm cho nhân viên không phục.
Thậm chí con cái làm sai bị phạt nặng hơn, vì phải làm gương.
Cứ sai chỗ nào thì xử chỗ đó, nhưng quan trọng là để con thấy được cái sai của mình để sửa và làm cho tất cả nhân viên đều có suy nghĩ làm thế nào để bảo vệ cho mục tiêu chung của công ty”.
Làm việc quần quật không dưới 16 tiếng mỗi ngày nhưng những người con của ông chủ Tân Hiệp Phát lại khó khăn lắm mới được nhận lương như những người khác.
Uyên Phương chia sẻ sau một thời gian dài miệt mài cống hiến, cô đã phải tự phấn đấu, thậm chí là tranh đấu mới có mức thu nhập ngang bằng như lẽ ra cần phải có. Nhưng cũng chính quãng thời gian này, cô mới hiểu hơn về những khó khăn, vất vả thầm lặng của cha. Để rồi khi lên vị trí lãnh đạo, cô hiểu, cảm ơn và trân trọng ba Thanh mẹ Nụ và những người thân yêu quanh mình hơn bao giờ hết.
“Có một vài người bạn nói với tôi rằng họ rất nể ba tôi, nhưng làm con gái của ông thì họ không bao giờ muốn. Ví dụ như ba từng nói đến mức là: ‘Tôi đẻ ra không có nghĩa là tôi phải nuôi đâu’. Nhưng với bản thân mình, tôi thấy đó là điều may mắn và hạnh phúc, vì tôi học được nhiều hơn những người khác, thậm chí là quá nhiều.
Tôi nghĩ, cái gì cũng có giá của nó. Và tôi cảm ơn vì được làm con của ba Thanh và má Nụ”, Uyên Phương tâm sự.