Để sự hy sinh có ý nghĩa

TS Hồ Thiệu Hùng/ Báo Tuổi Trẻ

Không chỉ thể hiện lòng tự trọng phải có ở mỗi người, nêu cao ý thức tự giác một công dân có trách nhiệm lúc này còn là cách thể hiện lòng tri ân những người vì ta mà xả thân trong công việc, là cam kết làm cho sự hy sinh của họ ‘có ý nghĩa’.

Trước lúc phải tạm dừng nhà máy để thực hiện nghiêm “3 tại chỗ”, một giám đốc công ty đã mong rằng sự hy sinh của doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả thật sự, sự hy sinh của doanh nghiệp là có ý nghĩa. 

Mong muốn chính đáng này không chỉ của các doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất mà còn của bao người thuộc các thành phần khác nhau trong trận chiến chống COVID-19.

Trước hết là của đội ngũ những người áo blouse trắng đang nỗ lực hết mình, vắt kiệt sức trên mặt trận chống dịch; của những người quản lý xã hội từ trung ương đến cơ sở ngày đêm vắt óc, đổ mồ hôi xây dựng chủ trương, chính sách và thực thi công cuộc chống dịch sao cho hiệu quả mà bớt tổn thương cho xã hội, cho người dân; 

Của những chiến sĩ quân đội, công an trắng đêm canh gác biên thùy, chốt giao thông, xa gia đình nhiều tháng ròng để giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; của các dân quân, tự vệ, bảo vệ cùng những người tình nguyện vô danh đang phục vụ bữa ăn, giấc ngủ cho những người bị cách ly; 

Của những người dân không quen biết cùng nhau góp cọng rau, con cá gửi cho người dân TP.HCM; của những người phải dừng công việc làm, chịu bỏ kế sinh nhai, thiệt thòi việc học hành để bảo đảm giãn cách xã hội; của những người nghèo mà vẫn góp tiền mua vắc xin…

Sự hy sinh này là vô giá vì cả nước đang phải chống “giặc” dịch, một loại giặc vô hình nhưng cực kỳ tàn độc có thể làm hại người qua không khí mà ai cũng phải cần để sống.

Và người dân nào cũng có thể góp phần mình để sự hy sinh này không phải là vô ích. Bằng cách nào?

Trước hết cần nêu cao ý thức tự giác của mỗi người trong việc thực hiện các chỉ thị phòng chống dịch ngay trên địa bàn mình đang sống. Ta thường nói vui mà không sai: “Thời buổi COVID-19 này, chỉ ngồi nhà đã thể hiện lòng yêu nước”. 

Ai cũng thực hiện 5K mỗi khi rời khỏi nhà. Chịu khó thay đổi một số thói quen dù là rất lành mạnh của mình. Chớ chen lấn, giành chỗ nơi siêu thị, biết nhường nhịn nhau mỗi khi mua hàng hay nhận quà cứu trợ. 

Đừng loan những tin chưa được kiểm chứng mà hãy truyền đi những thông tin chính thức, giúp giữ gìn sự bình yên về sức khỏe và tinh thần của người khác. Đừng “khôn lỏi” tìm cách vượt chốt, trốn xét nghiệm, tránh chích ngừa. 

Ai đang ở nơi cách ly thì hãy nói cảm ơn, nở nụ cười với người phục vụ mình, dù chưa được như ý thì cũng chớ càm ràm chê trách, than phiền mà hãy chân thành nêu những ý kiến xây dựng. Ai được cách ly tại nhà thì đừng trốn ra ngoài lo việc riêng. 

Ai phát hiện ra những chỗ chưa tốt trong việc xây dựng chủ trương hoặc thi hành chính sách thì chân thành nêu sáng kiến của mình đúng việc, đúng chỗ. Mỗi người không trực tiếp chống dịch hãy chịu cực một chút để góp phần đẩy lùi đại dịch bởi “trăm người xây thua một người phá”.

Nêu cao ý thức tự giác của một công dân có trách nhiệm lúc này không chỉ đơn giản là thể hiện lòng tự trọng phải có ở mỗi người, mà còn là cách thể hiện lòng tri ân những người vì ta mà xả thân trong công việc, là cam kết làm cho sự hy sinh của họ “có ý nghĩa”.

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi trẻ

Link bài: Để…

https://tuoitre.vn/de-su-hy-sinh-co-y-nghia-20210719074722361.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *