Để không ‘sổ mũi’ theo Trung Quốc, được không?

Cốc Vũ/ Báo Phụ nữ TpHCM

—–

Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) có phải là cây đũa thần cho Việt Nam không, đó là điều chưa ai dám khẳng định. Khai thác được lợi thế này để nâng cao năng lực và doanh thu của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã là quá mừng.

Sân chơi lớn thì phải là đội bóng lớn, cầu thủ lớn, Việt Nam đã là đội bóng lớn hay chưa thì ai cũng biết, và đương nhiên, chúng ta chưa có nhiều cầu thủ lớn, đó là những tập đoàn, doanh nghiệp đủ sức chơi trên sân EU.

Có một điều không may cho cả thế giới, là dịch Covid – 19 quật xuống ngay đầu năm 2020, làm đảo lộn kinh tế xã hội của nhiều quốc gia. Nhưng không may hơn, khi Trung Quốc là nơi bùng phát, và khi nền kinh tế “quyền lực thứ hai” thế giới bị suy vi, thì các nền kinh tế khác không thể không bị ảnh hưởng.

Ví dụ, Hyundai tạm ngưng sản xuất ôtô tại nhiều nhà máy, Nissan cũng ngừng dây chuyền nhà máy sản xuất ôtô vì lí thiếu nguồn cung linh, phụ kiện từ Trung Quốc. Nhật Bản và Hàn Quốc còn phải sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc đủ để chứng minh sức mạnh của nền công nghiệp phụ trợ của quốc gia này.

Châu Âu cũng thế thôi, hãng xe Renault phải tạm ngừng vận hành nhà máy ở Hàn Quốc, Fiat-Chrysler lo ngại một nhà máy của hãng tại châu Âu có thể đóng cửa tạm thời trong thời gian tới nếu nguồn cung linh kiện được sản xuất bởi các công ty ở Trung Quốc.

Với những tập đoàn máu mặt của thế giới còn lao đao, thì hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đương nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng.

Và không chỉ ngừng trệ hoạt động thương mại của hai nước, mà dịch Covid – 19 còn cản trở bước đi của các doanh nghiệp Việt Nam sang châu Âu.

Trở lại với chuyện thông qua Hiệp định thương mại tự do EVFTA, Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của thị trường rất khó tính này, và tất nhiên giá cả phải cạnh tranh. Và thực tế là, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, rất nhiều ngành sản xuất của Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc, cho nên rất khó khăn trong lúc này.

Tìm kiếm nguồn nguyên liệu khác để hạn chế phụ thuộc từ Trung Quốc là phương án của nhiều nhà sản xuất trên thế giới, nhưng để làm được việc này không phải ngày một ngày hai.

Trần Quí Thanh

——

Trung Quốc hiện là một phần không thể thiếu của bộ máy công nghiệp thế giới. Theo hiệu ứng domino, Trung Quốc mà có “hắt hơi” thì không ít quốc gia “sổ mũi”.

Hồi 18g ngày 12/2, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức thông qua hai hiệp định mới với Việt Nam, gồm Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Có một sự liên quan không nhỏ khi đặt những cụm từ này cạnh nhau: Covid-19, Trung Quốc, EVFTA, EVIPA, Việt Nam.

Trung Quốc hiện là một phần không thể thiếu của bộ máy công nghiệp thế giới. Không những chiếm khoảng 1/6 sản lượng kinh tế toàn cầu, quốc gia này còn được mệnh danh là “đại công xưởng thế giới”. Vì thế, theo hiệu ứng domino, Trung Quốc mà có “hắt hơi” thì không ít quốc gia “sổ mũi”.

Khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (Covid-19) làm ngưng trệ nền kinh tế “quyền lực” thứ hai thế giới – Trung Quốc, kinh tế Việt Nam – quốc gia láng giềng – cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Chiều 12/2, trong phiên họp Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự báo mang tính nếu – thì: “Nếu khống chế được dịch trong quý I/2020, tăng trưởng của nước ta dự báo là 6,25%, giảm 0,55% so với chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Nếu dịch được khống chế trong quý II thì mức tăng trưởng dự báo là 5,96%, giảm 0,84% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ”. Nhưng, hiện vẫn chưa có lời đáp cho câu hỏi “nếu không khống chế được dịch thì sao”.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lại có chung đường biên giới dài 1.281km với Việt Nam, nên ta có muốn “khước từ” sự ảnh hưởng cũng không được. Nhưng, làm thế nào để tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau? Trong những năm qua, Việt Nam chưa có những con át chủ bài để tự giải vây mình trong những tình thế “nước sôi lửa bỏng”.

Những con át chủ bài đó, bên cạnh thị trường nội địa, chính là những thị trường mới để Việt Nam có thể gắn kết với chuỗi cung ứng toàn cầu, tìm kiếm thêm nguồn nguyên liệu thay thế dần nguồn cung Trung Quốc, giảm dần sự lệ thuộc Trung Quốc cả đầu vào lẫn đầu ra.

Cơ hội quý giá ấy đã đến. Việc EP chính thức thông qua hai hiệp định mới đã mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa châu Âu – Việt Nam. Theo đó, 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU sẽ được xóa bỏ.

Ông Nicolas Audier – Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) – gọi đó là “thời khắc lịch sử”. Chúng ta cũng nên xem đó là cơ hội vàng để giảm dần sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Nhưng, không phải hai hiệp định được thông qua nghĩa là Việt Nam có thể điềm nhiên băng băng đi thẳng vào thị trường EU. Làm sao để thuyết phục được thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng, giàu có nhưng cũng hết sức khó tính như EU?

Tại phiên họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von: “Chúng ta phải chống cả hai loại virus, là virus corona và virus trì trệ. Không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh để không hành động, làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội của đất nước”.

Vắc-xin nào cho sự trì trệ đó, nếu chúng ta không chịu thay đổi chính mình và giã từ thứ “tư duy cây lúa” đang còn bao phủ nền kinh tế này?

NGUỒN:  Theo Báo Phụ nữ Tp HCM online

Link bài: Để không “sổ mũi”…

(https://www.phunuonline.com.vn/de-khong-so-mui-theo-trung-quoc-duoc-khong-a1403350.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *