Để doanh nghiệp chống chọi với các loại khủng hoảng

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: vinmec.com

—–

Chào anh Trần Quí Thanh!

Em là Hoàng Thị Thư, người đã viết thư cho anh từ năm 2017 và được anh trả lời. (Bài: Hai bài học từ một cuộc cạnh tranh). Nay em lại viết thư gửi anh. Là vì em thấy doanh nghiệp toàn thế giới đang xiêu điêu trong khi THP của anh vẫn đứng vững. Rõ ràng anh đã trang bị cho THP một hệ miễn dịch tốt để vượt qua phong ba bão táp. Hệ miễn dịch ấy là gì, anh có thể bật mí được không ạ?

Kính chúc anh vui khoẻ

Hoàng Thị Thư (Hà Nội): thuhotay2007@gmail.com

—–

Hoàng Thị Thư mến!

Sau đại dịch COVID-19, cả thế giới xiêu điêu, càng lớn càng thiệt hại lớn, cho nên doanh nghiệp gặp khó khăn là điều đương nhiên. Cha ông mình có câu ví von rất hay, “lụt thì lụt cả làng”.

Có điều, trong cơn lụt đó, có người sống sót, nhưng có người bị nước cuốn trôi. Vì sao vậy, đơn giản vì có nhiều người chuẩn bị cho mình tâm thế phòng chống thiên tai, có lương thực để ăn, có công cụ để thoát hiểm như áo phao, xuồng cứu sinh…

Đối với doanh nghiệp cũng vậy, luôn trang bị cho mình các biện pháp phòng chống khủng hoảng. Đã là khủng hoảng thì phải hiểu đến từ nhiều phía, trong đó có thiên tai, địch họa, dịch bệnh, cho nên cách tốt nhất là luôn tăng cường sức mạnh của mình để chống chọi, tạm gọi là hệ miễn dịch cho doanh nghiệp.

Thứ nhất là khả năng ứng phó linh hoạt của doanh nghiệp trước khủng hoảng. Không bao giờ chờ “nước đến chân mới nhảy” mà phải luôn trong tư thế sẵn sàng, trong đó ban giám đốc bình tĩnh, sáng suốt, đội ngũ nhân viên tích cực, tin cậy, đoàn kết, chia sẻ. Với một lực lượng như vậy, sóng to gió lớn nào cũng vượt qua.

Một doanh nghiệp không chuẩn bị nguồn năng lượng tích cực này, chỉ “lờ đờ”, “vật vờ” qua ngày, tới đâu hay tới đó, thì chỉ cần một biến cố nhỏ của thị trường cũng đủ để bị nhấn chìm.

Thứ hai là luôn huy động trí tuệ tập thể. Một doanh nghiệp biết khai thác sáng kiến, sáng tạo, đề xuất, giải pháp khoa học kể cả ý kiến phản biện từ trong nội bộ thì sẽ có một sức mạnh về trí tuệ tập thể. Những sự chia sẻ và thấu hiểu nhau đó sẽ gắn kết mọi người lại thành một khối, phát huy tối đa năng lực cá nhân, từ đó tạo ra nguồn năng lượng chung cho doanh nghiệp. Đây là một hệ miễn dịch mà danh nghiệp nào cũng phải chuẩn bị thường trực.

Thứ ba là hệ thống quản lý và công cụ quản lý. Trong thời đại số vận động với tốc độ kinh hoàng của ngày nay, một hệ thống quản lý lạc hậu không thể theo kịp khi có những biến động xảy ra.

Hệ thống nào thì công cụ đó và con người đó. Cụ thể như, nếu sử dụng hệ thống quản lý bằng các chương trình công nghệ thì phải có những công cụ tương ứng, tương thích với nhu cầu quản trị số. Và với hệ thống đó, đương nhiên phải tuyển dụng nhân sự có trình độ cao. Hệ miễn dịch này tạo ra khả năng ứng phó cao.

Hệ miễn dịch cuối cùng và cũng là chốt chặn cuối cùng, đó là năng lực lãnh đạo điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp. Lãnh đạo phải thường xuyên rèn luyện, cầu tiến, học hỏi, có bản lĩnh, trí tuệ, có nhiệt huyết thì sợ gì các loại tác nhân tấn công từ bên ngoài.

Chúc chị vui khỏe, cần gì cứ meo cho tui nha.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *