Để tất cả đều an toàn: cần phải ứng xử với vaccine như thế nào?

Trương Trọng Hiếu/ Báo TBKTSG

 

Đêm 19-11, cả nước đã dành khoảng thời gian ý nghĩa để tưởng niệm nạn nhân mất vì đại dịch Covid-19. Chưa bao giờ, cụm từ “Covid” trở thành một nỗi ám ảnh lớn lao như lúc này!

Thêm một biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây lan mạnh mẽ hơn vừa được gọi tên. Điều này càng cho thấy cuộc sống sẽ chẳng dễ gì để trở về trạng thái bình thường mới trong thời gian ngắn sắp tới. Nỗ lực và nỗ lực nhiều hơn nữa để khắc phục và cải thiện tình hình có lẽ là sự vọng tưởng lớn lao nhất mà những người còn lại hướng về 23.476 nạn nhân (vào thời điểm làm lễ tưởng niệm) và sẽ còn nhiều hơn nữa những người nằm xuống.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mấy ngày trước khi Việt Nam chính thức tổ chức lễ tưởng niệm nói trên đã chạy câu khẩu hiệu lay động tâm thức trên trang web của mình: No one is safe until everyone is safe! Có nghĩa, sẽ chẳng một ai an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn! Ngoài những nỗ lực cá nhân và các biện pháp mang tính ứng phó tạm thời, rõ ràng không một lối thoát quan trọng nào khác ngoài vaccine.

Mấy ngày gần đây, vài nghi ngại về vaccine ngừa Covid-19 có phần dậy sóng trở lại trước các ca tử vong đối với bệnh nhân Covid-19 đã tiêm đủ liều. Nhưng bình tâm thì có thể nhớ lại rằng, chưa có một thông tin khoa học chính thức nào khẳng định vaccine là giải pháp an toàn tuyệt đối, ngoài khả năng giảm thiểu rủi ro xâm nhập và gây hại của dịch bệnh. Ngược lại, dựa trên số ca tử vong được thống kê gần đầy, một số phân tích nhanh đã cho thấy, tỷ lệ số ca tử vong trên bệnh nhân đã tiêm vaccine thấp hơn nhiều so với bệnh nhân chưa chủng ngừa hoặc chưa chủng ngừa đủ hai mũi tiêm.

“Chìa khóa” quan trọng hiện đang nằm trong tay các chính phủ hơn là doanh nghiệp: cắt giảm thuế quan, hợp lý hóa quy trình liên quan đến thương mại và đảm bảo tốt các điều kiện hậu cần.

So với giai đoạn trước, ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần, số lượng vaccine được sản xuất tăng đáng kể. Nhưng để “tất cả” có thể tiếp cận vaccine một cách nhanh chóng, việc phân phối nguồn vaccine giữa và ngay tại mỗi quốc gia vì vậy tiếp tục là đòi hỏi quan trọng. Để đảm bảo công bằng, minh bạch, hiệu quả, nhiều cơ chế phân phối vaccine đã được kích hoạt, tiêu biểu nhất là cơ chế dành cơ hội tiếp cận vaccine cho các nước nghèo – COVAX – theo sự điều động của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Vaccine toàn cầu (Gavi) và Liên minh Đổi mới sẵn sàng vì dịch bệnh (CEPI) từ giữa năm 2020. Với vai trò là đối tác triển khai chính, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) đến nay đã hỗ trợ vận chuyển 549,7 triệu liều vaccine đến 144 quốc gia qua COVAX. Điều đáng nói là, có 5,59 tỉ liều trong số 21,1 tỉ liều vaccine chủng ngừa trên toàn cầu được quyên góp qua cơ chế này. Việt Nam cũng đã tiếp cận một số lượng vaccine được các quốc gia tặng thông qua COVAX.

Xây dựng lòng tin với vaccine là định hướng mang tính mệnh lệnh. Tỷ lệ phủ đủ vaccine tại một số địa phương tăng cao cho thấy tín hiệu lạc quan. Ở bình diện rộng hơn, kết quả khảo sát của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy ý kiến ủng hộ giải pháp vaccine liên tục được củng cố, cải thiện. Thực ra, các ý kiến “chống vaccine” hay “không tin về tác dụng” của chúng là không nhiều. Đa phần các trường hợp lựa chọn phương án chưa tiêm vaccine xuất phát từ hai lý do chính: lo ngại về tác dụng phụ và nghi ngại khi quá trình thử nghiệm diễn ra quá nhanh. Một số thì cho rằng ảnh hưởng của virus đối với họ sẽ không lớn.

Tuy nhiên, biểu đồ cho thấy lựa chọn đồng ý với ý kiến “nếu có vaccine, tôi sẽ tiêm” đạt tỷ lệ cao ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tại Anh, Brazil và Trung Quốc (biểu đồ 1). Tính từ cuối năm ngoái đến nay, tỷ lệ phần trăm (%) tuyên bố “đồng ý hoàn toàn” tại nhiều nước cũng cải thiện đáng kể, như, Ý (28%) và Tây Ban Nha (28%), Anh (21%), Pháp (19%).

Cho dù thế nào thì ngoài các phương án mang tính nhân đạo và vì lợi ích chung, thương mại hóa vaccine vẫn luôn là phương thức hữu hiệu để triển khai vaccine một cách nhanh chóng và rộng rãi. Để tăng cường khả năng tiếp cận vaccine, các cuộc thảo luận hướng đến các giải pháp thúc đẩy thị trường mở cho sản phẩm đặc biệt này. Hay nói cách khác, “chìa khóa” quan trọng hiện đang nằm trong tay các chính phủ hơn là doanh nghiệp: cắt giảm thuế quan, hợp lý hóa quy trình liên quan đến thương mại và đảm bảo tốt các điều kiện hậu cần. Ngoài việc tăng cường sản xuất cung ứng các thiết bị y tế hỗ trợ, thiết lập và cải thiện mạng lưới logistics khổng lồ phục vụ cho việc giao – nhận thông suốt các lô vaccine là nhiệm vụ rất cần thêm những hỗ trợ từ phía chính quyền.

Thời gian gần đây, truyền thông phản ánh nhiều về lợi nhuận của các công ty nắm quyền sáng chế và sản xuất vaccine. Cũng giống như thành quả của bất kỳ hoạt động sáng tạo nào khác, ngoài việc nhìn vào chi phí, hãy nhìn vào rủi ro thất bại từ khi bắt đầu cho đến khi chưa có kết quả nghiên cứu thành công. Thống kê của OECD cho thấy, không ít quốc gia đã và đang xắn tay vào cuộc và số lượng nghiên cứu vaccine được đăng ký cũng không hề ít so với số lượng các vaccine đang được sản xuất và lưu hành trên thực tế hiện nay (biểu đồ 2). Ngay cả tại Việt Nam, vaccine Nanocovax qua nhiều nỗ lực vẫn chưa được Bộ Y tế cấp phép. Nghiên cứu đối với vaccine Covivac thì có lẽ cần thêm nhiều thời gian hơn.

Thậm chí, áp lực về tuổi thọ ngắn của vaccine không cho bất kỳ một ai dừng lại một khi đã tham gia cuộc viễn chinh ít nhiều mạo hiểm này. Biến chủng mới nhất của virus SARS-CoV-2 một lần nữa buộc giới nghiên cứu và chế tác vaccine phải tiếp tục. Đồng thời với các đánh giá bước đầu là các dòng vaccine hiện tại về cơ bản vẫn đáp ứng, giới chuyên gia đều cho rằng, nghiên cứu và sản xuất chế phẩm vaccine mới bất hoạt biến chủng virus mới là việc làm cần thiết, tối quan trọng và phải được triển khai ngay lập tức.

Đó là phần nào lý do để pháp luật các nước và cả quốc tế công nhận những đặc quyền nhất định cho người nắm giữ sáng chế. Một lần nữa, xin khẳng định rằng, phục vụ lợi ích công và các mục tiêu nhân đạo khác là yêu cầu không thể phủ nhận. Nhưng các giải pháp tiếp cận dược phẩm và các giải pháp y tế trong những tình huống này đã được đặt lên bàn đàm phán và ghi nhận trong các thỏa ước. Chúng ta vì vậy khó lòng mơ ước hão huyền cho những đòi hỏi thái quá về sự từ bỏ quyền lợi của doanh nghiệp nắm sáng chế. Trong một chừng mực nào đó, viễn cảnh “không vaccine” mà OECD giả định cho tình huống “không thương mại” cũng đã phần nào phản ánh góc nhìn này.

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM.

NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Để tất cả…

https://thesaigontimes.vn/de-tat-ca-deu-an-toan-can-phai-ung-xu-voi-vaccine-nhu-the-nao/

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *