Để di sản hư hại là có tội với tiền nhân

Trần Quí Thanh

Một góc Kinh thành Huế nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế (Ảnh và lời bình: Người Đô Thị)

—–

Tỉnh Thừa Thiên – Huế triển khai một chương trình di dời dân thế kỷ, tui muốn dùng khái niệm thời gian thế kỷ để nói lên ý nghĩa của cuộc di dân này.

Kinh thành Huế là Di sản Văn hoá Thế giới, nhưng nó mang một khuyết tật rất lớn chưa được điều chỉnh, đó là có khoảng 15.000 dân đang sinh sống ngay tại khu di tích. Thật dễ dàng khi chúng ta đổ lỗi cho lịch sử, đó là do chiến tranh, sau các sự kiện Mậu Thân năm 1968, rồi năm 1972, một lượng lớn dân cư từ Quảng Trị và phía Bắc Thừa Thiên – Huế tràn lên mặt thành chiếm dụng và ở cho đến nay.

Có thể năm 1968 do chiến tranh, năm 1972, 1975 do chiến tranh, nhưng tại sao từ sau năm 1975, không xử lý ngay? Nếu như đưa dân rời khỏi khu di tích ngay lúc đó, thì không có hậu quả nặng nề như ngày hôm nay. Bài học về quản lý di tích, quản lý xã hội của chính quyền quả là cay đắng, khi phải trả giá bằng một cuộc di dân khổng lồ với biết bao khó khăn và tốn kém.

Nhưng thôi, cũng chẳng biết trách ai, dù tốn kém thì cũng phải lo cho dân có chốn an cư, và trả lại di tích những tổ hợp kiến trúc như Eo bầu, Thượng thành, các tuyến phòng hộ, đó là việc không thể chậm trễ.

Mở ngoặc một chút để nói về Vạn lý trường thành bên Trung Quốc hay Himeji của Nhật Bản, người ta bảo tồn tốt đến mức một cành cây, một phiến đá cũng được giữ gìn, cho nên khai thác du lịch vô cùng hiệu quả. Đóng ngoặc.

Vậy thì, trong giai đoạn 2019 – 2021,  Chinh phủ hỗ trợ di dời 2.938 hộ dân  với tổng kinh phí 1.880 tỉ đồng là một cơ hội lớn để tỉnh Thừa Thiên – Huế thực hiện một chiến dịch lịch sử, một cuộc di dân thế kỷ. Vấn đề còn lại là làm thật tốt, ưu tiên số 1 là an dân, và tất nhiên, cứu cho được di tích, đừng lập lại những sai lầm của quá khứ.

Cha ông để lại di sản, nhưng con cháu để bị hư hạ, không khai thác hiệu quả là cố tội với tiền nhân.

Chúng ta hình dung, nếu như cuộc di dời dân hoàn thành, thì kinh thành Huế sẽ có diện mạo mới, rất đẹp, cứ nghĩ đến là xúc động.

Từ chuyện kinh thành Huế tui nghĩ ngược vào TPHCM, cũng với một chiến dịch lớn di dời dân cư ven kênh rạch. Trong Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TP HCM, giai đoạn 2018 – 2020, thành phố sẽ di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh, rạch; phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành di dời 10,000 căn, đến năm 2021 là 6,646 căn và số còn lại sẽ hoàn thành trước năm 2025.

Nếu như dự án hoàn thành, Sài Gòn sẽ đẹp hơn, đô thị văn minh hơn. Và điều quan trọng hơn, là tạo điều kiện cho người dân có một nơi sống ổn định, an toàn, vệ sinh, văn minh. Bao nhiêu năm, những hộ dân này sống tạm bợ trên kênh rạch, vừa làm xấu cảnh quan đô thị, vừa tổn hại sức khoẻ của chính những người sống trên kênh rạch vì môi trường ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Di dời dân ra khỏi kênh rạch, trả những con kênh này về với tự nhiên, cải tạo thật đẹp, để thành phố Sài Gòn xứng đáng với tên tuổi tráng lệ một thời của nó là ước mơ của người dân bao năm nay. Điều này không khó, nếu có tiền sẽ giải quyết dứt điểm được.

Cái khó hơn chính là đời sống, công ăn việc làm của người dân khi di dời khỏi nơi họ đã sinh sống nhiều năm. Nơi ở mới tốt hơn về sinh hoạt, nhưng làm gì để sống, điều kiện học hành, chăm sóc y tế, và tạo việc làm mới để ổn định thu nhập, đây là bài toán mà chính quyền phải giải.

Chúng ta chờ đợi hai cuộc di dời dân khổng lồ của thành phố di sản và thành phố lớn nhất nước, và hy vọng sẽ thành công.

Sài Gòn, ngày 20/12/2018
TQT

Bài đọc thêm, Link: Mục tiêu an dân và bảo vệ di sản được đặt lên hàng đầu

(https://nguoidothi.net.vn/muc-tieu-an-dan-va-bao-ve-di-san-duoc-dat-len-hang-dau-16364.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *