Đề cao danh dự của người khác là tôn trọng chính mình

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet.

—–

Thưa bác,

Cảm ơn bác đã chỉ giáo cho cháu về câu hỏi quản trị tài sản trí tuệ. Nay cháu muốn được bác chỉ giáo cho cháu về một vấn đề cụ thể hơn, và cũng cấp thiết hơn, là: Làm thế nào để giữ mối quan hệ hài hoà giữa nhân viên và sếp?

Có thể bác phì cười vì câu hỏi có vẻ “ngây ngô” này nhưng quả thực cháu đang rất đau đầu về vấn đề này.

Mong chờ ý kiến của bác

Kính bác

Trần Quyết Tiến (Tp Vinh): songvayeu17@gmail.com

—–

Cháu Trần Quyết Tiến mến!

Câu hỏi này không ngây ngô tí tẹo nào, không biết hỏi câu này mới là ngây ngô đó cháu.

Nhiều người cứ lầm tưởng mình có hiểu biết về cách đối nhân xử thế trong cộng đồng xã hội, nhưng vẫn cứ trật lất, huống chi ứng xử trong mối quan hệ làm ăn, trong công ty, trên dưới đồng lòng. Còn lâu mới làm được nếu như không học hỏi và thực hành nghiêm túc.

Sếp trong một doanh nghiệp phải hiểu là có nhiều sếp. Nếu cháu đứng đầu một phòng ban, là kỹ sư điều hành một dây chuyền sản xuất, đương nhiên cháu là sếp.

Vậy thì, cháu có vai trò lãnh đạo trong team của cháu, phải làm sao để cho mọi người đều vui vẻ, siêng năng, có trách nhiệm và hưởng thành quả  lao động cao. Khi đó cháu mới xứng đáng là sếp và lẽ dĩ nhiên mọi người sẽ tôn trọng cháu.

Ai cũng nói “teamwork” nhưng mấy ai hiểu đúng về khái niệm này. Đâu phải cứ hai người trở lên cùng làm việc là teamwork, mà những người trong cùng một nhóm, phân công công việc phù hợp, người giỏi nhất cũng như người yếu nhất đều phát huy được năng lực, thành công của người này là thành công của người khác, và cao nhất là tất cả cùng một mục đích, một sứ mệnh, một thành công, không có ai cao ai thấp.

Bác nói loanh quanh như vậy để quay về điểm xuất phát, đó là khi làm sếp, cháu phải huy động được nguồn lực của từng cá nhân, không phân biệt, không yêu ghét cảm tính, mà phải coi từng người là tay chân, thân thể của mình.

Cháu không  bao giờ và không được phép cho rằng mình là người giỏi nhất, là lãnh đạo mọi người, “cái tôi” chỉ dẫn chúng ta đến mạt lộ.

Khi thành công, cháu phải dành sự khen thưởng cho nhân viên của mình, cám ơn họ vì đã giúp cho cháu hoàn thành nhiệm vụ.

Khi thất bại, cháu phải là người đứng ra chịu trách nhiệm, xin lỗi mọi người vì mình kém, đã làm cho anh em thất vọng, mong mọi người giúp đỡ để lần sau không thất bại nữa.

Thành công thì nhận về mình, thất bại thì đổ lỗi cho cấp dưới, thế thì không ai đi theo mình đâu.

Làm sếp, không chỉ lo chuyên môn cho mình, mà phải lo cho chuyên môn và sự thăng tiến cho cấp dưới. Muốn như vậy thì mình phải là người huấn luyện, đào tạo và tổ chức đào tạo cho nhân viên của mình. Từ thầy tới trò đều dốt nát, lạc hậu thì làm sao doanh nghiệp phát triển.

Cuối cùng là niềm tin. Sẽ không có nhân viên nào hết lòng khi sếp không đặt niềm tin vào họ. Những người có lòng tự trọng luôn sợ người tin mình thất vọng về mình, cho nên họ làm việc không vì tiền mà vì danh dự. Khi cháu đề cao danh dự của người khác, tự khắc cháu sẽ lấy danh dự của mình làm trọng.

Chúc cháu thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tui: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *