Sau 2 ngày các phương tiện truyền thông đăng tin nâng cấp biện pháp mạnh hơn để chống dịch, thực hiện triệt để “ai ở đâu ở yên đấy” từ 0 giờ ngày 23/8 với sự tăng cường của lực lượng quân đội và công an hỗ trợ cho TP.HCM, vợ tôi đã cố đặt hàng online nhưng các đơn hàng đều bị huỷ đành nhờ tôi chở ra cửa hàng và siêu thị mua đồ.
Tôi nói với vợ “nhà chức trách đã tuyên bố có lực lượng đi chợ thay, mang thực phẩm đến tận nhà, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc” em lo chi.
Vợ tôi liền bảo: “sau hai ngày vẫn không biết lực lượng chức năng sẽ cung cấp giúp những gì, phải đặt hay đăng ký qua kênh nào, nếu có nhu cầu thuốc men có được cấp không… ? Sữa của con chỉ còn đủ cho một tuần, đồ ăn dặm cũng sắp hết. Shipper cũng sẽ cấm, mình đặt hàng qua mạng bị huỷ, không có người giao. Gia đình mình đi mua thực phẩm thì chủ động, tự lo được cũng giảm gánh nặng lên các lực lượng đã căng mình chống dịch rất vất vả 3 tháng qua”.
Không nói thêm, tôi thu xếp công việc chở vợ đi để có thể về nhà trước 18 giờ dù đoan chắc ngoài cửa hàng, siêu thị vẫn đông người.
Vừa ra khỏi nhà, gặp anh bạn hàng xóm cũng chở vợ đi siêu thị về. Anh than với tôi cái tủ lạnh nhà anh bị hỏng không gọi thợ sửa được, không biết trữ đồ tươi sống như thế nào! Anh phải tranh thủ chạy đôn chạy đáo tìm mua tạm cái thùng đựng đá lạnh làm giải pháp tình thế và nhờ sự hỗ trợ đá lạnh của hàng xóm. Bình thường cái thùng này không là sản phẩm thiết yếu, nhưng khi cái tủ lạnh bị hỏng thì nó lại rất thiết yếu.
Khi giãn cách, “ai ở đâu ở đấy” kéo dài sẽ có vô số vấn đề cụ thể trong cuộc sống hàng ngày phát sinh mà mỗi chúng ta hay bất kỳ tổ chức nào cũng chưa thể hình dung hết.
Với các gia đình cụ thể lo những bữa ăn hàng ngày, sữa cho em bé, hàng hoá cho phụ nữ, thuốc men cho người già, người bị bệnh cũng chẳng kém quan trọng so với việc làm sao để giữ an toàn, phòng chống dịch. Đây là việc bình thường mà mỗi gia đình phải tự lo hàng ngày.
Cho nên, khi chính quyền thông tin đứng ra lo giúp việc này với thành phố hơn 10 triệu dân, hơn 2 triệu hộ gia đình mà người dân chưa được biết phương án cụ thể ra sao, chưa được biết sẽ hỗ trợ cung cấp các hàng hoá thiết yếu gì… thì phản ứng cố gắng thu xếp để tự lo trong khả năng của người dân là điều hết sức dễ hiểu.
Chúng ta thấy siêu thị, cửa hàng, tiệm thuốc trong hai ngày qua đông người là vậy dẫu mỗi người đứng xếp hàng kia ai cũng ý thức, thậm chí biết rõ nguy cơ lây nhiễm bệnh ở chỗ đông người.
Nhìn lại các lần công bố điều chỉnh cấp độ thực hiện giãn cách không chỉ ở TP.HCM mà cả ở Hà Nội, Đà Nẵng hay các tỉnh, thành khác đều thấy tình trạng đông người đến các chợ, cửa hàng, siêu thị mua hàng hoá trước ngày có hiệu lực thực thi các quyết định này.
Như vậy, hiện tượng này không phải cá biệt, không phải mới xảy ra một lần và chỉ ở TP.HCM.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là, chính quyền và lãnh đạo các cấp có thể điều chỉnh gì trong việc đưa ra các chính sách chống dịch để người dân cảm thấy an lòng hơn, tránh tái diễn những tình trạng như trên.
Tôi thấy có ba việc rất quan trọng cần được chú ý đúng mức trước khi các ý tưởng hay quyết định chính sách được ban hành.
Một là, lắng nghe sâu hơn, đặt mình vào đối tượng chịu sự tác động của chính sách để hiểu tâm lý, suy nghĩ của người dân và đoán định trước các phản ứng nhằm thiết kế, quyết định và công bố chính sách phù hợp trong bối cảnh và thời điểm cụ thể.
Hai là, khi đã quyết định chính sách, người truyền đạt hay phát ngôn phải đủ thẩm quyền, đủ uy tín, trình bày rành mạch rò ràng, từ ngữ đơn giản dễ hiểu, không đa nghĩa để tạo niềm tin cho người dân, đảm bảo tính minh bạch và cam kết để thực thi.
Ba là, các phương án, kế hoạch hành động thực thi chính sách được công bố đi kèm với nội dung cụ thể, rõ ràng về công việc, những ai thực thi, thời gian, nguồn lực thực hiện… tránh nói chung chung, người dân không hình dung được dẫn đến việc tự chọn phương án hành động được cho là “khôn ngoan” nhất dựa trên suy luận duy lý nhưng lại không phải là kết cục tốt với xã hội.