Trần Quí Thanh
—–
“Bệnh lây truyền mạnh nhất là “bệnh hoang mang”. Chúng ta phải đánh giá đúng, xử lý đúng vấn đề. Với quyết tâm không để dịch lây lan, chúng ta đã yêu cầu huy động tất cả các lực lượng trong hệ thống chính trị vào cuộc để ngăn chặn dịch”, đó là phát biểu của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 5.2.
Đúng là quá hoang mang, nó cũng là một loại dịch bệnh do những tin đồn thất thiệt gây ra. Mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho hoang tin phát tán, nhiều người hả hê khi đưa tin nhiều người nhiễm bệnh, nhiều người tử vong. Có thể nói, đó cũng là một thứ bệnh hoạn thực sự, một sự khuyết tật trong tâm hồn.
Đã có những trường hợp bị xử phạt do tung tin sai sự thật về dịch Corona, đây cũng là cách hạn chế việc tung những tin đồn, làm cho cộng đồng sợ hãi. Nhưng phải xử mạnh tay hơn, quyết liệt hơn với những kẻ tung tin sai sự thật thì mới dẹp được loạn này.
Tin đồn thất thiệt về dịch Corona không chỉ ở Việt Nam, cho nên, WHO cảnh báo rằng, sự bùng phát của virus 2019-nCoV “đi kèm với một “bệnh dịch” khổng lồ khác, đó là” sự dư thừa thông tin – một số thông tin chính xác và một số không – khiến mọi người khó tìm được nguồn hướng dẫn đáng tin cậy khi họ cần”.
Nhưng để người dân không phải chạy theo những thông tin sai sự thật, thì các cơ quan hữu trách phải cung cấp kịp thời và đầy đủ thông tin về dịch bệnh cho cộng đồng. Như cuộc họp báo của Bộ Y tế hôm 5.2 do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì, đã cung cấp nhiều thông tin, giải đáp được nhiều thắc mắc, người dân có lòng tin và bình tĩnh để phòng dịch cũng như sinh hoạt, học tập, làm việc.
Nhưng các cuộc họp báo chưa đủ, mà hằng ngày, các cơ quan của Chính phủ, Bộ Y tế cung cấp thông tin để báo chí đưa tin chính xác và kịp thời về dịch Corona để người dân được biết, đồng thời đưa ra những khuyến cáo y tế kịp thời và hữu hiệu.
Nếu làm tốt công việc này thì tin đồn không còn đất sống.
Sài Gòn ngày 06/02/2020
TQT