Khủng long trầm cảm

Sơn Tùng/ Báo TBKTSG
Chừng 10 năm trước, người viết bài này có dịp dự một khóa học ở Philippines của Tiến sĩ D. J. Clark, một nhà báo và là giảng viên truyền thông đa phương tiện người Úc. Khi biết tôi đang làm việc tại một tờ báo in ở Việt Nam, ông Clark điểm mặt tôi và bảo: “Anh là một con khủng long”. Không phải tôi gớm ghiếc hay kinh khủng gì đâu. Ý ông nói đùa rằng loại hình báo chí tôi đang làm đã quá cổ lỗ, chẳng khác gì một con khủng long thời tiền sử.

Lúc ấy, bắt đầu từ năm 2009, nước Mỹ đang chứng kiến sự suy giảm sâu của báo in khi hàng loạt nhật báo đóng cửa. Nhiều tờ trong số còn lại nếu không giảm kỳ phát hành thì cũng chuyển thành báo mạng. Tuy thế, tôi cũng khá tự tin, tự nhủ rằng tình hình ở Việt Nam có thể sẽ khác, hoặc chí ít sự suy giảm báo in cũng sẽ chậm hơn. Lập luận của tôi dựa trên nhận định sau: trên thực tế cho đến lúc bấy giờ, ở những nước có nhiều độc giả vốn thích đọc báo in như Đức hay Nhật, số phận báo in không tệ như ở Mỹ. Và Việt Nam cũng là một nước có truyền thống đọc báo in rất mạnh, do đó, tương lai của loại hình báo chí này ở đây chưa chắc giống như ở Mỹ.

Mười năm đã trôi qua. Những gì diễn ra trong thời kỳ suy thoái của báo in ở Việt Nam có phần chậm hơn, nhưng nhìn chung đã đi theo xu hướng của thế giới. Chiều hướng này có lẽ một phần là do sự liên lập của nền kinh tế toàn cầu, trong đó phát triển kỹ thuật có ảnh hưởng rất lớn và đã làm thay đổi dòng chảy thông tin. Kịch bản ở Mỹ đã lặp lại tại Việt Nam. Phần kinh doanh của các cơ quan báo in sụt giảm, cả quảng cáo lẫn phát hành. Nhiều tờ báo in biến mất, giảm kỳ phát hành hay chuyển thành báo mạng.

May mắn là tờ tuần báo nơi tôi làm việc vẫn xuất bản đều đặn mỗi sáng thứ Năm, vẫn trung thành chuyển tải tới độc giả những thông tin tốt nhất chúng tôi có thể làm ra. Nhưng một “con khủng long xưa như Trái đất trong làng báo”, là tôi, vốn cày ải gần 30 năm nay ở tòa soạn này, đã trở nên quá tải vì tuổi tác. Thêm vào đó là gánh nặng của hàng loạt yếu tố khác. Tôi không hề muốn nói rằng số phận của mình thể hiện phần nào đó tình cảnh của nền báo in nước nhà. Tôi cũng không hề muốn ám chỉ điều gì đối với các bạn đồng nghiệp. Tuy nhiên, dù muốn dù không, tôi vẫn mang nặng cảm giác mình giống như một con khủng long già nua vốn chịu nhiều áp lực lâu nay đến mức lâm vào tình trạng trầm cảm.

Có người trách báo mạng – theo nghĩa rộng bao gồm cả các mạng xã hội – là thủ phạm “tàn phá” báo in. Tôi cho rằng cách nói này không được công bằng. Các loại hình truyền thông sinh ra bình đẳng với nhau và cạnh tranh công bằng với nhau trên thị trường. Nếu báo in có thất thế trong cuộc cạnh tranh này, đó là do nhiều yếu tố chứ không hề bởi vì báo mạng đã “chơi xấu”. Như vậy, báo in phải tự chịu trách nhiệm cho sự thành bại của mình, chứ không thể đổ lỗi cho ai hết.

Các loại hình truyền thông sinh ra bình đẳng với nhau và cạnh tranh công bằng với nhau trên thị trường. Nếu báo in có thất thế trong cuộc cạnh tranh này, đó là do nhiều yếu tố chứ không hề bởi vì báo mạng đã “chơi xấu”. Như vậy, báo in phải tự chịu trách nhiệm cho sự thành bại của mình, chứ không thể đổ lỗi cho ai hết.

Dù nền kinh tế Việt Nam có được định hướng như thế nào đi chăng nữa, nhiều tờ báo phải tự nuôi sống mình. Hơn ai hết, doanh nghiệp rất nhạy cảm và cẩn trọng với túi tiền của họ. Khi truyền thông mạng lên ngôi, ngân sách quảng cáo dành cho báo in cũng giảm xuống. Thế là quảng cáo trên báo in sụt giảm nghiêm trọng. Số trang quảng cáo trên các tờ báo lớn nói lên tất cả. Số lượng phát hành cũng giảm dù việc này ít được đề cập hơn. Đất chật, người đông, khi miếng bánh nhỏ lại, thì việc tranh giành khắt khe hơn cũng là điều khó tránh.

“Có thực mới vực được đạo”. Chân lý được người xưa đúc kết này mới thật thấm thía với nhà báo trong nền kinh tế thị trường ngày nay. Ai làm báo cũng biết đây thực sự là một cuộc chiến xảy ra cả “ngoài mặt báo” lẫn “trong tòa soạn”. “Ngoài mặt báo”, đó là các nhà quảng cáo tìm cách gây ảnh hưởng đến nội dung, hoặc buộc phải có những thỏa thuận khác thường. “Trong tòa soạn”, đó là việc có lúc người làm nội dung phải nhường bước trước áp lực của người làm kinh doanh. Thu nhập sút giảm, nhà báo cũng làm liều; nhiều tiêu cực đủ dạng đã xảy ra.

Và hậu quả không phải chỉ ảnh hưởng đến tờ báo. Trong số những người thiệt thòi trong cuộc chiến nói trên, có cả độc giả với quyền được thông tin của họ. Khi một tờ báo không còn chuyên tâm làm nội dung, thì chất lượng tin bài chắc phải ít nhiều sút giảm.

Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Người thiệt hại cuối cùng chính là các tờ báo và nhà báo liên quan. Quan trọng hơn cả doanh số quảng cáo và số lượng phát hành là sự sút giảm lòng tin của bạn đọc vào tờ báo. Ngay từ năm 1999, một cuộc điều tra do tờ USA Today, CNN và Viện Gallup chủ xướng cho thấy chỉ có 36% người Mỹ tin rằng các tờ báo họ đọc đưa tin chính xác so với 54% vào năm 1989. Tháng 9 năm ngoái, một cuộc điều tra của Knight Foundation và Viện Gallup cũng cho thấy phần lớn người Mỹ đã mất niềm tin vào nền báo chí của họ. Ở Việt Nam không có các cuộc điều tra như vậy, nhưng nếu được thực hiện một cách công tâm, chắc có thể cũng mang lại nhiều điều tương tự. Khi lòng tin đã không còn, thì sự xa cách sẽ khó tránh khỏi.

Nhưng đây chính là một cái vòng luẩn quẩn rất nguy hiểm. Nếu bạn đọc không còn tin vào báo chí nói chung và báo in nói riêng, thì ai sẽ thế vai? Phải chăng mạng xã hội sẽ đóng thế vai trò của báo chí? Hiện nay khó nói chính xác, nhưng hãy nghĩ đến nạn tin giả và tính chuyên nghiệp, trách nhiệm trong việc đưa tin.

Như vậy, “con khủng long trầm cảm” đã hết thuốc chữa? Người viết bài cho rằng không hẳn thế. Nhu cầu thông tin sẽ tồn tại cho đến khi con người còn tồn tại. Báo chí sẽ tồn tại dù hình thức của nó có thay đổi, miễn là báo chí đáp ứng được nhu cầu thông tin của độc giả – cho dù có báo in hay không, báo mạng có lên ngôi hay không. Đến đây, người ta lại nhớ đến câu chuyện tương tự giữa phát thanh và truyền hình. Khi truyền hình ra đời, nhiều người xem đây là khởi đầu của sự chấm dứt loại hình báo phát thanh. Nhưng cho đến giờ, điều xấu nhất đó vẫn chưa xảy ra.

Theo người viết, để tồn tại, báo in không nên chọn cách cạnh tranh với báo mạng theo nghĩa tiêu diệt lẫn nhau mà phải cùng thắng (win-win), chẳng hạn như những gì tờ New York Times đã làm qua việc phát triển phiên bản điện tử của nó. Tờ báo số 1 nước Mỹ phải cắt giảm phân nửa số lượng phát hành bản in, từ hơn 1 triệu bản mỗi ngày năm 2005 xuống chỉ còn hơn 500.000 bản năm 2017. Tuy nhiên, vào tháng 2 năm ngoái, tờ báo này đang thu hút hơn 2,6 triệu độc giả qua mạng. Tháng 1-2013, lần đầu tiên trong lịch sử tờ New York Times, doanh thu từ bán báo (in và qua mạng) của nó vượt qua doanh thu từ quảng cáo. Năm 2014, tờ báo này kiếm được 400 triệu đô la Mỹ bằng đăng ký đọc báo và quảng cáo qua mạng (*).

Năm ngoái, trong một cuộc phóng vấn với đài truyền hình CNBC (**), Tổng giám đốc (CEO) Mark Thompson của tờ New York Times dự báo rằng phiên bản báo in có thể tồn tại thêm 10 năm nữa.

Khó ai nói được báo in ở Việt Nam sẽ tồn tại trong bao lâu. Tuy nhiên, nhìn các bạn trẻ trong tòa soạn phiên bản báo mạng của chúng tôi miệt mài làm việc, “con khủng long” là tôi lại thấy an tâm phần nào. Các bạn ấy gợi cho tôi hình ảnh của mình 30 năm trước khi mới vào nghề – nhiệt tình, say mê. Để đến được với độc giả, theo tôi, báo in hay báo mạng đều không thể thiếu niềm đam mê nghề nghiệp. Cho dù số phận của tôi có phải chịu điều tương tự như các loài khủng long 66 triệu năm trước khi một thiên thạch va vào Trái đất, thế giới cũng sẽ mở ra một thời kỳ tiến hóa rực rỡ hơn. Tôi cho là như thế.

Nếu vậy, các bạn ấy không có gì phải lo, phải bị trầm cảm cả.

(*) https://www.fool.com/investing/general/2016/05/15/how-can-the-new-york-times-survive-in-a-post-print.aspx

(**) https://www.cnbc.com/2018/02/12/print-journalism-may-last-another-10-years-new-york-times-ceo.html

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh tế Sài Gòn
Link bài: Khủng long trầm cảm
(https://www.thesaigontimes.vn/td/290266/khung-long-tram-cam.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *