Dịch thay đổi, chống dịch cũng phải thay đổi

Lan Anh/ Báo Tuổi Trẻ

Tính từ ngày 9-7, trung bình mỗi ngày TP.HCM ghi nhận trên 1.300 ca mắc COVID-19 mới. Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, số ca mắc của TP.HCM đã gần 24.000 người, hơn 1/2 của cả nước, phá tất cả “kỷ lục” của các đợt dịch trước.

Tại cuộc giao ban trực tuyến với 63 tỉnh thành cả nước ngày 16-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay không chỉ TP.HCM, những ngày tới Bình Dương, Long An, Đồng Nai cũng sẽ rất “nóng”.

Đã có tình trạng dịch “lan gần” và “lan xa”, trong khi chu trình lây nhiễm giảm chỉ còn 2 ngày, thay vì 5 ngày như trước đây.

Trong tình hình này, nếu tiếp tục áp dụng các biện pháp như từ đợt dịch đầu tiên, dù đã rất thành công có lẽ cũng rất khó để chống dịch tốt. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trước đây 1 F0 phải truy vết hàng chục F1, F2, trong khi đợt dịch này TP.HCM có 22.000 ca bệnh nhưng đến nay chỉ có trên 42.000 F1 đã cách ly, tức vẫn còn “các F” chưa được truy vết hết.

Bộ Y tế và cả TP.HCM đã có những thay đổi để phù hợp với diễn biến mới, trong đó đáng chú ý là cho F0 không triệu chứng, đã qua 10 ngày theo dõi tại bệnh viện và F1 về cách ly tại nhà, giãn bớt cho bệnh viện và khu cách ly tập trung, dồn lực chăm sóc bệnh nhân nặng và có biểu hiện lâm sàng rõ rệt.

Tuy nhiên, nhìn vào đời sống dân cư TP.HCM và nhiều tỉnh thành những ngày này cho thấy vẫn còn nhiều lúng túng, chệch choạc, khiến người dân gặp khó ngay khi họ đang phải giãn cách xã hội.

Việc ngưng chợ truyền thống có thể áp dụng trong một thời điểm ngắn, không thể kéo dài bởi nếu không giá cả sẽ tăng cao, đứt gãy chuỗi cung cấp hàng hóa, tiểu thương mất việc và nhiều người không đủ khả năng mua thực phẩm.

Trong khi đó, cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin. TP.HCM đang chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng thứ 2 với trên 800.000 liều vắc xin. Cần khắc phục những hạn chế trong đợt tiêm chủng trước đây khi người đến tiêm chủng tập trung tại điểm tiêm quá lớn không đảm bảo giãn cách, nơi phòng dịch lại trở thành nơi có nguy cơ lây bệnh.

Ngoài ra, các khu cách ly tập trung tại TP.HCM cũng có dấu hiệu lây nhiễm chéo rất mạnh, có khu đã ghi nhận hàng trăm bệnh nhân/ngày. Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, đó là những “con số biết nói”. Hướng dẫn mới đã giảm bớt các điều kiện khắt khe hơn, do đó TP.HCM có thể mở rộng nhóm F1 cách ly tại nhà, kết hợp với việc giám sát của các tổ COVID-19 cộng đồng để đảm bảo cách ly nghiêm ngặt.

Có những ý kiến cho thấy hiện chưa phải là đỉnh dịch tại TP.HCM, khả năng sau 15 ngày giãn cách theo chỉ thị 16, thành phố vẫn phải áp dụng các điều kiện chặt chẽ để chống dịch. Các địa phương lân cận cũng đang nóng và có thể quá tải cơ sở y tế lẫn trang thiết bị. Làm sao để chống dịch ở một chuỗi địa phương đông dân, trong điều kiện phải đảm bảo sản xuất, chứ không thể cứ “ngồi im chống dịch” mãi.

Trong cuộc họp ngày 16-7, bộ trưởng Bộ Y tế đã nhắc đến khái niệm “giãn cách liên vùng”. Bên cạnh đó là tổ chức sản xuất, tổ chức khám chữa bệnh và phòng dịch, vận hành đời sống trong điều kiện mới… Người dân đang mong mỏi có những thay đổi mạnh mẽ để chống dịch hiệu quả hơn và đời sống bớt đi những chật vật, trong lúc chờ tỉ lệ tiêm chủng tăng lên và đạt miễn dịch cộng đồng.

Dịch đã thay đổi, chống dịch cũng phải thay đổi.

NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ

Link bài: Dịch…

https://tuoitre.vn/dich-thay-doi-chong-dich-cung-phai-thay-doi-20210717080143747.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *